1. Chủ tịch Hồ Chí Minh sống giản dị, gần gũi với hoa cỏ, thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh. Nhà thơ Cu-ba P. Rodrighet sau khi đến thăm Người đã nhận xét: "Chúng tôi được biết có hai điều Bác Hồ yêu thích, đó là hoa và tiếng chim ca. Hoa và chim luôn luôn ở bên Người. Ngôi nhà nhỏ của Bác nhìn ra phía nào cũng có một ô cửa sổ, một bức tranh bằng ánh sáng, trong đó hiện ra những cành cây và khi gió nhẹ thổi qua, bức tranh như có sức sống" (1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng hoa làm đẹp cho đời. Ảnh: Sưu tầm
Trước cách mạng tháng Tám, Bác ở Pác Bó địa hình hùng vĩ, lại có nét nên thơ. Bác thường ngồi làm việc bên bờ suối, dưới vòm cây xanh có hoa, bướm và chim rừng. Khi về Phủ Chủ tịch, trong những ngày đẹp trời, Bác cũng thường làm việc ở giàn hoa giấy. Bác coi giàn hoa như phòng khách đặc biệt, thoải mái tự nhiên, không bị giới hạn bởi không gian và nghi thức ngoại giao nên thường chọn địa điểm này tiếp đón nhiều đoàn đại biểu trong nước và quốc tế. Quanh khu Phủ Chủ tịch, tám cây ngọc lan, hoàng lan hoa nở rộ, tỏa hương ngan ngát, ngọt ngào từ tháng năm đến tháng chín. Ven ao cá, hoa phượng đỏ thắm, hoa chàm liễu đỏ buông sát mặt nước. Bác thích hoa dạ hương, hoa huệ, hoa mộc thoang thoảng, thanh tao. Buổi sáng tập thể dục về, Bác thường ghé bên những khóm hoa trước nhà sàn, ngắt một vài nụ hoa nhài đang nở, thả vào bát thủy tinh. Ông Hoàng Tấn Quang, người chăm sóc vườn cam cho Bác kể lại, một buổi chiều năm 1964, khi vừa xong việc, Bác dặn: “Các chú chuẩn bị 2,3 cái đèn pin. Tối nay Bác cháu mình đi xem hoa quỳnh”. Lần khác, Bác đưa cái đĩa con nhờ ông Quang ra vườn lấy ít hoa ngọc lan, hoa ngâu vào trong phòng cho thơm. Những năm cuối đời, bác sĩ yêu cầu bỏ thuốc, để tránh nhớ hơi thuốc, Bác ngắt hoa nhài đặt trong chiếc bát nhỏ trên bàn làm việc để hương hoa thoang thoảng trong phòng.
Nhà thơ Bungari Blaga Dimitrova kể tháng 10/1966 được vào gặp Bác: “Cảnh đầu tiên hiện ra trước mắt tôi là lọ hoa hồng trên bàn và một cụ già vóc người tầm thước mà tôi đã được biết qua tranh ảnh... Người là chủ nhà, là chủ cả đất nước mà chỉ mặc bộ quần áo bà ba giản dị, chân đi đôi dép cao su. Bắt gặp tôi đang chăm chú nhìn lọ hoa hồng - ở đây, hoa hồng được coi là sự chúc mừng đối với Tổ quốc tôi - Người nói bằng lời lẽ dễ hiểu rằng trong mọi hoàn cảnh, Người vẫn có được lọ hoa hồng đặt trên bàn làm việc. Chỉ là sự hà khắc trong nhà tù mới tước mất thói quen đó của Người. Lúc này tôi mới nhận thấy hết ý nghĩa những bông hoa nảy nhụy, tỏa hương” (2).
Nhà báo Mađơlen Ripphô trong bài thơ “Bác Hồ”, cũng nhắc đến hình ảnh “Người cầm hai đóa hoa hồng - tựa như những đóa ta trồng vườn hoa” đã từng gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn chị (3). Mađơlen Ripphô kể những dịp được gặp Bác ở Hà Nội, ở Việt Bắc ấn tượng đẹp nhất vẫn là những cây hoa hồng của Người: “Bác Hồ thường tiếp khách vào buổi sáng tinh sương trong những ngôi nhà nhỏ ở khu vườn Phủ Chủ tịch. Những cây hoa hồng trồng làm cảnh, được chăm sóc cẩn thận, nói lên rằng bất chấp bom đạn, Việt Nam vẫn thách thức (với kẻ thù) và tin chắc vào thắng lợi của mình. Từ nay tôi không thể nhìn một bông hoa hồng - dùng làm vật trang trí - mà không khỏi nhớ tới Hồ Chủ tịch” (4). Đời sống giản dị, thanh bạch, gần gũi với thiên nhiên khiến cho tên Người trở thành cả một niềm thơ đối với bao nhiêu thi sĩ.
Hoa phong lan tươi đẹp được Bác dành tặng cho 3 nữ dân quân tự vệ. Ảnh: Sưu tầm
2. Bác thường tặng hoa cho các cháu gái, cho cán bộ, chiến sĩ có thành tích trong lao động, sản xuất, chiến đấu và bạn bè quốc tế. Nhiều nữ đồng chí dũng cảm đã vinh dự được nhận những bông hoa tươi thắm từ Người. Đầu xuân 1962, dự hội nghị tổng kết đơn vị D25, chỉ có 4 đồng chí nữ, Bác vẫy tay gọi lên ngồi phía trên và trước lúc ra về, Bác chọn lẵng hoa bốn bông hoa hồng thật đẹp, trao cho 4 chị em. Chiều ngày 11/9/1968, Bác đón các nữ dân quân Hoa Lộc bắn rơi máy bay phản lực Mỹ ra vườn xem hoa. Bên cụm hoa Lan Ngọc Điểm, Bác tự tay hái tặng những chùm phong lan to, hoa nở rất đẹp cho ba cô gái. Một đồng chí đứng bên, nhìn Bác ngắt hoa, vô tình bật ra tiếng xuýt xoa, Bác hiểu ý, mỉm cười nói: “Hoa đẹp thật nhưng người quý hơn hoa”. Tấm lòng trân trọng của Bác đối với tuổi trẻ của các cô gái có chiến công bắn rơi máy bay phản lực Mỹ không gì so sánh được
(5).
Những ngày cuối tháng 8/1969, bệnh của Bác càng trầm trọng. Người trải qua những cơn đau dữ dội nhưng vẫn nhớ dành hoa tươi cho y tá, bác sĩ đến chăm sóc sức khỏe cho Người. Chiều 31/8, Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ: “Hôm qua bộ đội tên lửa Hà Nội bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ, Văn phòng đã gửi tặng lẵng hoa chưa?”. Đồng chí báo cáo là đã gửi tặng, Bác rất vui. Bác còn nhắc gửi lẵng hoa của Chủ tịch nước nhân dịp Quốc khánh cho Đội Cảnh sát khu vực 4, khu phố Ba Đình, Đội Bảo đảm giao thông đường bộ I. Đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, Bác vẫn không lo gì cho riêng mình, chỉ lo khi mực nước sông Hồng dâng lên, lo cho dân được xem bắn pháo hoa ngày độc lập, nghĩ đến miền Nam, theo dõi chiến công mới nhất và mong sao cho các cháu gái ngày ngày vẫn có hoa.
Khi đón bạn bè quốc tế cùng các nhà báo, nhà văn, nhà thơ là khách của Bác tại Việt Nam, Bác thường tặng hoa để tỏ lòng mến khách. Nữ nhà báo Pháp Mađơlen Ripphô kể cứ sau mỗi cuộc gặp gỡ trong chốc lát, Người lại tặng khách một bông hoa hồng. Cho nên chỉ cần nhìn thấy một đại biểu nào đó của nước bạn, trong khi trở về khách sạn ở gần Hồ Gươm mà tay cầm một trong những đóa hồng đó, là tôi biết rằng Hồ Chủ tịch đang có mặt ở Hà Nội. Đầu năm 1959, khi Thủ tướng Ôt-tô Grốt-tơ-vôn dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa dân chủ Đức sang thăm Việt Nam, Bác đã tặng nữ đồng chí Giô-hơn-va cũng là vợ Thủ tướng một bông hồng (6). Thói quen tặng hoa của Bác đi vào trong thơ của tác giả Ivan Kuprianov:
“Khi tiễn, Người hái tặng tôi hai đóa hoa cẩm chướng: một màu trắng tinh và một màu đỏ tươi
Đó là tượng trưng của logic cách mạng” (7).
Còn Mađơlen Ripphô thì cho rằng: “Điều đó khiến người ta liên tưởng đến những tiêu ngữ của nền dân chủ nhân dân do Đảng của Hồ Chủ tịch thành lập, trong đó chữ hạnh phúc được ghi liền sau những chữ độc lập và tự do” (8).
3. Bác luôn khuyến khích trồng hoa làm đẹp môi trường sống, phục vụ con người. Tại Việt Bắc, có khi phải ngụy trang mái rạ bằng lá xanh. Lá héo úa anh em lại thay. Bác thấy vất vả, gợi ý nên thay bằng phong lan. Từ đó mái nhà luôn xanh tốt nhiều lúc còn có cả sắc hoa. Sau giờ làm việc Bác lại cùng anh em tăng gia trồng rau, trồng hoa bên bờ suối. Năm 1955, khi mới về Hà Nội, Phủ Chủ tịch và Phủ Thủ tướng phải mua hoa để đón tiếp và tặng khách. Bác bảo: “Ta có đất thế này mà ta phải bỏ tiền ra mua hoa là không được. Thôi bây giờ Bác cháu ta phải tự trồng lấy hoa” (9). Bác đi đến đâu cây mọc tươi xanh đến đó. Bác đề nghị trồng rào râm bụt xén bằng ngọn quanh nhà sàn và ao cá. Sau giờ làm việc buổi chiều, Bác thường tưới nước cho hoa phong lan. Khi quang treo mục, Người cho phần rễ bám trực tiếp lên thân cây bàng. Đến mùa hoa, lan nở nhiều chùm rất đẹp. Khi Liên Xô phóng thành công hai con tàu vũ trụ, để ghi dấu sự kiện quan trọng này, Bác cho trồng hai cây y lan cạnh bờ ao, đặt tên là cây vũ trụ. Hai cây lan đứng sóng đôi, hương tỏa ngan ngát trước nhà sàn.
Về thăm quê, Bác dặn người trông coi nhà khách kiếm cành dâm bụt về trồng thay hàng rào nứa, vừa đẹp vừa tiết kiệm tiền nứa. Bác phê bình Tỉnh ủy Nghệ An ưa hình thức mà trồng hoa giả, trưa nắng thấy nhiều bông trong bồn hoa đã héo, Bác nhổ lên xem thì ra những cành hoa không rễ mới được cắm xuống. Năm 1962, trong lúc dẫn đoàn đại biểu Thanh Hóa về dự Hội nghị tổng kết phong trào “Trai gái Đại Phong” toàn miền Bắc ra vườn ngắm hoa, Bác chỉ những bông hoa trong vườn bảo: “Đây là hoa thật cả đấy các cháu ạ. Ở quê các cháu còn nhiều người thích dùng hoa giấy lắm. Các cháu cố gắng trồng lấy hoa thật mà dùng” (10. Tháng 4/1964, thăm hồ chứa nước Suối Hai, Bác nói: “Ngoài việc hồ chứa phục vụ nông nghiệp, còn phải lợi dụng tổng hợp cảnh đẹp của hồ chứa... Ven đồi sẽ trồng các loại hoa như hoa phượng, hoa đào, hoa mai, hoa hồng, hoa đại”. Bác dạy chơi hoa phải biết tên cây, biết bảo vệ hoa và dành hoa cho người khác cùng thưởng thức.
Nhân dân và bạn bè thế giới đến thăm nhà Hồ Chủ tịch không gặp nhà lý luận hay trí thức đạo mạo mà gặp một lão nông Việt Nam, một người lao động như tất cả mọi người, nhưng đó chính là người thông thái nhất, nhân văn nhất, sâu xa nhất với một tâm hồn lộng gió thời đại cùng một đời sống thanh bạch, tao nhã biết bao. Lúc sinh thời cũng như lúc Bác đã đi xa, quanh nhà sàn và trong khu vườn tại Phủ Chủ tịch luôn có rất nhiều hoa. Mỗi loài hoa mang một màu sắc, hương thơm, một nét đẹp riêng, gợi nhớ những kỷ niệm về Người. Hoa mộc, hoa nhài, dạ hương, hoa bưởi, hoa cam, hoa vải, hoa xoài, hoàng lan, ngọc lan... thay nhau tỏa hương suốt bốn mùa./.
Nguyễn Thị Thu Hằng,
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Chú thích:
(1) Vĩ đại một con người, Trần Văn Giàu, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2008, tr.73;
(2), (3), (6), (7) Bác Hồ với văn nghệ sĩ tập 3, Nxb Hội nhà văn, tr.132, 337, 175, 217;
(4), (5), (8), (10) Bác Hồ với phụ nữ, Nxb Hồng Bàng, tr.247-248; 196; 248; 158;
(9) Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia, tr.587.