Tránh tốn kém nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu, chất lượng

Thứ sáu, 25/08/2023 14:54
Nâng ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp vốn là một sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích về những thành tích, cống hiến của công chức, viên chức. Tuy nhiên, trong thực tế do việc thực hiện chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập nên vẫn luôn là những vấn đề “nóng” nhận được sự quan tâm của dư luận.

Vừa qua, gần 2.500 giáo viên Hà Nội viết tâm thư gửi tới Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT), Sở Nội vụ và Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ mong muốn bỏ việc phải dự thi mới được xét thăng hạng, tăng lương. Bởi theo lý giải của họ, nhiều tỉnh thành như Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Dương… giáo viên được xét thăng hạng mà không phải qua thi tuyển. Ngay trên địa bàn Hà Nội, giáo viên ở các trường THCS từ mấy năm trước đã được xét thăng hạng mà không phải thi.

Mặt khác, trong số 2.500 giáo viên ký vào đơn thư gửi lãnh đạo các cấp, gần 50% là các giáo viên thuộc thế hệ 6X, 7X. Nhiều người trong đó đó cho rằng, nếu Hà Nội tổ chức thi để thăng hạng sẽ gây nhiều bất lợi cho những đối tượng là giáo viên đã lớn tuổi. Nhiều thầy cô trong số này là giáo viên giỏi cấp cụm, thành phố, là chiến sĩ thi đua, cán bộ giàu năng lực… được khẳng định trong thực tiễn công tác, nhưng vì tuổi đã cao, trình độ tiếng Anh đã mai một nhiều do ít sử dụng, có thể sẽ không được thăng hạng nếu chẳng may sơ suất khi thi. Điều này sẽ là thiệt thòi rất lớn cho sự nỗ lực nhiều năm của họ… Đáng chú ý, nhiều giáo viên lý giải rằng, tiêu chí quan trọng nhất để xét thăng hạng cho giáo viên chính là những đóng góp cho ngành giáo dục. Không nên tạo áp lực cho giáo viên bằng những cuộc thi…

Trong khi đó, theo quy định, có hai hình thức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức là thông qua thi tuyển hoặc xét duyệt. Việc này thuộc thẩm quyền của các bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan quản lý viên chức.

Sau tâm thư của gần 2.500 giáo viên Hà Nội, Bộ GD-ĐT cho rằng đề xuất của giáo viên là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ cho hay việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét là theo lựa chọn của địa phương. Bộ GD-ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.

Bộ GD-ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng.

Trước đó, một số Bộ cũng có những quy định sửa đổi, bãi bỏ một số quy định liên quan đến chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn đào tạo và bồi dưỡng, tuyển dụng viên chức, chỉ yêu cầu bằng cấp chuyên môn phù hợp vị trí việc làm. Và trong quá trình ban hành các quy định liên quan, Bộ Nội vụ cũng đã và đang tập trung xem xét, đề xuất để giảm bớt các thủ tục, với mục tiêu cải cách công vụ, nâng cao chất lượng thực tiễn của đội ngũ.

Đáng chú ý, hồi cuối tháng 5/2023, Bộ Nội vụ cũng đưa ra đề xuất, viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của hạng cao hơn liền kề sẽ được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà không phải thi thăng hạng. Đề xuất này của Bộ Nội vụ đã được dư luận đón nhận, đồng tình cao. Bởi việc cắt giảm những chứng chỉ phiền hà trong công tác cán bộ mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn.

Trên thực tế, Bộ Nội vụ cũng lý giải, việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Các kỳ thi cũng chưa gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng viên chức bởi nội dung còn hình thức, chưa sát vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp cụ thể.

Không ai có thể phủ nhận mục đích của việc thi thăng hạng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng thu nhập cho viên chức và không cào bằng. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng đã chỉ ra, việc tổ chức thi thăng hạng viên chức lâu nay có đôi lúc còn hình thức, chưa sát với vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp. Hơn thế nữa, với số lượng viên chức rất lớn (khoảng trên 1,8 triệu người) hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề, việc tổ chức các kỳ thi thăng hạng hằng năm gây áp lực, tốn kém.

Cá biệt, một số nơi xảy ra vi phạm, tiêu cực và không đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Đồng thời, phương thức tổ chức cũng không đồng bộ ở các địa phương, ngành với nhau, bởi có nơi thì nhiều năm tổ chức thi, lại có đơn vị chỉ xét thăng hạng, điều này khiến các viên chức băn khoăn, so sánh.

Trong khi đó, đổi mới phương thức quản lý đội ngũ công chức, viên chức nghề nghiệp cũng đã được nhắc đến từ lâu nhằm giảm bớt các “giấy phép con”, giảm tốn kém kinh phí…

Từ những bất cập trong thực tế, ngày 08/8/2023, Bộ Nội vụ tiếp tục ban hành Thông tư 12/2023/TT-BNV bãi bỏ một số thông tư do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/10/2023.

Mặt khác, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ cũng đề xuất bỏ quy định về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (giữ xét thăng hạng) và tiếp tục phân cấp thẩm quyền về thi nâng ngạch công chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Mới đây nhất, ngày 17/8/2023, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023. Liên quan đến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 của Chính phủ ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát, tiếp thu ý kiến bộ, ngành, địa phương, chỉnh lý dự thảo nghị định, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bảo đảm quyền, lợi ích của đội ngũ viên chức hoạt động chuyên ngành, tránh phát sinh vướng mắc khi thực hiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Chỉ đạo của Chính phủ ngay lập tức đã được đội ngũ cán bộ công chức viên chức đón nhận một cách rất đồng tình, ủng hộ và coi đây là những chỉ đạo rất kịp thời, hiệu quả khi chính sách không còn phù hợp với quy định hiện hành.

Cùng với việc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, đã lạc hậu, việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chỉ giữ hình thức xét tuyển được nhận định là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh đi tình trạng cảm tính, không công bằng, cũng cần có những quy định cụ thể, minh bạch kèm theo; xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển đồng bộ về cả trình độ, năng lực kỹ năng, kinh nghiệm công tác… Từ đó, để việc xét thăng hạng mới được đúng đối tượng, bố trí vào đúng vị trí việc làm.

Và về lâu dài, đúng như người đứng đầu ngành Nội vụ đã từng phát biểu, trước mắt vẫn giữ hình thức xét thăng hạng theo tiêu chuẩn, điều kiện, nhưng bộ đang tính toán một vài năm nữa sẽ đề xuất bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm. Bởi trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Xã hội càng phát triển thì nhiều quy định, hướng dẫn thi hành… sẽ phải thay đổi cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Việc Chính phủ ra kết luận bỏ thi thăng hạng viên chức thật sự góp phần bãi bỏ một thủ tục “làm khó” viên chức. Đây cũng là một hướng đi phù hợp nhất để giảm được áp lực thi cử, tránh tốn kém nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu, chất lượng./.

Theo dangcongsan.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra