Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941 - 19/5/2021):

Bài học đại đoàn kết từ Mặt trận Việt Minh

Thứ hai, 10/05/2021 12:16
(ThanhtraVietNam) - Mặt trận Việt Minh ra đời cách đây 80 năm, là biểu hiện sinh động nhất cho sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng đó đã trở thành nền tảng của Đảng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân hiện nay và mai sau.

Ngày 28/1/1941, sau hơn 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nơi Bác đặt chân đến đầu tiên trên quê hương đất nước mình là Pắc Bó.

Pắc Bó là một địa danh nằm sát biên giới Việt - Trung, thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi làm việc đầu tiên của Bác khi đất nước còn chìm trong bóng tối nô lệ và lầm than. Ở đây, Bác đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 vào tháng 5/1941.

Hội nghị Trung ương lần thứ 8 là một hội nghị có tính lịch sử của cách mạng Việt Nam. Hội nghị quyết định chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc cao hơn hết, là nhiệm vụ trước tiên, tạm gác nhiệm vụ cách mạng ruộng đất lại (chỉ thực hiện giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng).

leftcenterrightdel

Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, tại Tuyên Quang, ngày 3/3/1951. Ảnh tư liệu.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình lúc đó, Hội nghị đã đưa ra nhận định hết sức quan trọng và đúng đắn về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Hội nghị nhận định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp, phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” (1).

Về vấn đề chính quyền, Hội nghị đã xác định: Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật: “Sẽ thành lập một Chính phủ Nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc” (2).

Về vấn đề mặt trận dân tộc thống nhất, theo đề nghị của Bác, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Bác đã nhân danh nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc viết lá thư kêu gọi đồng bào cả nước: Việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh một phần trách nhiệm…

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhanh chóng triển khai việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, xây dựng tổ chức Việt Minh, phát động phong trào cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 6/6/1941, Nguyễn Ái Quốc viết thư "Kính cáo đồng bào", gửi các tầng lớp Nhân dân cả nước. Mở đầu bức thư, Người nêu lên tình cảnh khổ nhục của Nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Người ca ngợi những tấm gương oanh liệt của các bậc tiền bối trong cuộc đấu tranh giành quyền độc lập tự do. Tuy nhiên, việc lớn chưa thành vì “cơ hội chưa chín” và vì “dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”. Người chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”... Người chỉ rõ hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: “Toàn dân đoàn kết.... "Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên!” (3).

Hội nghị Trung ương lần thứ 8 cũng là hội nghị quyết định chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Theo Nguyễn Ái Quốc, cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc. Nhân dân các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có thể chủ động đứng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc.

Về phương thức tiến hành, tư tưởng khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa đã thể hiện rõ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Với kinh nghiệm từ phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ - Tĩnh và các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Hội nghị cho rằng khi thời cơ đến, thì “với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể thắng lợi, mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn” (4) để giành thắng lợi trong cả nước.

Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, tại các vùng căn cứ địa cách mạng, công cuộc chuẩn bị mọi mặt để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền được xúc tiến mạnh mẽ, gấp rút.

Ở Cao Bằng, Việt Minh có hệ thống từ xã đến tỉnh. Cuối năm 1942, khắp 9 châu của Cao Bằng đã có hội cứu quốc, trong đó có 3 châu mọi người đều gia nhập tổ chức Việt Minh, xã nào cũng có ủy ban Việt Minh. Từ đó, Ủy ban Việt Minh Cao Bằng và Ủy ban Việt Minh lâm thời Cao - Bắc - Lạng được thành lập.

Ở căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, Cứu Quốc quân đã tiến hành 8 tháng chiến tranh du kích anh dũng (từ 7/1942 đến 2/1943), mở ra khả năng lập căn cứ địa cách mạng, kết hợp đấu tranh chính trị rộng lớn với việc phát động chiến tranh du kích rộng lớn.

Các hội: Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu vong được lập ra ở nhiều vùng nông thôn ở các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Thanh Hóa. Hà Nội và Hải Phòng đã có Hội Công nhân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc…

Ở các tỉnh Nam kỳ, đầu năm 1942, các tổ chức đoàn thể Việt Minh xuất hiện ở ngoại ô Sài Gòn, Chợ Lớn và một số nơi ở Hóc Môn, Gia Định.

Như vậy, với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo cao, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo cả về chủ trương, đường lối, phương pháp và tổ chức lực lượng. Cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã lôi cuốn hàng chục triệu nông dân, dù chưa được chia lại ruộng đất của địa chủ, vẫn hăng hái tiến bước cùng giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cuộc cách mạng long trời, lở đất. Thắng lợi đó đã chứng minh tinh thần khoa học đúng đắn, tính cách mạng sáng tạo của nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941), mở ra bước ngoặc lịch sử trọng đại cho cách mạng Việt Nam.

Sức mạnh nội sinh từ khối đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; đã “đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa” (5) và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Lịch sử cũng đã ghi nhận, Mặt trận Việt Minh và các hình thức mặt trận sau đó (Mặt trận Liên - Việt, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), luôn lấy liên minh công - nông trí - thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đó là nguyên tắc nhất quán, phải thực hiện, bởi rằng, khối đại đoàn kết toàn dân trong mặt trận dân tộc thống nhất chỉ có thể được củng cố và phát triển khi được Đảng - bộ tham mưu của giai cấp công nhân và dân tộc lãnh đạo.

Thiết thực kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 80 năm thành lập Mặt trận Việt Minh, chúng ta nguyện chung sức, chung lòng, thống nhất, đồng thuận, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đều một lòng vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân, tăng cường đoàn kết, dồn hết sức lực và tâm huyết vào sự nghiệp chung, cống hiến ngày càng nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ra sức học tập, quán triệt và triển khai thật tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, hoàn thành thắng lợi công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, xứng đáng với niềm tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhân dân ta./.

Chú thích:

(1), (2), (4) - Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, NXB. CTQG, HN.2000, t.7, tr.113;

(3) - Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. CTQG, HN 2011, t. 3, tr. 229-231;

(5) - Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. CTQG HN 2011, t.4, tr.3.

Nguyễn Văn Thanh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra