Phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, xử lý triệt để các vi phạm

Thứ ba, 25/04/2023 19:29
(ThanhtraVietNam) - Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền (Chỉ thị 17), Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, xử lý triệt để các vi phạm. Đồng thời, chú trọng thanh tra, kiểm tra công vụ, không để cán bộ tiếp tay, móc nối, bảo kê cho mọi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Xử phạt 3510 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 49,31 tỷ đồng

Theo báo cáo mới ban hành của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, số liệu thống kê tăng, giảm so với năm trước thì năm 2022, các cơ quan chức năng cả nước đã phát hiện xử lý 3.527 vụ vi phạm (giảm 567 vụ, giảm 13%). Trong đó, có 807 vụ buôn bán kinh doanh hàng nhập lậu (giảm 220 vụ, giảm 21%), 2.491 vụ gian lận thương mại (giảm 376 vụ, giảm 13%). Trong số các vụ vi phạm về các nhóm hàng thì nhóm hàng dược phẩm là 1009 vụ (giảm 869 vụ, giảm 46%), mỹ phẩm là 1.618 vụ (giảm 228 vụ, giảm 12%), thực phẩm chức năng 822 vụ (tăng 490 vụ, tăng 147%), 78 vụ thuốc y học cổ truyền (tăng 56 vụ, tăng 254%).

Qua phát hiện vi phạm lực lượng chức năng đã xử phạt 3510 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 49,31 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt hành chính 32,75 tỷ đồng; phạt bổ sung, thu thuế 8,52 tỷ đồng; bán hàng tịch thu 8,04 tỷ đồng). Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã khởi tố 17 vụ/35 đối tượng, trong đó có 10 vụ/26 đối tượng liên quan đến dược phẩm, 07 vụ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Hình thức xử lý đi kèm là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược và đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với 06 trường hợp vi phạm về xuất khẩu thuốc kiểm soát đặc biệt; ban hành 11 văn bản thu hồi thuốc vi phạm chất lượng; ban hành các công văn đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 41 sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tiếp đó, thực hiện tạm ngừng hoạt động của 133 tên miền “.vn”, thu hồi 04 tên miền.

leftcenterrightdel
 Các sản phẩm dược liệu, thuốc y học cổ truyền cần được kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) để bảo vệ sức khỏe người dân. Ảnh: Tràng An

Không còn tình trạng bày bán công khai mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá, công tác buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩn chức năng và thuốc y học cổ truyền đã có những chuyển biến rất rõ ràng qua các năm từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg thể hiện qua sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp từ  Trung ương xuống địa phương; sự vào cuộc của lực lượng chức năng; sự đồng thuận, ủng hộ cao của người tiêu dùng đối với hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trong khi đó, nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp về bảo vệ thương hiệu và trách nhiệm đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt hàng này có những thay đổi tích cực so với trước đây.

Chuyển biến còn được thể hiện qua kết quả chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung ngày càng hoàn thiện chính sách pháp luật của các bộ, ngành, địa phương đối với số vụ việc vi phạm được phát hiện, xử lý đều giảm rõ năm sau thấp hơn năm trước, đặc biệt không còn tình trạng bày bán công khai mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng kém chất lượng trong các khu chợ, các tuyến phố, cửa hàng xách tay như trước; hoạt động buôn bán hàng giả hàng kém chất lượng, hàng hóa bất hợp pháp trên không gian mạng từng bước được kiểm soát, xử lý hiệu quả.

Tuy vậy, việc chấp hành thông tin báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc; công tác phối hợp giữa các ngành, lực lượng chức năng, các địa phương chưa thường xuyên, liên tục, đặc biệt trong chia sẻ trao đổi thông tin xử lý vi phạm... Đây là những tồn tại cùng với một số khó khăn, vướng mắc khác cần khắc phục trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Lực lượng liên ngành kiểm tra hàng hóa tại Quảng Ninh: Ảnh: QLTTQN

Tăng cường phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, xử lý triệt để các vi phạm

Văn phòng Thường trực báo cáo và trình Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ và nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị 17 tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị. Chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng tiến hành đánh giá đúng kết quả thực hiện Chỉ thị, chủ động dự báo sát tình hình, đưa ra những giải pháp trọng tâm thời gian tiếp theo, tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc, tăng cường phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, xử lý triệt để các vi phạm đối với nhóm mặt hàng điều chỉnh của Chỉ thị 17; chú trọng thanh tra, kiểm tra công vụ, làm tốt công tác tổ chức cán bộ, không để tiếp tay, móc nối, bảo kê cho mọi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bộ Y tế cần chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu tiếp tục xử lý những khó khăn, vướng mắc như: Tiếp tục rà soát tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành thay thế, từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, chặt chẽ, toàn diện, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước đối với nhóm mặt hàng chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người. Nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của hệ thống kiểm nghiệm nhà nước, các cơ sở kiểm tra chất lượng đặc biệt là nhóm mặt hàng điều chỉnh của Chỉ thị 17, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cả về đội ngũ cán bộ kỹ thuật, trang thiết bị, kinh phí. Chủ động đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền phát hiện xử lý kịp thời sai phạm...

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 2635/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đối với các bộ, ngành, cơ quan về việc thực hiện Chỉ thị 17. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 17; Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung rà soát, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị 17; Bộ Công Thương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quyết định 319 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025”; trong đó, cần phối hợp rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý việc bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, đặc biệt đối với các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng./.

 

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra