Bàn chuyện Tết gây mệt mỏi, tốn kém: Giữ Tết truyền thống hay ăn Tết hiện đại?

Thứ tư, 10/01/2018 15:02
Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới còn giữ tục lệ đón Tết theo lịch mặt trăng (âm lịch). Từ xa xưa, dân gian quen gọi là “ăn Tết” thay vì “chơi Tết”. Tết phải có mâm cao cỗ đầy cúng gia tiên, mời khách khứa, bạn bè. Tuy nhiên gần đây, câu hỏi “Tết có cần chuẩn bị hoàn hảo hay giản tiện để đỡ tốn kém, mệt mỏi?”… đã được nhiều người đặt ra, với những băn khoăn nên giữ Tết truyền thống.

Tết không cần hoàn hảo!

Mới đây bức ảnh chụp lại bài tập làm văn của một học sinh lứa 10X, với chủ đề: “Phát biểu cảm nghĩ của em về ngày Tết” đã trở thành tâm điểm tranh cãi trong dư luận.

Bài văn chỉ gói gọn trong một trang giấy, lời văn giản dị, nhưng khiến nhiều bà mẹ rơi nước mắt. Bởi đã nói đúng tâm lý, nỗi lòng của nhiều người phụ nữ khi xuân đến Tết về.

Trong bài văn, em học sinh kể về những ngày Tết thiếu vắng tiếng cười vui, chỉ vì mẹ quá bận rộn. Mẹ phải trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp, tất tả chuẩn bị mâm cao cỗ đầy, mà trở nên cáu kỉnh với chồng con.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Chiều Xuân cho rằng nhất thiết phải giữ Tết truyền thống vì đó là văn hóa. Ảnh: Vietnamnet. 

Hồi nhỏ, bé cũng rất thích Tết như những đưa trẻ khác, vì được mua quần áo mới, được nhận lì xì, nhưng càng ngày em càng ghét tết, với một lý do: “Tết làm mẹ quá mệt mỏi”. Tết làm mẹ lo lắng, xanh xao, lúc nào cũng cầm chổi dọn nhà hay xoong chảo, lăn vào bếp làm đồ ăn thết khách. Bài văn được kết thúc bằng lời nhắn nhủ: “Tết không cần hoàn hảo đâu mẹ ơi”.

Bài văn của một học sinh đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người và tạo nên nhiều tranh cãi về việc: Nên ăn Tết theo cách hiện đại - là dịp để nghỉ ngơi, đi du lịch, hoặc đơn giản chỉ là quây quần bên nhau, hay ăn Tết truyền thống - tất bật chuẩn bị, làm mâm cao cỗ đầy.

Theo PGS-TS, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung - Tết ngày nay đang khiến nhiều người kiệt quệ cả thể xác và tinh thần

Ông Trung phân tích, với sự vận động của xã hội thì cái Tết cổ truyền đang có nhiều thay đổi theo cả hai chiều hướng. Chiều hướng thứ nhất là ở thành phố nhiều nơi lại đơn giản quá, không coi trọng, không đón Tết nữa mà thay vào đó nhiều gia đình đi du lịch. Trong khi đó, ở vùng quê vẫn còn nặng nề, thậm chí còn tồn tại hủ tục. Chẳng hạn như vì sĩ diện, nhiều gia đình dù không giàu có vẫn muốn có lễ to, lao vào mua sắm, bày vẽ gây tốn kém.

Cần giản tiện, tránh lãng phí

Đây là ý kiến của PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái. “Tết phải là sự sung sướng, trẻ thơ vui mừng nhận bao lì xì đỏ một cách đầy trong sáng, người lớn dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, mua sắm Tết với một tâm thế thoải mái nhẹ nhàng nhất có thể. Còn bây giờ Tết là gì? Nó đang dần trở thành chuỗi gánh nặng của mọi nhà với sự cầu kỳ, tiểu tiết trong công tác chuẩn bị. Và gánh nặng này mà bất cứ một đứa trẻ con nào có tư duy hiện đại lại trở nên xót xa đến mức không hiểu tại sao bố mẹ chúng mặt mũi bơ phờ, hớt hải giành giật mua từng món đồ chất đầy ngập ngụa tủ lạnh, mà đôi khi, sau tết lại không dùng đến và vứt vào sọt rác. Đây là một thói quen mang tính chất phong tục tập quán rất khó sửa của người Việt chúng ta” - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.

Nhắc lại quan điểm của GS Võ Tòng Xuân về việc nên ăn Tết cổ truyền theo lịch dương, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng chỉ nên đón một cái Tết trong năm.

“Để làm được điều này cần phải có thời gian mới dần dần thay đổi được tư duy của người dân Việt Nam. Có thể tôi có quan điểm hơi tân tiến khi ủng hộ gộp hai Tết làm một. Nếu chúng ta ăn hai cái Tết thì sẽ gây ra phiền nhiễu thế nào, nhất là Tết âm lịch. Và thẳng thắn nhìn rằng, sự phiền nhiễu đó sẽ cản trở sự phát triển của đất nước. Nghỉ Tết thay vì nghỉ kéo dài 1 tuần, 10 ngày thì chỉ nên nghỉ đúng 3 ngày trọn vẹn. Điều này vừa tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí, gây mệt mỏi, phiền hà cho nhiều người” - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nói thêm.

Bà cũng cho rằng, ngày Tết luôn cần giản tiện mọi thứ, để dành thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, đi du lịch hay dành những phút thư giãn cho riêng mình sau những ngày làm việc mệt mỏi suốt một năm.

Trái ngược với quan điểm trên, nghệ sĩ Chiều Xuân cho rằng nên giữ Tết truyền thống, không nên chỉ thông qua một bài văn “ghét tết” của học sinh mà đòi gộp Tết âm lịch với Tết dương lịch, hay ăn Tết theo cách hiện đại: “Chim có tổ người có tông. Từ bao lâu nay, Tết với tôi không còn gì hoàn hảo hơn ngoài hình ảnh mâm cỗ tất niên phải đầy đủ với bánh chưng, thịt gà trống thiến, dưa hành, nem rán, xôi gấc đỏ tươi. Con cháu phải cùng bố mẹ, ông bà mặc quần áo tươm tất vãn cảnh chùa trước khi thời khắc năm mới điểm. Bàn thờ ông bà phải có cặp bánh chưng đẹp đẽ, mâm ngũ quả đủ chuối, bưởi, đào, hồng, quýt rực rỡ, phòng khách phải có sắc đào may mắn...”.

Theo bà, có thể hiện nay nhiều người trẻ có quan niệm tân tiến, như Tết sẽ đi du lịch, để trải nghiệm, không cần phải đủ đầy những thứ như trên vì ngại chuẩn bị. Nhưng những thứ đó là hiện thân của truyền thống, văn hóa từ bao thời nay, không thể bỏ đi được.

Theo Mai Ka - Đặng Chung/Báo Lao động
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra