Nâng cao hiệu quả tiếp công dân với Mô hình trực tuyến

Thứ ba, 06/06/2023 17:51
(ThanhtraVietNam) - Bên cạnh việc tạo điều kiện để người dân được thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo thì việc Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Mô hình tiếp công dân trực tuyến là rất cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, đây là sự quan tâm rất lớn của Tổng Thanh tra Chính phủ đến công tác tiếp công dân, đặc biệt là việc tiếp công dân định kỳ.​

Trả lời về việc xây dựng Mô hình tiếp công dân trực tuyến, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp (TCDTW) kỳ vọng, khi đi vào hoạt động Mô hình này sẽ tạo thuận lợi cho người dân, tiết kiệm nhân lực, thời gian, chi phí cho công tác tiếp công dân định kỳ cũng như đột xuất, đồng thời góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và chuyển đổi số.  

PV: Được biết Tổng Thanh tra Chính phủ giao Ban TCDTW xây dựng mô hình tiếp công dân trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, đến nay Ban TCDTW đã thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Thực hiện chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ, Ban TCDTW đã nghiên cứu, xây dựng Mô hình tiếp công dân trực tuyến, khảo sát thực tế hiện trạng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) một số địa phương. Thử nghiệm kết nối họp trực tuyến theo Mô hình tiếp công dân trực tuyến của Ban đã xây dựng, qua đó đã đánh giá đưa ra giải pháp Mô hình tiếp công dân trực tuyến phù hợp, đồng thời lấy ý kiến đóng góp của các cục, vụ đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ vào giải pháp Mô hình cũng như Quy chế tiếp công dân trực tuyến của Thanh tra Chính phủ.

Để Quy chế này được ban hành và đi vào hoạt động hiệu quả theo sự chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ, Ban TCDTW đã xây dựng xong Mô hình, kèm quy chế, hiện đã gửi các cục, vụ, đơn vị để lấy ý kiến, sau khi tiếp thu, hoàn thiện sẽ trình Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành theo quy định.

Quy chế tiếp công dân trực tuyến sẽ được áp dụng cho Thanh tra Chính phủ và các đơn vị được Thanh tra Chính phủ mời tham gia tiếp công dân trực tuyến; các Bộ, ngành, địa phương cũng có thể áp dụng Quy chế hoặc điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo quy định của pháp luật và của Thanh tra Chính phủ về tiếp công dân.

leftcenterrightdel
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tại một buổi tiếp dân định kỳ. Ảnh: L.A  

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về những căn cứ pháp lý để xây dựng Mô hình này? Hoạt động này có gắn với chủ trương chuyển đổi số, hành chính số của Chính phủ?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Việc xây dựng Mô hình tiếp công dân trực tuyến được thực hiện chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc giao Ban TCDTW nghiên cứu, xây dựng Mô hình tiếp công dân trực tuyến theo Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản số 723/TB-TTKQH ngày 19/02/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1291/VPCP-QHĐP ngày 28/02/2022 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 8, tháng 02/2022, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tiếp công dân và nghiên cứu xây dựng Mô hình tiếp công dân trực tuyến.

Đặc biệt, tại Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem đây là một nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả, tạo thuận lợi và phục vụ người dân được tốt hơn. Theo đó, đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện việc tiếp công dân trực tuyến.

PV: Mô hình tiếp công dân trực tuyến hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, chính quyền địa phương cũng như những người làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Xin ông khái quát một số nội dung nổi bật của mô hình này?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Về nguyên tắc, tiếp công dân trực tuyến là việc tiếp dân trực tiếp có sự hỗ trợ từ các thiết bị điện tử và phần mềm ứng dụng truyền hình trực tuyến được thiết lập, kết nối với nhau thông qua môi trường mạng; cho phép người dân khiếu kiện, người tiếp, người tham gia tiếp công dân tham gia buổi tiếp công dân tại các điểm cầu, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tiếp dân của buổi tiếp bằng lời nói, hình ảnh, âm thanh trực diện, liên tục, có sự tham gia của các chủ thể vào cùng một thời điểm.

Việc tiếp công dân trực tuyến nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân, đáp ứng trong điều kiện xã hội có dịch bệnh cũng như trong điều kiện xã hội bình thường. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự và công tác phòng, chống dịch bệnh (nếu có). Hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, phức tạp, mất an ninh, trật tự, tập trung tại các cơ quan Trung ương.

Đồng thời, đảm bảo thuận lợi, tiết kiệm nhân lực, thời gian, chi phí cho công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất của lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương và người dân khiếu kiện. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Chúng tôi sử dụng giải pháp lưu trữ sử dụng máy tính cá nhân có dung lượng lưu trữ lớn, đặt tại các điểm cầu chính để lưu trữ, phục vụ khai thác dữ liệu sau các phiên tiếp công dân trực tuyến. Điểm cầu Trụ sở Tiếp công dân trung ương tại Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh được cài đặt phần mềm nền tảng dùng chung của Bộ Thông tin Truyền thông, là điểm cầu trung tâm; các điểm cầu: Thanh tra Chính phủ (đối với các vụ việc do lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì), điểm cầu UBND cấp tỉnh (nơi có vụ việc khiếu, tố) và điểm cầu của các Bộ, ngành tham gia tiếp là điểm cầu đại biểu, kết nối với điểm cầu Trụ sở TCDTW tại Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
Trưởng Ban TCDTW Nguyễn Hồng Điệp đánh giá, tiếp công dân trực tuyến sẽ nâng cao hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC và hạn chế tình trạng tập trung đông người khiếu kiện tại Trụ sở các cơ quan Trung ương. Ảnh: L.A 

PV: Quá trình xây dựng Mô hình tiếp công dân trực tuyến có gặp khó khăn gì về hạ tầng kỹ thuật thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Qua thực tế khảo sát tại các tỉnh, thành phố, bộ phận kỹ thuật của Ban TCDTW đã đánh giá và đưa ra 4 mô hình, sau đó đề xuất giải pháp chung cho mô hình cơ bản ở mỗi điểm cầu gồm: Mô hình đường truyền riêng (đường truyền vật lý) và các thiết bị Camera, âm thanh hiện có kèm theo; Mô hình đường truyền Internet và các thiết bị Camera và âm thanh hiện có kèm theo; Mô hình đường truyền riêng (đường truyền vật lý), Internet và các thiết bị Camera, âm thanh kèm theo; Mô hình chưa trang bị bất kỳ mô hình đường truyền loại gì.

Cụ thể, tại điểm cầu tiếp công dân tỉnh Lào Cai với điểm cầu TCDTW sau khi cấu hình đồng bộ các thiết bị hiện có tại đầu cầu Trụ sở TCDTW và dùng thiết bị chuyển đổi đồng bộ phù hợp. Tại điểm cầu Trụ sở TCDTW ở TP. Hồ Chí Minh với điểm cầu Trụ sở TCDTW tại Hà Nội. Sau khi cấu hình đồng bộ các thiết bị hiện có tại hai điểm đầu cầu đồng thời dùng thiết bị chuyển đổi đồng bộ phù hợp.

Còn tại điểm cầu tiếp công dân tỉnh Quảng Ninh với điểm cầu Trụ sở TCDTW, sau khi cấu hình đồng bộ các thiết bị hiện có và dùng thiết bị chuyển đổi đồng bộ phù hợp. Kết quả, cả 3 mô hình và đấu nối đều có đường truyền ổn định âm thanh và hình ảnh rõ nét và tại mỗi lần đấu nối, chúng tôi đều ghi hình và ghi âm để làm cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả việc ghép nối giữa các mô hình với nhau.

PV: Với kết quả khảo sát, đánh giá đạt kết quả tích cực như vậy, tới đây Ban TCDTW sẽ thực hiện công việc gì tiếp theo?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Với kết quả khả quan này và trên cơ sở hiện trạng hạ tầng công nghệ thông tin của các địa phương Ban TCDTW đã đưa ra giải pháp kỹ thuật dựa trên nguyên tắc vừa tận dụng tối đa các hạ tầng thiết bị hiện có sau đó cấu hình cho đồng bộ các thiết bị để khi áp dụng mô hình trực tuyến mà ít cần phải bổ sung thiết bị. Ban TCDTW đưa ra mô hình trang bị thiết bị cơ bản kết nối tại mỗi điểm cầu (Bộ, tỉnh/địa phương); ngay sau khi nhận được kết quả góp ý của các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, Ban TCDTW sẽ báo cáo để Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành theo quy định để mô hình tiếp dân trực tuyến sớm đi vào hoạt động.

Đồng thời, đề xuất lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để Ban TCDTW hoàn thiện Quy chế tiếp công dân trực tuyến và ban hành theo quy định cũng như nâng cấp phòng TCD đông người tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (thuê đường truyền, bổ sung thêm một số trang thiết bị thiết yếu, lắp đặt các trang thiết bị sẵn có…).

Bên cạnh đó, để có mô hình tối ưu và hoạt động với hiệu quả cao nhất, Ban TCDTW cũng sẽ tiếp tục liên hệ Ban Tiếp công dân của một số tỉnh, thành phố để khảo sát, kết nối thử nghiệm và đánh giá thực tế Mô hình tiếp công dân trực tuyến của địa phương. Từ đó, sẽ có giải pháp tiếp công dân trực tuyến tối ưu hơn, phù hợp với hiện trạng cơ sở, vật chất tại các Ban tiếp công dân các tỉnh/địa phương.

Một điều quan trọng nữa, đó là Mô hình tiếp công dân trực tuyến do Ban TCDTW xây dựng, đề xuất sử dụng nền tảng dùng chung do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai (miễn phí); do đó, để việc triển khai, xây dựng Mô hình được thuận lợi, đồng bộ với hệ thống đang được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai, áp dụng; Ban TCDTW cần có sự hỗ trợ của Cục Bưu điện Trung ương và đơn vị có liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (cài đặt phần mềm, cấu hình thiết bị, đường truyền kết nối và hướng dẫn sử dụng…)

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hồng Dân
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra