Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng Trung ương, các Đoàn ngoại giao, Tổ chức UNESCO cùng đông đảo lãnh đạo 09 tỉnh, thành miền Trung và người dân địa phương tham dự buổi lễ.
Phát biểu tại lễ vinh danh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng có mặt ở mảnh đất Bình Định kiên trung- quê hương của Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, cùng với 9 tỉnh, thành phố trong khu vực tổ chức đón nhận Bằng Di sản nghệ thuật bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Để di sản bài chòi được tiếp tục bảo tồn và phát huy, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành chức năng cùng các tỉnh được vinh danh tiếp tục gìn giữ, phát huy, truyền bá rộng rãi trong đời sống cộng đồng; góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển du lịch; đồng thời, tiếp tục vinh danh các nghệ nhân, nghệ sĩ để làm cho nghệ thuật bài chòi của Việt Nam nói riêng và cả nhân loại nói chung tiếp tục vang xa, góp phần quan trọng vào dòng chảy văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đại diện Tổ chức UNESCO trao bằng chứng nhận cho Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện
Tại buổi lễ ông Nguyễn Ngọc Thiện- Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Đại diện Tổ chức UNESCO đã trao Bằng Di sản nghệ thuật bài chòi đại diện của nhân loại cho 9 tỉnh thành phố trong khu vực miền Trung.
Ông Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, vào ngày 07/12/2017 tại JEJU- Hàn Quốc, kỳ họp thứ 12 của Uỷ ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 đã thông qua hồ sơ Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam, chính thức đưa loại hình nghệ thuật này vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc công nhận ghi danh nghệ thuật bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng 9 tỉnh, thành phố miền Trung Việt Nam về giá trị văn hóa dân gian của loại hình văn hóa phi vật thể này. Mặt khác, còn khẳng định vai trò của bài chòi dân gian trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương; tôn trọng giá trị sáng tạo của nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam trong tổng thể các giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam và góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa quốc tế.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL trao bằng chứng nhận cho đại diện các tỉnh, thành phố
Nét đặc sắc của hát bài chòi là được tổ chức thành một lễ hội. Người ta dựng từ 9-11 chòi, chia thành 2 bên và mỗi bên có 4, hoặc 5 chòi; ở giữa là chòi trung tâm hay còn gọi (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương. Bộ bài để đánh bài chòi là bộ bài tam cúc cải tiến, được vẽ trên giấy và dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán 3 con bài, không trùng lặp nhau. Khi vào cuộc chơi, anh Hiệu (tức người hô tha) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây nên sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh Hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh Hiệu mang con bài đến. Nếu trúng 3 con bài là chòi đó tới, xổ một hồi mõ dài. Khi đó anh Hiệu cầm lá cờ nhỏ và bưng khay rượu tới trao thưởng cho người trúng và lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng.
Phong cách trình diễn bài chòi của 9 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung có những phong cách và âm nhạc đặc trưng như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế thì chậm rãi, dung dị; Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng thì nhẹ nhàng, trữ tình và thanh thoát; Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thì mang sắc thái kịch tính hơn. Các thành tố văn hóa, nghệ thuật, thơ ca, âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ, phong tục tập quán trong nghệ thuật bài chòi được chuyển tải một cách giản dị, tự nhiên và có sức hấp dẫn với công chúng.
Để có những kết quả này, trong nhiều năm qua các tỉnh, thành phố trong khu vực đã đẩy mạnh các hoạt động sưu tầm, tư liệu hóa, công tác kiểm kê và được Viện Âm nhạc quốc gia, Viện Văn hóa Nghệ thuật phối hợp cùng với cộng đồng thực hiện kể từ năm 1998- 2015. Trong đó, nghệ thuật bài chòi các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Quảng Nam đã được kiểm kê và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia giai đoạn 2013- 2014. Cũng theo thống kê của các tỉnh, thành trong khu vực, đến năm 2014 đã có 1.376 người với 86 đội/nhóm/câu lạc bộ đang thực hành bài chòi và đến nay còn phát triển rất mạnh. Tiêu biểu các nhóm bài chòi như: An Nhơn, Quy Nhơn và Hoài Nhơn (Bình Định); Sông Cầu (Phú Yên); Hội An (Quảng Nam); Sông Yên (Đà Nẵng); Quảng Trạch (Quảng Bình); Triệu Trung (Quảng Trị) và Cầu ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên - Huế). Nhiều nghệ nhân nắm giữ, thực hành và trao truyền nghệ thuật bài chòi đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian và Chủ tịch nước phong tặng nhiều danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Biểu diễn văn nghệ bài chòi tại buổi lễ
Chương trình văn hóa nghệ thuật vinh danh Di sản Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên làm Tổng đạo diễn đã quy tụ trên 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ đến từ 9 tỉnh, thành phố có Di sản tham gia, được sắp xếp công phu từ sân khấu, âm thanh ánh sáng làm nổi bật phần hội với những nội dung đặc sắc nói về cội nguồn nghệ thuật bài chòi, thể hiện đậm nét truyền thống văn hóa, đời sống cộng đồng của người dân miền Trung trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của Bài chòi trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện- Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã thông qua Chương trình hành động Quốc gia để bảo tồn và phát huy giá trị Di sản nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực đã triển khai xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi; đồng thời, tổ chức công tác tập huấn, kiểm kê di sản hàng năm, nhận diện tư liệu hóa di sản, phục hồi các thành tố bị mai một và những tri thức dân gian liên quan đến di sản; định kỳ tổ chức liên hoan bài chòi; xây dựng các chương trình truyền dạy, giới thiệu, quảng bá di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở và Trung ương; đồng thời, nhân rộng các mô hình giới thiệu bài chòi phục vụ công chúng và phát triển ngành du lịch ở địa phương.
Viết Ý