Siết chặt việc kê khai, nộp thuế kinh doanh qua mạng

Thứ bảy, 14/05/2022 09:36
(ThanhtraVietNam) - Xu hướng kinh doanh qua mạng hiện nay đang rất phổ biến, kèm theo đó là hành vi trốn thuế thường xuyên xảy ra. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh qua mạng không chỉ trên Facebook mà cả trên các mạng xã hội khác như: Zalo, Instagram, YouTube... Nhiều ý kiến cho rằng việc thu thuế kinh doanh qua mạng là thiếu khả thi, tuy nhiên, dù sớm hay muộn thì việc thu thuế đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng là cần thiết nhằm góp phần tăng thu ngân sách, tránh thất thoát; đảm bảo sự bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế của các cá nhân, tổ chức khi kinh doanh nói chung và kinh doanh qua mạng nói riêng.

Vấn đề là, việc tổ chức thu thuế như thế nào? Làm sao kiểm soát được thu nhập, lợi nhuận của cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng? Cơ sở nào để tính thuế khi doanh thu kinh doanh ít thể hiện trong hợp đồng, hóa đơn hoặc chứng từ thanh toán... Cá nhân, tổ chức thường công khai sản phẩm trên mạng, người tiêu dùng có nhu cầu thì gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử để đăng ký. Khi thỏa thuận xong việc mua bán, thì sản phẩm sẽ được gửi đến tận tay người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, người mua hàng có thể thanh toán trực tiếp với người giao hàng, chuyển khoản hoặc gửi tiền thông qua bưu điện… Do đó, cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng có thể sẽ giấu giếm, kê khai không trung thực dẫn đến cơ quan thuế không xác định rõ doanh thu để tính thuế nên hành vi trốn thuế thường xuyên xảy ra và rất khó phát hiện.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Muốn thu thuế đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng cần phải có một hành lang pháp lý đủ mạnh, trước hết, cần quy định cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng bắt buộc phải đăng ký về loại hình, hàng hóa, sản phẩm kinh doanh qua mạng; phải công khai giá trị hàng hóa, sản phẩm và các giao dịch mua bán để làm cơ sở tính thuế; việc kê khai cần thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm; đây là nghĩa vụ bắt buộc của cá nhân, tổ chức khi kinh doanh qua mạng.

Khi đã có quy định nhưng cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng không chấp hành việc đăng ký và khai nộp thuế thì cơ quan quản lý sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính; truy thu thuế đã trốn hoặc đề nghị khởi tố hình sự với hành vi trốn thuế nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đây là giải pháp lâu dài, căn bản để quản lý hiệu quả việc nộp thuế đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng. Bên cạnh đó, nếu cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng không thực hiện việc kê khai nộp thuế theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền đề nghị với nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội để khóa tài khoản kinh doanh của các cá nhân, tổ chức đó.

Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ các trang mạng, tài khoản có phát sinh giao dịch, bán hàng; nắm rõ thông tin chủ tài khoản đó để vận động, yêu cầu kê khai số lượng hàng hóa, sản phẩm và doanh thu khi bán hàng. Nếu doanh thu đến mức phải chịu thuế thì tiến hành thu thuế, nếu doanh thu chưa đến mức thu thuế thì không thu thuế nhưng vẫn có cơ chế để theo dõi và yêu cầu nộp thuế khi phát sinh doanh thu chịu thuế.

Về lâu dài, cần xây dựng các quy định cụ thể để quản lý cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng, kèm theo các chế tài xử lý mới có thể tiến hành thu thuế một cách đầy đủ và đồng bộ. Đồng thời, khuyến khích cá nhân, tổ chức phản ánh các hành vi trốn thuế khi kinh doanh qua mạng để tiến hành kiểm tra và xử lý kịp thời. Mặt khác, ngành Thuế cần phải có chính sách hỗ trợ đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng trong việc kê khai nộp thuế, đảm bảo tiết kiệm thời gian và chi phí; khi thu thuế phải thực hiện công khai, minh bạch, nhất là đảm bảo sự công bằng giữa các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng với nhau./.

Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra