|
|
Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: Bộ GD&ĐT |
Xây dựng và phát triển văn hoá học đường là nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục
Tại Hội nghị về xây dựng văn hóa học đường mới diễn ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại lịch sử: Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí, ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Văn hoá nói chung và văn hoá học đường nói riêng là vấn đề luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo.
Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng văn hoá học đường thời gian qua đã được khẳng định rất rõ trong nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 1299/QĐ-TTg về ban hành Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, Quyết định về ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.
“Đây là những quyết định quan trọng nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Bộ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh: Xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường.
Trên thực tế, ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.
Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ GDĐT đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử căn bản trong học đường một cách lâu dài. Đặc biệt, ngày 1/6/2022, Bộ GDĐT đã đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Chỉ thị là cơ sở, căn cứ tạo ra để những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.
Đề cập tới vai trò của Hội nghị “Đẩy mạnh công tác văn hóa học đường”, theo người đứng đầu ngành Giáo dục, tiếp theo thành công của Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, một số hội nghị, hội thảo và các hoạt động của Bộ GDĐT, cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức xoay quanh chủ đề văn hóa học đường, Hội nghị sẽ tập trung trao đổi, bàn luận về những giải pháp nhằm tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường; triển khai hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg trong việc tăng cường công tác xây dựng văn hoá học đường, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu tình hình và nhiệm vụ mới.
6 nhiệm vụ trọng tâm xây dựng văn hoá học đường
Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và thường xuyên dành sự quan tâm đối với công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng: Văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
|
|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Bộ GD&ĐT |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường đã bám sát tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Nhìn nhận những mặt tích cực, cũng như những khó khăn, hạn chế của công tác văn hóa học đường thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị và toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện tốt 6 nội dung trọng tâm trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hoá học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra. Nghiên cứu, hoàn thiện lý luận, khoa học, thực tiễn và tăng cường tuyên truyền để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động.
Phát huy dân chủ và vai trò đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, các thầy giáo, cô giáo xây dựng văn hoá học đường. Tập trung xây dựng một số mô hình điểm và nhân rộng mô hình tốt. Thường xuyên theo dõi, động viên, đôn đốc kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết công tác triển khai xây dựng văn hoá học đường để kịp thời định hướng, điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, quy chế, hướng dẫn liên quan tới xây dựng văn hóa học đường. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo rà soát sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Thứ ba, gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hoá học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục nói riêng. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong chương trình giáo dục, đào tạo.
Thứ tư, phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử. Tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong nhà trường, ngoài nhà trường và trên không gian mạng.
Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch, đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện. Lấy con người làm trung tâm, ưu tiên bồi dưỡng phẩm chất yêu nước, tính trung thực và tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực tự học, ý thức tự chủ, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh, tư duy phản biện, phong cách làm việc khoa học.
Thứ năm, huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện, bảo đảm các thiết chế văn hóa trong nhà trường như thư viện, nhà văn hóa, sân vận động,…; tăng cường các điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, cập nhật các quy chuẩn xây dựng trường học bảo đảm sinh thái phù hợp với môi trường giáo dục. Có giải pháp huy động sự tham gia tích cực của gia đình, cộng đồng và xã hội; phát huy vai trò của học sinh, sinh viên trong xây dựng văn hoá học đường.
Thứ sáu, Bộ GDĐT cần phát huy tốt vai trò chủ trì tham mưu, phối hợp, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, trong đó cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Hội Khuyến học trong xây dựng văn hóa học đường, nhất là các cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trong Chỉ thị 08. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc, tích cực chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được phân công.
Xây dựng văn hóa học đường góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Nhiều ý kiến chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước nhìn nhận, được trao đổi thảo luận xoay quanh các vấn đề như: Xây dựng văn hóa học đường góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Công tác chỉ đạo triển khai của Đoàn, Hội, Đội về các giải pháp phối hợp với ngành Giáo dục trong nhiệm xây dựng văn hóa học đường; Xây dựng hệ giá trị văn hóa cần hình thành trong học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới...
Nhận định văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia dân tộc, là lĩnh vực đặc biệt quan trọng tạo điều kiện môi trường để hiện thực hóa: “Học để làm người” của giáo dục, PGS.TS Đào Duy Quát, Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho rằng: Cần nhận thức văn hóa học đường là hệ thống các giá trị chuẩn mực được kiến tạo và không ngừng hoàn thiện qua quá trình tương tác ứng xử giữa nhà quản lý giáo dục, cán bộ giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và các cộng đồng với nhau. Qua đó, giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ trong các nhà trường phát triển toàn diện: nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước./.