Lễ hội Minh Thề và tinh thần phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ hai, 06/02/2023 14:13
(ThanhtraVietNam) - Lễ hội Minh Thề mang giá trị lớn lao về đạo đức, lối sống, phép tắc ứng xử trong cộng đồng. Đồng thời mang đậm tính thời sự, răn dạy về xây dựng trật tự, kỷ cương, tinh thần thượng tôn pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lãng phí cho các thế hệ.

 

Ngày 4/2 (tức 14 tháng Giêng năm Quý Mão), tại khu di tích lịch sử văn hóa đền - chùa Hòa Liễu (thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), đông đảo Nhân dân và du khách thập phương tham dự lễ hội Minh Thề- Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia do UBND xã Thuận Thiên tổ chức.

Lễ hội Minh Thề chính thức được khôi phục từ năm 2002 trên nền cốt của Hội Minh Thề xưa. Trước đó, vào thời nhà Mạc giữa thế kỷ 16, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung) đến ấp Lan Niểu (Hòa Liễu ngày nay) bỏ tiền của, đứng ra vận động, tu tạo lại chùa Hòa Liễu, rồi cùng dân làng lập ra Hịch văn hội Minh Thề (năm 1561). Trong đó quy định những điều được làm, phải làm và những điều không được làm cho tất cả các thành phần từ hương chức đến dân thôn.

Tại lễ hội, nhân dân và du khách được chứng kiến hoạt động tế lễ. Theo đó, chủ tế dùng dao vẽ một vòng tròn lớn giữa Đài thề. Đại diện tư văn đọc hịch văn Minh Thề, trong đó nêu rõ: “Nếu lấy của công làm việc công được thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử! Y như lời thề…”. Sau đó, chủ tế dùng dao cắt tiết gà vào bình rượu, mời mọi người cùng uống rượu thề.

leftcenterrightdel
Lễ hội Minh Thề. Ảnh: TTXVN 

Tính thời sự về tinh thần phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Theo ban tổ chức, nét độc đáo của Hịch văn Minh Thề là gắn liền những quy phạm đời thường với các yếu tố tâm linh. Do đó, lễ hội mang giá trị lớn lao về đạo đức, lối sống, phép tắc ứng xử trong cộng đồng. Đồng thời mang đậm tính thời sự, răn dạy về xây dựng trật tự, kỷ cương, tinh thần thượng tôn pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí cho các thế hệ.

Ngày nay, việc “...lấy của công làm của tư” thì đã có các quy định để xử lý từ luật cho tới các nghị định, thông tư, các quy chế, giao ước thi đua...

Theo quy định tại Điều 19 Luật Viên chức, những điều viên chức không được làm bao gồm: (1) Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công. (2) Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật. (3) Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức. (4) Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân và xã hội. (5) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.

Trong khi đó, tại Điều 18, Luật cán bộ, công chức, đối tượng này không được làm các việc cụ thể như: (1) Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công. (2) Sử dụng tài sản của Nhà nước và của Nhân dân trái pháp luật. (3) Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi. (4) Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức. Liên quan đến bí mật nhà nước, cán bộ, công chức còn không được làm những việc được quy định tại Điều 19, luật này.

Cùng với các quy định cơ bản tại Luật Viên chức, Luật Cán bộ, công chức nêu trên thì cán bộ, công chức, viên chức cũng không được làm những việc khác theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thêm nữa, các nghị định, thông tư cho đến các quy định, quy chế của từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị cũng được thể chế hóa để cán bộ, công chức, viên chức không vi phạm quy định và thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Bởi xã hội ngày càng phát triển và người người đều phải thực hiện theo quy định của luật pháp. Đối với công chức, viên chức thì lại càng phải gương mẫu. Nhất là trong khu vực công với sứ mệnh phục vụ Nhân dân, tuyệt đối không được gây khó dễ, tham nhũng “vặt”, cũng như thực hiện nghiêm quy định về chống lãng phí./.

Với giá trị, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, độc đáo, năm 2017, Hội Minh Thề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua đó cũng góp phần làm phong phú nét văn hóa miền quê Thuận Thiên và quảng bá, phát triển du lịch tâm linh của huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.


Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra