Vỉa hè Hà Nội - đến khi nào mới hết “vồ ếch” do lãng phí

Thứ sáu, 29/11/2024 08:14
(ThanhtraVietNam) - Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm, vỉa hè Hà Nội lại được đào xới, lát lại, có người nói vui "thấy vỉa hè đào xới là thấy Tết đang tới rất gần", nhưng lối đi trên vỉa hè tự dưng biến mất. Ngoài những viên gạch mới toanh xếp chồng xếp đống, còn có “lãng phí” đang lén lút vấp phải trên mỗi bước đi!

Chắc hẳn, cú vồ ếch bất ngờ khi đi bộ trên vỉa hè Hà Nội là trải nghiệm không ai mong muốn. Nếu bạn chưa từng vấp ngã trên vỉa hè, đừng vội tự hào vì đôi khi chỉ cần bước lên một đoạn vỉa hè đang được nâng cấp là bạn sẽ có cơ hội trở thành nạn nhân của một cú "vồ ếch" ngoạn mục.

Câu chuyện bắt đầu vào một sáng sớm đầu đông se lạnh, khi tôi rảo bước khoan khoái trên con phố quen thuộc, dọc theo vỉa hè vừa được đào lên để… lát lại. Tôi tự tin với những bước đi chắc chắn, trên đôi "cờ rót bánh mỳ" của mình, cho đến khi một viên gạch “không mời mà đến” vướng vào chân tôi. Và thế là… "oạch"! Một cú "đáp đất vỡ vài viên gạch" tưởng chừng như không thể xảy ra ở nơi tôi đi qua mỗi ngày. Nhưng đó lại là kết quả của một quá trình cải tạo vỉa hè kéo dài không ngừng nghỉ.

Và câu hỏi tôi đặt ra ngay trong đầu, lấn át nỗi đau thể xác: Liên tục đào/ lát lại vỉa hè, liệu có phải là một cách làm hiệu quả không?

Công cuộc cải tạo vỉa hè diễn ra khắp nơi, từ những con phố sầm uất đến những ngõ nhỏ ít người qua lại. Nhưng điều kỳ lạ là, mỗi lần cải tạo, những đoạn vỉa hè mới được lát lại "chẳng tày gang", lại bị đào lên để sửa chữa. Nếu nói về vỉa hè Hà Nội, có lẽ cách diễn đạt chính xác nhất là: “Vỉa hè là một công trình không bao giờ hoàn thành!”

leftcenterrightdel
 Ảnh của Vietnamnet chụp, đăng bài ngày 28/11/2024.
  Tại sao phải làm lại từ đầu liên tục như vậy? Câu trả lời có thể đến từ sự "sáng tạo” đặc biệt trong việc chi tiêu ngân sách. Mỗi lần đào xới, lát lại một đoạn vỉa hè là một lần ngân sách bị tiêu tốn, nhưng đáng tiếc là không phải lúc nào công trình cũng mang lại hiệu quả lâu dài. Đoạn đường chưa kịp “yên thân” đã lại bị đào lên, “lách cách” từ ngân sách này sang ngân sách khác.

Và rồi, giữa những đoạn vỉa hè vỡ nát, cú vồ ếch của người đi bộ, cụ thể hôm nay chính là tôi, người đang vừa xoa cao sao vàng, vừa viết bài, nỗi đau của người dân lại tăng lên. Không phải đau vì vết thương bầm tím, mà là vì những dấu hỏi khổng lồ về hiệu quả công việc.

Hà Nội, nơi mà câu chuyện “lát rồi lại đào” trở thành chủ đề bàn tán không ngừng, lại tiếp tục chi ra một khoản ngân sách không hề nhỏ cho việc cải tạo vỉa hè. Tất nhiên, không phải công trình nào cũng như vậy, nhưng sự thật là rất nhiều công trình không những không mang lại hiệu quả lâu dài mà còn làm tăng thêm gánh nặng cho ngân sách công. Đó là lúc tôi lại tiếp tục tự hỏi: Liệu chúng ta có thể làm gì để tránh những "cú vồ ếch"?

Mỗi lần cải tạo vỉa hè dù là quy mô nhỏ hay lớn đều phải đụng đến những vấn đề về lập kế hoạch, điều hành và giám sát. Để tránh tình trạng “lát rồi lại đào”, không chỉ cần một cái nhìn toàn diện mà còn phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, từ quy hoạch đến thi công. Thật khó hiểu khi các cơ quan có thể nhìn thấy một vỉa hè lởm chởm được đào lên chỉ sau thời gian ngắn khi được “lát lại”.

THAY ĐỔI! chúng ta sẽ không chỉ tiết kiệm được ngân sách mà còn có thể giữ gìn được những vỉa hè không “chắp vá” liên tục. Có thể nói, mỗi công trình như vậy không chỉ là một bài học về lãng phí mà còn là bài học về sự thiếu hụt trong khâu quản lý, điều hành. Nếu được cải thiện, việc cải tạo vỉa hè sẽ không còn là gánh nặng ngân sách, và người dân sẽ không phải "đau chân" mỗi khi bước lên.

leftcenterrightdel
 Ảnh của Vietnamnet chụp, đăng bài ngày 28/11/2024. 

Trong câu chuyện vỉa hè Hà Nội, không thể không nhắc tới vai trò của các cơ quan báo chí, cơ quan thanh tra trong việc giám sát và bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của các công trình công cộng. Thanh tra không chỉ đóng vai trò là "người gác cổng" của ngân sách mà còn là "người bảo vệ" quyền lợi của người dân khi những công trình như vỉa hè ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày.

Việc liên tục đào xới và lát lại vỉa hè có đặt ra nghi vấn về chất lượng thi công cũng như hiệu quả sử dụng ngân sách. Đây chính là lúc các cơ quan thanh tra cần vào cuộc để làm rõ, công trình được thi công ra sao? Quy trình đấu thầu, ký kết hợp đồng với các nhà thầu có đảm bảo tính minh bạch không? Và đặc biệt, liệu có lợi ích nhóm hay dấu hiệu sai phạm nào ẩn giấu đằng sau những công trình “lát rồi lại đào”? Một cuộc thanh tra toàn diện có thể giúp vạch trần những bất cập, từ khâu lập kế hoạch, phân bổ vốn đến giám sát thi công.

Bên cạnh đó, thanh tra cũng cần kiểm tra xem các công trình này đã tuân thủ đúng quy định pháp luật và tiêu chuẩn kỹ thuật hay chưa. Ví dụ, vật liệu lát vỉa hè liệu có đạt chất lượng? Độ bền công trình có được đảm bảo theo cam kết trong hợp đồng? Đây là những câu hỏi cần câu trả lời cụ thể để ngăn chặn việc lãng phí tiếp tục xảy ra.

Không chỉ vậy, cơ quan thanh tra còn phải đảm bảo rằng, mỗi lần đào xới, cải tạo vỉa hè đều có lý do chính đáng. Liệu việc thay mới có thực sự cần thiết, hay đây chỉ là một cách “đổi mới hình thức” để hợp thức hóa việc sử dụng ngân sách? Một khi các vấn đề này được làm sáng tỏ, thanh tra không chỉ giúp bảo vệ ngân sách quốc gia mà còn củng cố niềm tin của người dân vào sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Cơ quan thanh tra cần đưa ra các khuyến nghị để nâng cao hiệu quả quản lý, tránh tình trạng “lát rồi lại đào” diễn ra lặp đi lặp lại. Điều này có thể bao gồm việc xây dựng quy trình quy hoạch dài hạn, áp dụng công nghệ hiện đại trong thi công và giám sát, cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan liên quan.

Như vậy, Thanh tra không chỉ là người “gác cửa” mà còn là người đồng hành, đảm bảo rằng những đồng tiền ngân sách được chi tiêu đúng nơi đúng chỗ, nói không với lãng phí. Hãy cùng hy vọng rằng, đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ không phải nghe thêm bất kỳ tiếng "oạch" nào nữa khi bước chân lên vỉa hè Hà Nội./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra