Hiện nay, ý nghĩa của liêm, chính cũng được nghiên cứu, bàn luận ở nhiều góc độ, được cụ thể hóa ở mỗi ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Ủy ban kinh tế và các vấn đề xã hội của Liên hợp quốc định nghĩa “liêm chính” là sự liêm khiết, một điều kiện không thể bị xáo trộn. Liêm chính đồng nghĩa với trung thực…
Dưới góc độ xã hội, liêm chính là chuẩn mực trong sạch, ngay thẳng của xã hội, nó điều chỉnh, chi phối hành vi của con người với nhau, con người với tự nhiên và với chính bản thân mình.
Ở góc độ cá nhân, đạo đức liêm chính là nhân cách trong sạch, ngay thẳng dựa trên nền tảng những nguyên tắc, chuẩn mực xã hội và tuân thủ pháp luật của con người được chứa đựng trong ý thức, tình cảm, ý chí, biểu hiện qua thói quen, hành vi ứng xử của họ với người khác và với chính bản thân mình.
|
|
Hội thảo khoa học về liêm chính. Ảnh: nafosted.gov.vn |
Tại sao lại phải giáo dục liêm chính?
Nền công vụ của mỗi quốc gia luôn cần đến hệ thống những giá trị cốt lõi mà hoạt động công vụ phải đảm bảo thực hiện. Có những điểm chung mà mọi nền công vụ đều hướng tới và thực hiện như liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, công bằng, hợp pháp, công khai, minh bạch. Chính vì vậy, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD định nghĩa liêm chính công là sự liên kết nhất quán và tuân thủ các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức chung để duy trì và ưu tiên lợi ích công cộng hơn lợi ích cá nhân trong khu vực công (1).
Thường thì liêm chính không tách rời với các quy tắc đạo đức chung mà con người của mỗi quốc gia thực hiện. Nó được hình thành bởi văn hóa, giáo dục và thực hành liêm chính mà thành. Theo nghiên cứu của Rothstein và Sorak (2), các quy tắc đạo đức trong hành chính công đã trở nên quan trọng trên toàn thế giới, có ít nhất có 154 quốc gia đã xây dựng những quy tắc như vậy.
Giá trị của liêm chính cùng với các giá trị của sự vô tư, tính công khai, tính hợp pháp, tính trung thành, đối xử bình đẳng, tính phục vụ tạo nên những giá trị chuẩn mực của nhiều khu vực công trên thế giới được gọi là Code of Conduct (COC) - bộ quy tắc đạo đức ứng xử.
Chiến lược chống tham nhũng của nhiều quốc gia trên thế giới xem giáo dục liêm chính là một trong những trụ cột lớn. Vương quốc Anh, Nam Phi và Namibia, Ai Cập, Mỹ, Pháp, Ai Cập, Namibia đã thừa nhận tầm quan trọng của việc giáo dục liêm chính, sự cần thiết và việc bố trí các nguồn lực cho hoạt động giáo dục liêm chính.
Một số kết quả nổi bật về giáo dục liêm chính tại Việt Nam
Trước hết phải khẳng định rằng, giáo dục liêm chính không phải là vấn đề mới ở Việt Nam. Sau khi ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, vào năm 2009, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng” (gọi tắt là Đề án).
Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng đạo đức xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công chức, sinh viên, học sinh về phòng, chống tham nhũng. Sau 3 năm triển khai Đề án này, ngày 12/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013 - 2014.
Nội dung trọng tâm của Đề án là gắn việc lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy, đặt trọng tâm vào giáo dục đạo đức liêm chính, kết hợp giảng dạy pháp luật về phòng, chống tham nhũng với thời lượng phù hợp và thích hợp với từng độ tuổi, từng cấp học.
Bộ Tư pháp phối hợp cùng Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016” và Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021” (3).
Bộ Nội vụ đã đưa vào chương trình bồi dưỡng công chức lãnh đạo cũng như bồi dưỡng theo ngạch công chức hành chính các nội dung về đạo đức, văn hóa công chức, công vụ, cải cách hành chính, quản lý tài chính công và quản lý nội bộ cơ quan gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Về thực hành liêm chính và đạo đức công vụ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội.
Từ năm 2010 đến 2014, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức Chương trình Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) nhằm thúc đẩy một số sáng kiến phòng, chống tham nhũng trong cộng đồng. Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình này là nội dung giáo dục liêm chính cho giới trẻ trên cả nước.
Nhiều kinh nghiệm tốt, nhiều bài học hay về giáo dục liêm chính đã và đang được thực hiện đến ngày nay như: Mô hình giám sát cộng đồng do Thanh tra tỉnh Quảng Nam thực hiện, dự án Giảng đường tươi đẹp của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Các dự án tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể (như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân) trong việc giám sát chính sách cho đối tượng mục tiêu nhằm tăng cường tính liêm chính.
Đặc biệt là nhóm các dự án liên quan đến giáo dục liêm chính và kỹ năng phòng, chống tham nhũng cho thanh, thiếu niên. Đây là nhóm mô hình đã tạo được nhiều ấn tượng cho các bên liên quan với hoạt động trọng tâm là nâng cao kỹ năng (trong đó có kỹ năng mang tính nghề nghiệp) liên quan đến mục tiêu phòng, chống tham nhũng cho thanh niên, sinh viên.
Trong tương lai, các dự án này hoàn toàn có thể mở rộng đối tượng tiếp cận và nên đưa chủ đề phòng, chống tham nhũng một cách gần gũi cho cả các đối tượng từ nhỏ (kể cả mẫu giáo) tới lớn (học sinh trung học cơ sở, sinh viên).
Một số bài học kinh nghiệm trong giáo dục liêm chính ở Việt Nam
Nhìn nhận một cách khách quan thì hiệu quả của các hoạt động giáo dục liêm chính ở Việt Nam trong thời gian qua, hiệu quả của hoạt động giáo dục liêm chính, đạo đức, văn hóa công chức, công vụ ở một số nơi còn hình thức, chưa tác động sâu rộng làm thay đổi quan điểm, nhận thức cũng như thay đổi hành động, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ (4).
Hoạt động tuyên truyền, giáo dục liêm chính một số nơi còn đơn điệu, chưa nhận được sự thu hút của các đối tượng thụ hưởng dự án, một số chỗ còn mang tính bề nổi, phong trào, không ổn định. Việc liệt kê những công việc đã làm được như: Số lớp tập huấn, số người tham gia, số tài liệu truyền thông được in ra mà chưa có một đánh giá về hiệu quả thực chất của các hoạt động mình đã thực hiện.
Tính bền vững trong công tác phòng, chống tham nhũng ở một số nơi chưa cao. Tuy nhiên, muốn hình thành một xã hội liêm chính thì công tác giáo dục liêm chính nhằm phòng ngừa tham nhũng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Dưới đây là một số bài học kinh nghiệm về giáo dục liêm chính ở Việt Nam:
Một là, đẩy mạnh quyết tâm chính trị và cam kết của Chính phủ trong việc lồng ghép giáo dục về liêm chính công vào hệ thống trường học. Việc lồng ghép phải linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với mỗi cấp học, hệ thống các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Kế thừa những giá trị đạo đức, chuẩn mực truyền thống với sự sáng tạo của khoa học và công nghệ đan xen nhau sẽ là công cụ hữu hiệu trong giáo dục liêm chính.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, như xây dựng các video, các tiểu phẩm tình huống thực tế, chương trình văn nghệ; các trò chơi; tham quan trực quan về hậu quả của những vụ án tham nhũng nghiêm trọng.
Hai là, phải hình thành được những giá trị liêm chính chung của xã hội. Thúc đẩy sự làm gương và nêu gương về liêm chính từ người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo, công chức, viên chức để tạo sự đồng thuận và tuân thủ.
Để làm được việc này, các cơ quan chức năng cần có những nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá cách người trẻ nhìn nhận tham nhũng hay những giá trị liêm chính mà họ cho là đúng và những gì họ xem là rào cản để đối mặt với nó. Từ đó cung cấp những nguyên liệu đầu vào cho các nội dung giáo dục liêm chính.
Ba là, đẩy mạnh hơn nữa việc bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về liêm chính và chống tham nhũng cho các giáo viên. Việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có thể có nhiều hình thức, từ các khóa học được cung cấp trong các chương trình đào tạo cũng như tham khảo kinh nghiệm của các tổ chức trong và ngoài nước.
Bốn là, xây dựng bộ chỉ số đánh giá về liêm chính đối với cán bộ, công chức, với các cơ quan, tổ chức đơn vị gắn với công tác thi đua khen thưởng hàng năm. Việc hình thành một xã hội liêm chính, giáo dục liêm chính sẽ không hiệu quả nếu không lan tỏa được các giá trị liêm chính ra toàn xã hội. Liêm chính cần được bắt nguồn từ khu vực công như một vết dầu loang. Liêm chính phải được thấm nhuần trong cán bộ, đảng viên trước, sau đó đến Nhân dân, từ đó dần hình thành được ý thức, thái độ chống tham nhũng trong mỗi cá nhân và trong toàn xã hội.
Năm là, việc sử dụng công nghệ trong giáo dục liêm chính cần phải được đẩy mạnh hơn nữa dựa trên các nền tảng trực tuyến và thực tế ảo, gắn lý thuyết với thực hành liêm chính. Huy động vai trò của giới trẻ và trí thức trong thúc đẩy sự minh bạch của Chính phủ, trong thực thi chính sách và giám sát chính sách. Phát huy sức ảnh hưởng của người nổi tiếng trên mạng xã hội (KOL, KOC) để lan tỏa những giá trị liêm chính nói riêng và các giá trị đạo đức trong xã hội nói chung trong thời gian tới.
Những kinh nghiệm nói trên ngày càng trở nên thiết thực và cần được đẩy mạnh triển khai một cách đồng bộ.
TS. Lê Văn Hạnh, Ban Nội chính Trung ương cho rằng: “Nên chăng phải có một chiến lược về giáo dục Liêm, Chính để thực hiện thực chất, phù hợp từ nhà trường, gia đình đến xã hội, từ mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, từ khi còn nhỏ và suốt quá trình trưởng thành. Trong đó, giáo dục Liêm, Chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là hạt nhân, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.
Cùng với giáo dục là sự “trừng phạt”, ở nhiều cấp độ khác nhau, cao nhất là xử lý theo pháp luật đối với những hành vi vi phạm Liêm, Chính. Nhưng, đạo đức là lĩnh vực tư tưởng, tinh thần, không thể hình thành chỉ bằng “trừng phạt” (sử dụng sức mạnh cứng) mà cần có sự kết hợp hài hòa của sức mạnh mềm, trước hết là sự nêu gương của người lãnh đạo.
Liêm, Chính cũng phải được nuôi dưỡng bằng các điều kiện bảo đảm như: Sự phát triển kinh tế, chế độ, chính sách, lương bổng, môi trường xã hội,…
Điều cốt yếu nhất là ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện Liêm, Chính của mỗi cá nhân, để luôn nhớ điều cấm, giữ giới hạn, làm người trong sạch, làm việc trong sáng, trọng liêm sỉ, bất luận hoàn cảnh nào cũng không ham hố vật chất, quyền lực, biết xấu hổ khi bản thân và người thân vi phạm./.”(5)
Chú thích:
(1) OECD recommendation of the Council on Public Integrity, 2017 (Khuyến nghị của Hội đồng Liêm chính công OECD);
(2) Rothstein, B. and Sorak, N. 2017. Ethical codes for the public administration: A comparative survey. QoG Working Paper 2017:12. Gothenburg, Sweden: Quality of Government Institute, University of Gothenbur (Quy tắc đạo đức trong hành chính công: Một cuộc khảo sát so sánh. Tài liệu làm việc QoG 2017:12. Gothenburg, Thụy Điển: Viện Chất lượng Chính phủ, Đại học Gothenbur);
(3) Quyết định số 4061/QĐ-BTP ngày 14/10/2011 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành; Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ;
(4) Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Chính phủ, năm 2023;
(5) Xây dựng văn hóa Liêm, Chính để cán bộ trọng liêm sỉ, biết xấu hổ khi vi phạm (vietnamnet.vn).
K. Dung