Ngăn chặn vi phạm từ “gốc”

Thứ ba, 22/03/2022 11:01
(ThanhtraVietNam) - Việc Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng thanh tra đột xuất phát hiện các đối tượng lắp đặt, sử dụng trái phép trạm phát sóng di động (trạm BTS) tại TP.HCM vừa qua đã kịp thời ngăn chặn vi phạm từ “gốc”. Bởi nếu để hành vi vi phạm trên trót lọt thì sẽ còn kéo theo nhiều vi phạm, hệ lụy khác.

Dấu hiệu phạm tội xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đây là vụ thiết lập trạm BTS giả để phát tán tin nhắn rác đầu tiên được các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triển khai thực hiện trong thời gian rất ngắn.

Các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có tuổi đời còn rất trẻ, đã sử dụng kỹ thuật viễn thông, công nghệ thông tin để gửi các tin nhắn rác, tin quảng cáo dịch vụ, tin nhắn giới thiệu các trang web cờ bạc… đến máy điện thoại người sử dụng.

Qua kết quả làm việc của lực lượng chức năng, bước đầu các đối tượng khai nhận được người nước ngoài giao cho các trạm BTS không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tên thiết bị, không có thông tin nhà sản xuất để thuê phát tán tin nhắn rác tại khu vực có nhiều người qua lại. Hành vi của các đối tượng này có dấu hiệu phạm tội xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (quy định tại Điều 289 Bộ Luật hình sự).

leftcenterrightdel
Phát tán tin nhắn rác nhằm mục đích xấu gây nên nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa: Vietnamplus.vn

Ngăn chặn vi phạm kéo theo các vi phạm khác

Vụ việc nói trên sẽ được Cảnh sát điều tra, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Song, ở góc độ hiện tượng vi phạm, theo nhận định của cơ quan chức năng, không loại trừ khả năng có các tin nhắn xác thực cho dịch vụ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam hoặc tin nhắn giả mạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng để lừa đảo người dân.

Về hiện tượng này, thời gian qua, cơ quan công an nhiều địa phương đã cảnh báo về việc giả mạo các cơ quan nhà nước, ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Công an tỉnh Ninh Bình nêu rõ trên Cổng thông tin điện tử: “Gần đây trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, xuất hiện một số đối tượng giả mạo tài khoản facebook, zalo, gmail của lãnh đạo, một số cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp để chiếm đoạt. Các đối tượng sử dụng nhiều kịch bản khác nhau như: Giả mạo tài khoản zalo, facebook, gmail của lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành, giám đốc các công ty…để nhờ chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp hoặc yêu cầu nạn nhân tự đăng ký 01 tài khoản ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản đó, sau đó cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho các đối tượng, sau đó chúng rút tiền trong tài khoản để chiếm đoạt”.

Không chỉ dừng lại ở việc cảnh báo, mà trên thực tế, nhiều vụ việc lừa đảo đã “âm thầm” diễn ra trót lọt vì người bị hại không đủ thông tin đã hoang mang, lo sợ và thực hiện theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo.

Vụ việc của một người phụ nữ tại Bắc Kạn đã bị một nhóm đối tượng gọi điện đến mạo danh là công an yêu cầu mở tài khoản ngân hàng, cung cấp mã OTP và chuyển toàn bộ tiền để xác minh. Vì cả tin, người phụ nữ đã chuyển thành công 350 triệu đồng cho các đối tượng. Trong khi chuẩn bị tiếp tục chuyển thêm hơn 900 triệu đồng thì các đối tượng bị lực lượng cơ quan công an tại địa phương phát hiện, xử lý...

Hai vụ việc nói trên chỉ là số ít trong nhiều vụ việc, hiện tượng lừa đảo qua tin nhắn rác, sử dụng công nghệ thông tin để lừa đảo trên không gian mạng. Bởi vậy, việc phát hiện và kịp thời xử lý các đối tượng lắp đặt, sử dụng trái phép trạm BTS tại TP.HCM vừa qua của Thanh tra Bộ TT&TT và các lực lượng chức năng đã ngăn chặn được vi phạm từ “gốc”.

Vì nếu lắp đặt trót lọt trạm BTS, các đối tượng xấu có thể tiếp tục thực hiện nhiều hành vi vi phạm khác như: phát tán tin nhắn rác rất cao (trung bình 80.000 tin/ngày/1 thiết bị của đối tượng); có khả năng giả mạo tin nhắn từ các cơ quan nhà nước, ngân hàng, giả mạo thuê bao di động của các tổ chức, cá nhân… để lừa đảo người dân (như giả ngân hàng yêu cầu người dân cung cấp tài khoản, mật khẩu); phát tán tin nhắn chống phá nhà nước, gây bất ổn an ninh, chính trị.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi nhận được các tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, tin nhắn có nội dung chứa các đường liên kết (link), tin nhắn từ số điện thoại của người thân hỏi vay tiền… thì không nên thực hiện theo yêu cầu của các tin nhắn này hoặc ấn vào các link trên tin nhắn để đề phòng bị kẻ xấu lừa đảo. Đồng thời, kịp thời báo tin cho các cơ quan Công an để kịp thời xử lý.

Tràng An

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra