Vỉa hè Hà Nội - giá rẻ, hệ lụy đắt

Thứ năm, 05/12/2024 07:00
(ThanhtraVietNam) - Vỉa hè, biểu tượng của một đô thị văn minh, liệu có đủ sức gánh thêm “sứ mệnh” trở thành mặt bằng kinh doanh. Hà Nội đang thách thức chính mình, biến vỉa hè thành nơi khởi nghiệp, hay là khởi đầu cho một vòng lặp lộn xộn hơn bao giờ hết?

Lợi ích kinh tế - con dao hai lưỡi
“Vỉa hè là của người đi bộ” - một câu nói giản đơn từ xưa, nhưng thực hiện được đã chẳng dễ dàng. Thế mà nay, Hà Nội lại đang tính chuyện biến những mét vỉa hè vốn dành cho người đi bộ thành nơi kinh doanh với giá thuê từ 20.000 đến 40.000 đồng/m² mỗi tháng. Một mức giá nghe qua thì rẻ như ly cà phê đá, nhưng cái giá xã hội phải trả có thể chẳng hề rẻ chút nào.
Dự thảo đề án quản lý và khai thác vỉa hè quy định rõ: vỉa hè rộng tối thiểu 3m mới được cấp phép kinh doanh, với điều kiện dành ra 1,5m cho người đi bộ. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng liệu 1,5m ấy có thực sự được bảo vệ hay sẽ nhanh chóng bị chiếm dụng? Trên thực tế, chẳng thiếu những ví dụ về việc "lấn dần lấn mòn" ở các thành phố lớn, nơi mà người đi bộ thường xuyên phải tràn xuống lòng đường vì vỉa hè đã trở thành bãi giữ xe hoặc sạp hàng rong.
Hà Nội đẹp nhất là những con phố cổ với vỉa hè lát gạch bóng loáng, nơi người ta có thể thong thả đi bộ dưới bóng cây xanh mát. Nhưng giờ đây, thay vì những hình ảnh thơ mộng đó, vỉa hè sẽ trở thành một "chợ cóc" nhộn nhịp: bàn ghế nhựa bày la liệt, mẹt hàng rong chen chúc và xe máy dựng chặn ngang lối đi. Dẫu dự thảo quy định chừa lại 1,5m cho người đi bộ, nhưng ai đảm bảo không gian ấy sẽ còn nguyên vẹn trong bối cảnh quản lý lỏng lẻo hiện nay?
Một vỉa hè lộn xộn không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị mà còn làm suy giảm chất lượng sống của người dân. Người đi bộ phải len lỏi giữa dòng phương tiện hoặc bước xuống lòng đường. Họa chăng, Hà Nội có đang tự đẩy lùi mình khỏi hình ảnh một đô thị văn minh và hiện đại?
Phải thừa nhận rằng việc cho thuê vỉa hè có thể mang lại nguồn thu ngân sách, đồng thời tạo điều kiện kinh doanh cho người lao động. Nhưng hãy nhìn xa hơn: liệu số tiền thu được từ việc cho thuê vỉa hè có đủ để khắc phục những hệ lụy như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường hay mất trật tự an ninh đô thị?
Kinh doanh vỉa hè thiếu kiểm soát sẽ khiến thành phố rơi vào vòng luẩn quẩn, tiền thu không bù được những chi phí xã hội mà nó tạo ra. Thêm vào đó, Hà Nội vốn đã "chật chội" nay lại càng "ngột ngạt" hơn bởi những tiếng ồn, rác thải và khói bụi từ các hàng quán tự phát.

leftcenterrightdel
Vỉa hè - đi bộ hay đi bán. Ảnh: L.A 

Văn hóa lấn chiếm, "được đằng chân, lân đằng đầu"
Cho thuê vỉa hè hôm nay sẽ mở ra tiền lệ nguy hiểm ngày mai. Nếu một mét vuông được cấp phép, không ai dám chắc những mét vuông còn lại không bị lấn chiếm. Và một khi thói quen "lấn tới" ăn sâu vào ý thức, việc quản lý sẽ trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Nhìn ra thế giới, các đô thị văn minh như Tokyo hay Singapore đều ưu tiên không gian vỉa hè cho người đi bộ. Họ hiểu rằng, vỉa hè không chỉ là nơi để đi lại mà còn là biểu tượng của sự phát triển đô thị. Hà Nội, nếu thực sự muốn hướng tới mục tiêu "văn minh và hiện đại", có lẽ cần suy xét cẩn thận hơn trước khi biến vỉa hè thành nơi kinh doanh. Đừng để những con đường lịch sử, những tuyến phố cổ kính trở thành minh chứng cho một đô thị "tắc đường" cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Thẳng thắn mà nói, với tư cách một người yêu Hà Nội, tôi phản đối việc cho thuê vỉa hè, dù có chừa lại 1,5m cho người đi bộ. Vỉa hè không chỉ là lối đi, mà còn là khoảng thở, là không gian kết nối cộng đồng, là nơi đứa trẻ tập đi hay cụ già tản bộ. Khi vỉa hè bị chiếm dụng, giá trị tinh thần ấy liệu có còn giữ được?
Tôi hiểu rằng ý kiến này có thể khiến tôi bị "ném đá". Sẽ có người bảo "vậy người lao động bán hàng rong thì sao?" hay "ngân sách thành phố cần thêm nguồn thu, chị có giải pháp gì tốt hơn không"?... Nhưng, thay vì tìm cách tận thu từ vỉa hè, tại sao không đầu tư nâng cao chất lượng chợ cóc, xây dựng các không gian thương mại phù hợp để người dân buôn bán?
Chúng ta không thể vì cái lợi nhỏ trước mắt mà đánh đổi cả một tương lai. Một Hà Nội đẹp, xanh và văn minh không thể tồn tại nếu mỗi người dân phải bước đi trên lòng đường, giữa những tiếng còi xe inh ỏi.
Việc cho thuê vỉa hè có thể là một giải pháp kinh tế, nhưng chưa chắc đã là một lựa chọn đúng đắn. Thành phố có rất nhiều cách để tăng nguồn thu mà không cần phải hy sinh không gian sống của người dân. Hãy để vỉa hè là nơi người ta có thể tản bộ, ngắm nhìn một Hà Nội thanh lịch, chứ không phải là nơi phải chen chúc vì những quán hàng.
Người đi bộ có thể không "đóng thuế" cho vỉa hè, nhưng họ là người làm nên linh hồn của một đô thị. Hãy để Hà Nội giữ được bản sắc của mình, bằng cách giữ lại vỉa hè cho chính những người yêu thành phố này./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra