Bác Hồ kêu gọi phụ nữ thực hiện đời sống mới

Thứ năm, 09/03/2023 16:34
(ThanhtraVietNam) - Trên báo Tiếng gọi Phụ nữ (Cơ quan tuyên truyền cổ động của Phụ nữ Cứu quốc) số Tết Bính Tuất 1946 (ra ngày 22/1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh có thơ gửi phụ nữ Việt Nam để cổ vũ cho đời sống mới nhân dịp nước nhà vừa mới giành được độc lập.

Bài thơ của Người như sau: Năm mới Bính Tuất/ Phụ nữ đồng bào/ Phải gắng làm sao/ Gây “Đời sống mới”/ Việc thành là bởi/ Chúng ta siêng mần/ Vậy nên chữ cần/ Ta thực hành trước/ Lại phải kiệm ước/ Bỏ thói xa hoa/ Tiền của dư ra/ Đem làm việc nghĩa/ Thấy của bất nghĩa/ Ta chớ tham tàn/ Thế tức là liêm/ Đã liêm thì khiết/ Giữ mình làm việc/ Quảng đại công bình/ Vì nước quên mình/ Thế tức là chính/ Cần, kiệm, liêm, chính/ Giữ được vẹn mười/ Tức là những người/ Sống “Đời sống mới”.

Phụ nữ Việt Nam với “Tuần lễ vàng”

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lại lời Các Mác: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi” và lời V.I.Lênin: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công” (1). Kết quả phụ nữ là lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu nữ tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ IV, Hà Nội ngày 30/12/1966. Ảnh tư liệu lịch sử.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chính quyền cách mạng của ta lúc đó phải đối phó với muôn vàn khó khăn. Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, 20 vạn quân Tưởng kéo vào, theo chúng là bọn tay sai thuộc các tổ chức phản động, âm mưu cướp chính quyền mà Nhân dân ta đã giành được. Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, hơn 1 vạn quân Anh kéo vào, dọn đường cho thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Ngoài ra, trên cả nước còn hơn 6 vạn quân Nhật đang chờ giải giáp. Bọn phản động trong nước ngóc đầu dậy, làm tay sai cho Pháp, chống phá cách mạng. Chính quyền cách mạng còn non trẻ; lực lượng vũ trang còn yếu. Nạn đói vẫn chưa khắc phục. Hàng hóa khan hiếm, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Di sản văn hóa lạc hậu của chế độ cũ rất nặng nề, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội còn phổ biến. Ngân sách Nhà nước trống rỗng... Tình thế này đối với Nhà nước cách mạng non trẻ của ta và nền độc lập mới giành lại của của nước ta được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949. Ảnh tư liệu lịch sử.

Để giải quyết tình thế trên, Đảng và Nhà nước ta đã dựa vào dân và khơi dậy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày 4/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra sắc lệnh số 04 thành lập “Quỹ Độc lập”. Sắc lệnh nêu rõ: “Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà Nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia”. Trong khuôn khổ “Quỹ Độc lập”, Chính phủ đã đề ra chương trình tổ chức “Tuần lễ vàng” từ ngày 17/9/1945 đến ngày 24/9/1945, kêu gọi sự ủng hộ của Nhân dân.

Ngày 17/9/1945, ngày đầu tiên của “Tuần lễ vàng”, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Nhân dân thủ đô đã nô nức đem vàng đến đóng góp. Trong dòng người tấp nập ấy, phụ nữ là đa số.

Bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô, chủ hiệu buôn tơ lụa nổi tiếng Phúc Lợi ở 48 Hàng Ngang (Hà Nội) nhớ lại: “Vợ chồng tôi cảm kích trước bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước khi Cụ nói về trách nhiệm của người dân trước quốc gia non trẻ nên ngay trong ngày đầu tiên vợ chồng tôi đã ủng hộ 117 lạng vàng... Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, có đóng góp hết, chúng tôi lại sẽ làm ra nhưng độc lập của dân tộc Việt Nam thì không thể nào để mất”. Kể cả đóng góp trong “Tuần lễ vàng”, tổng cộng vợ chồng bà Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ Việt Minh, Chính phủ lâm thời 5.147 lạng vàng. Ghi nhận những đóng góp cho cách mạng, Đảng và Nhà nước đã truy tặng vợ chồng bà Hoàng Thị Minh Hồ Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Bà Vương Thị Lai, chủ hiệu buôn tơ lụa Lợi Quyền (Hà Nội) đóng góp 109 lạng vàng cho “Tuần lễ vàng”. Trân trọng sự đóng góp của bà, ngày 10/11/1945, Hội Phụ nữ đã tổ chức “Ngày phụ nữ ủng hộ Nam bộ kháng chiến” và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự, mang theo tấm huy chương bằng vàng hình ngôi sao năm cánh, giữa có chữ V.M tặng cho bà Vương Thị Lai. Đó là tấm huy chương đầu tiên mà Người tặng cho một công dân của nước Việt Nam mới. “Vương Thị Lai là đại biểu cho lòng hăng hái và hy sinh”, đó là lời đánh giá của Người. Bà Vương Thị Lai sau đó đã lặng lẽ tiếp tục đem vàng, tiền mua thóc ủng hộ quỹ cứu đói, ủng hộ bộ đội, giúp tự vệ thành trong những ngày cuối năm 1946. Bà Vương Thị Lai sau này tham gia Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, là ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới của Việt Nam và ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi, vợ ông Nguyễn Sơn Hà, chủ hãng sơn Gecko (Hà Nội) đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý) cân được 10,5kg cho “Tuần lễ vàng”. Bà Nguyễn Thị Lãm, vợ ông Nguyễn Hữu Nhâm, chủ hiệu vải Tam Kỳ đã đem 300 lạng vàng đóng góp cho “Tuần lễ vàng”.

Vợ chồng bà Trịnh Thị Điền, chủ cửa hàng buôn bán tơ lụa tại 54 Hàng Gai, Hà Nội; chủ một nhà máy dệt ở Gia Lâm, Hà Nội và một đồn điền lớn tại Chi Nê, Hòa Bình ủng hộ 10 vạn đồng (trị giá 4kg vàng) vào “Quỹ Độc lập” và 100 lạng vàng trong “Tuần lễ vàng”. Bà Trịnh Thị Điền sau đó đã tham gia Ủy ban Hành chính Kháng chiến khu Hoàn Kiếm, Hà Nội; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1955. Năm 1950, vợ chồng bà Trịnh Thị Điền được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì và nhiều phần thưởng khác như Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân”, Huy chương “Vì sự nghiệp tài chính của Đảng”, Huy chương “Vì sự nghiệp giải phòng phụ nữ”. Riêng bà Trịnh Thị Điền được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất vào năm 1991.

Tổng cộng “Tuần lễ vàng” tại Hà Nội đã góp được 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc cùng tiền bạc và nhiều hiện vật khác, tổng trị giá lên 7 triệu đồng Đông Dương.

Ở Huế, vào ngày 17/9/1945, “Tuần lễ vàng” khai mạc tại phía Nam sông Hương. Cựu Hoàng hậu Nam Phương (vợ vua Bảo Đại mới thóai vị) là người đầu tiên cởi toàn bộ trang sức kiềng vàng, bông tai, xuyến… đeo trên người ra quyên góp giữa tiếng vỗ tay nhiệt liệt của dân chúng. Với nghĩa cử cao đẹp và gương mẫu đi đầu đó, bà Nam Phương được mời làm chủ tọa “Tuần lễ vàng” tại Huế. Từ hành động của bà Nam Phương mà làn sóng ủng hộ lan rộng ra khắp các tầng lớp dân chúng ở Huế. Chỉ trên dưới một tuần lễ, thành phố Huế đã thu được 945 lạng vàng. Bà Nam Phương đã tuyên bố trước giới phụ nữ nước nhà: “Chúng tôi rất vui mừng thấy chị em đã tiến rất mau trên con đường cứu nước... nay mai khi nào chị em có việc gì cần đến tôi, tôi sẽ rất sung sướng mà gánh lấy một phần công việc” (Báo Quyết tiến ngày 18/9/1945).

Ở Bình Thuận, bà Nguyễn Thị Thềm, dòng dõi vua Chăm, đã hiến chiếc mão của vua và dĩa đựng trầu cau bằng vàng từ bao đời trước để lại. Bà Dương Thị Lịch ở Sông Cầu (Phú Yên) có tên thật là Paulette Jovanic (người Ý, quốc tịch Pháp) đã ủng hộ Chính phủ 2 lạng vàng. Ở Đắc Lắc, bà H’Lay, người Êđê đã hiến 5 chỉ vàng. Nhân dân miền Tây Nam bộ cũng hăng hái đóng góp nữ trang, đồ gia bảo, ai không có vàng thì đóng góp tiền. Cuối đợt vận động, miền Tây Nam bộ đã gửi ra Trung ương 2.500 lạng vàng và 20.000 đồng (tiền Đông Dương ngân hàng).

Trong “Tuần lễ vàng” các tầng lớp Nhân dân cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Theo nhiều nhà nghiên cứu, giá vàng khi đó là 400 đồng/lạng thì số tiền 20 triệu đồng tương đương 50.000 lạng (khoảng 1.923 kg). Như vậy, “Tuần lễ vàng” tổng cộng thu được 2.293 kg hoặc 59.618 lạng vàng.

Lượng tiền, vàng mà Nhân dân cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc lập” tại “Tuần lễ vàng” là tiền đề tài chính quan trọng giúp Đảng và Chính quyền cách mạng tháo gỡ tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đồng thời, đây còn là cơ sở để cuối tháng 1/1946 chúng ta phát hành đồng tiền Việt Nam.

Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phát huy truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, hàng ngàn, hàng vạn các mẹ, các chị cầm vũ khí trực tiếp tham gia giết giặc lập công. Ngoài những nữ chiến sĩ trong hàng ngũ các đơn vị chính quy, các binh chủng và các đơn vị kỹ thuật, còn có đông đảo phụ nữ tham gia chiến đấu trong phong trào dân quân, du kích, thanh niên xung phong ở khắp nơi.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) cả nước ta có đến 980.000 nữ du kích. Trong đó có 12 nữ du kích được tặng danh hiệu Anh hùng như: Hồ Thị Bi, Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu... Từ năm 1950 đến 1954, nữ dân công vùng tự do đã đóng góp 9.578.000 ngày công vận chuyển lương thực, thực phẩm, súng đạn cho 18 chiến dịch, riêng Chiến dịch Điện Biên Phủ là 2.381.000 ngày công.

Ngày 9/3/1961, khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà” (2).

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975), phụ nữ miền Nam đã lập được nhiều kỳ tích chói lọi. Ra đời từ phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre (1960), “Đội quân tóc dài” - một “Binh chủng đặc biệt” của nữ giới đã phát triển lan rộng khắp miền Nam, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam thời kỳ chống Mỹ. Các nữ anh hùng, nữ dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam đã đánh giặc bằng đủ các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại, đã lập nhiều chiến công chói lọi. Tiêu biểu là các nữ anh hùng Nguyễn Thị Út, Tạ Thị Kiều, Kan Lịch; tiểu đội 11 cô gái Sông Hương đã dũng cảm chiến đấu, đánh lui một tiểu đoàn địch trong chiến dịch Mậu thân 1968; các nữ liệt sĩ Tô Thị Huỳnh, Lê Thị Hồng Gấm, Trần Thị Tâm...

Tại lễ mít tinh kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vào tháng 10/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Phó tổng tư lệnh quân Giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Ở miền Bắc, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ đã trở thành một trong những biểu tượng cao nhất của phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc trong những năm chống Mỹ. Thực hiện khẩu hiệu “Tay búa, tay súng”, “Tay cày, tay súng”, phụ nữ miền Bắc đã tham gia đông đảo vào các lực lượng dân quân và tự vệ chiến đấu ở khắp mọi nơi, từ miền xuôi đến miền núi. Có 20 đơn vị nữ dân quân tự vệ đã độc lập tác chiến bắn rơi 28 máy bay Mỹ. Ba đơn vị nữ được tặng danh hiệu đơn vị anh hùng là trung đội nữ dân quân xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa; tiểu đội nữ dân quân xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; đại đội nữ pháo binh xã Ngư Thuỷ huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Năm 1965, lực lượng “Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước” thành lập ở miền Bắc với nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên các tuyến đường huyết mạch. Hơn 6 vạn nữ thanh niên đã tham gia mở đường, san lấp hố bom tại các trọng điểm đánh phá ác liệt như cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), phà Bến Thuỷ (Nghệ An), ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng tiểu đội “11 cô gái sông Hương” bài thơ khen ngợi: “Dõng dạc trong tay khẩu súng trường/ Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Người cũng đã khen tặng: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước”. Người cũng khen tặng phụ nữ miền Nam tám chữ vàng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Tại một buổi nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện vào ngày 18/1/1967, đánh giá về kết quả sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ nước nhà” (3). Đặt niềm tin vào vai trò chủ động vươn lên của người phụ nữ trong học tập, lao động và sáng tạo, Người tin tưởng rằng: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông” (4).

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, đã nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại và từ đó giải phóng chính mình”./.

Chú thích:

(1)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 288;

(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, tập 11 Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009,  tr. 296, tr. 256;

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 97.

Nguyễn Văn Toàn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra