“Trợ lực” thúc đẩy GDP tăng trưởng 23,5 tỷ USD

Thứ sáu, 13/05/2022 07:00
(ThanhtraVietNam) - “Trợ lực” đó mang tên Kinh tế biển xanh với kịch bản được xác định trong báo cáo "Kinh tế biển xanh - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển" từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Báo cáo "Kinh tế biển xanh - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển" được công bố ngày 12/5 mang đến các kịch bản phát triển kinh tế biển cho Việt Nam gồm 6 lĩnh vực kinh tế biển chủ chốt bao gồm: Ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái.

Đáng chú ý, kịch bản xanh lam được đánh giá sẽ mang lại lợi ích vượt trội về sự đóng góp Tổng thu nhập quốc nội (GDP), tổng thu nhập quốc dân (GNI) của các ngành kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người cho các lao động nghề biển.

Theo nghiên cứu từ báo cáo, khi kịch bản xanh lam được áp dụng, GDP sẽ tăng trưởng hơn kịch bản cơ sở 296 ngàn tỷ đồng (12,9 tỷ USD) vào năm 2025 và 538 ngàn tỷ đồng (23,5 tỷ USD) vào năm 2030.

Muốn hiện thực hóa được ngưỡng tăng trưởng ấn tượng như trên, theo đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam phải tập trung vào việc đẩy nhanh quy hoạch không gian biển và các chính sách là cần thiết để khai thác tiềm năng to lớn của ngành kinh tế biển. Song song với đó, việc khai thác và nuôi trồng thủy sản cũng phải thay đổi, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trên biển. Đặc biệt là gió ngoài khơi, các dịch vụ hệ sinh thái đa dạng sinh học và du lịch...

Báo cáo "Kinh tế biển xanh - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển" cũng đưa ra khuyến nghị hết sức giá trị và cụ thể, đối với các ngành, lĩnh vực: thủy sản và nuôi trồng thủy sản; dầu khí; tăng cường bảo vệ mỗi trường; năng lượng tái tạo biển; du lịch; vận tải hàng hải, tăng vận tải biển.

leftcenterrightdel
 Phú Quốc tạo nên nhiều giá trị cho các hoạt động đầu tư, phát triển du lịch bền vững. Ảnh: Tràng An

Theo đánh giá của các chuyên gia, "Kinh tế biển xanh - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển" là một sự đóng góp to lớn vào sự chuyển hướng phát triển nền kinh tế biển xanh cũng như sự phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Ý nghĩa thiết thực hơn nữa, đây là một trong các cơ sở để hiện thực hóa Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018  của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Quyết định 647/QĐ-TTg, ngày 18/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, cũng như các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Bởi lẽ, Nghị quyết 36-NQ/TW của Trung ương xác định một số mục tiêu chính cụ thể như về kinh tế biển, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Trong khi về mặt xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục. Cùng với đó là các mục tiêu khác về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; Môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Tiếp đó, Quyết định 647/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam cũng xác định rõ mục tiêu thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển. Theo đó, nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác, góp phần thực hiện thành công các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW; đóng góp tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về vấn đề biển và đại dương; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Các giải pháp đồng bộ cần thực hiện đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, hải đảo, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Chiến lược thông tin đối ngoại trên trường quốc tế và với kiều bào ta ở nước ngoài.

Đa dạng hóa các loại hình, cách thức thông tin tuyên truyền về biển và hợp tác quốc tế về biển; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục thông tin phù hợp và hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức và tạo đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn dân về hợp tác phát triển bền vững kinh tế biển; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đối ngoại về biển và hợp tác quốc tế, phát triển bền vững kinh tế biển.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, hành lang pháp lý về biển theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tích cực tham gia các điều ước quốc tế và chủ động thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực liên quan đến biển và đại dương.

Đa dạng hóa các kênh và hình thức hợp tác, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân trong lĩnh vực biển, đảo. Ưu tiên hợp tác với các nước, các đối tác có nền kinh tế và công nghệ biển hiện đại, tiên tiến trên thế giới...Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí hợp lý để thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển. Củng cố bộ máy về hợp tác quốc tế về biển ở các bộ, ngành, địa phương có biển...

Như vậy, với việc công bố báo cáo "Kinh tế biển xanh – Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển", không những đem đến các khuyến nghị giá trị và cụ thể cho chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam mà còn xác định rõ những giá trị tăng trưởng tỷ đô cho GDP của nước nhà. Sâu sắc hơn, đây còn là cơ sở quan trọng để cụ thể hóa nhiều mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 36-NQ/TW và Quyết định 647/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra