Mùa Xuân khơi dậy khát vọng phát triển

Chủ nhật, 22/01/2023 23:17
Mùa Xuân biểu tượng cho một vẻ đẹp thanh tân tươi trẻ, dạt dào sức sống mới không chỉ thiên nhiên rạo rực mà cả lòng người hân hoan, cây cối đâm chồi nẩy lộc, lòng người phấn khởi, dựng xây đất nước, bảo vệ tổ quốc vững chắc, đưa lại những giá trị mới khơi dậy ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.

Sinh thời cứ mỗi mùa Xuân đến Bác Hồ kính yêu lại có thơ chúc tết quân và dân cả nước. Mỗi áng thơ Xuân đều có tính dự báo với tầm nhìn chiến lược sâu sắc mang một ý nghĩa lớn lao. Cách đây 60 năm (Năm Quý Mão 1963) lúc cả nước ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, lời thơ chúc tết của Bác ngắn gọn nhưng toát lên một khí thế mới: “Mừng năm mới – Cố gắng mới – Tiến bộ mới – Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi…” Ba chữ “mới” liên tục như một điệp khúc reo vang niềm lạc quan với thế chủ động và tự tin biết bao.

Năm nay, 2023 tinh thần ấy, dự cảm ấy của Bác Hồ vẫn còn vẹn nguyên. Mùa Xuân biểu tượng cho một vẻ đẹp thanh tân tươi trẻ, dạt dào sức sống mới không chỉ thiên nhiên rạo rực mà cả lòng người hân hoan, cây cối đâm chồi nẩy lộc, lòng người phấn khởi, dựng xây đất nước, bảo vệ tổ quốc vững chắc, đưa lại những giá trị mới khơi dậy ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.

Khát vọng phát triển là khát vọng chính đáng của cả dân tộc ta khi hai tiếng Việt Nam đã vang lên trên các diễn đàn quốc tế với bao niềm tin cậy và có đủ cơ sở tin cậy hợp tác phát triển. Khát vọng có nghĩa là mong muốn làm được, đạt được những điều lớn lao tốt đẹp cho bản thân, cho cộng đồng, rộng hơn là cho cả quê hương đất nước.

Trong suốt cuôc đời hoạt động chính trị của mình, Hồ Chí Minh luôn khát vọng đất nước phồn vinh dân tộc hạnh phúc. Từ khi ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ luôn mang một khát vọng lớn lao: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cho đến lúc trước khi đi xa, Di chúc của Người cũng để lại một khát vọng tột bậc đó là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất độc lập dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào cách mạng thế giới”.

Năm 2022 là một năm quan trọng, năm khẳng định những nỗ lực vươn lên của đất nước và dân tộc ta sau những khó khăn thách thức vừa đi qua đại dịch Covid-19; năm thể hiện sức mạnh nội sinh to lớn của đất nước của từng người dân đất Việt, năm có sức mạnh tiềm tàng “mãnh hổ” (năm Nhâm Dần); sức mạnh đó là sự tổng hợp nhiều yếu tố trong đó có mạch nguồn văn hóa của dân tộc. Văn hóa góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết khát vọng phát triển đất nước. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hóa dân tộc được kế thừa bảo tồn và phát triển xây dựng con người Việt Nam từng bước trở thành trung tâm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Con người Việt Nam mang trong mình bản sắc văn hóa Việt Nam như nhà thơ Huy Cận đã tạc tượng đài ngợi ca: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững - Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa - Trong và thật, sáng hai bờ suy tưởng - Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hoà”. Trong suốt một nghìn năm Bắc thuộc, các thế lực phong kiến Trung Hoa luôn tìm cách Hán hóa dân tộc Việt Nam, song với sức mạnh của niềm tin và nòi giống “Con Rồng, cháu Tiên”, cộng đồng cư dân Việt đã kiên trì bền vững đấu tranh để giữ lấy “hồn quốc”. Đó là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam – Triệu Thị Trinh với câu nói đầy hào khí: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ…” như là một minh chứng cho tinh thần bất khuất và khát vọng độc lập dân tộc.

Dưới thời Lê, Lê Lợi và Nguyễn Trãi được quân dân một lòng tin tưởng đồng lòng đi theo bởi tinh thần “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và ý chí kiên định “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn – Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ (Vua Quang Trung) phất cờ khởi nghĩa với khí thế quyết tâm: “Đánh cho để dài tóc – Đánh cho để đen răng” giữ lấy mạch nguồn hồn cốt khí phách ngàn đời truyền thống, tập quán, tập tục dân tộc. Và sau này đến thời đại Hồ Chí Minh, Bác Hồ kính yêu đã kế thừa và đúc kết phát huy cao độ ý chí tự lực: “Đem sức ta mà giải phóng cho ta” và: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Tinh thần khát vọng ấy càng được bồi đắp, càng được phát triển, càng được tôn vinh, càng được khơi dậy không chỉ trong mạch nguồn văn hóa truyền thống mà kể cả trong cả lĩnh vực xây dựng kinh tế, xã hội bảo vệ trọn vẹn chủ quyền tổ quốc thân yêu của chúng ta. Khát vọng dân tộc có một vai trò rất quan trọng, nó là động lực trọng tâm tạo nên sức mạnh vô song. Khát vọng dân tộc nếu được định hướng và hình thành dựa trên những đường lối và chủ trương đúng đắn sẽ trở thành nguồn năng lượng nội sinh tiềm tàng và sống động cho toàn bộ quá trình phát triển. Khát vọng dân tộc thể hiện nhu cầu ước vọng của nhân dân trong suốt chiều dài và tiến trình lịch sử của đất nước.

leftcenterrightdel
 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra