Từ điểm xuất phát của những chuyến tàu không số năm xưa…
Theo tư liệu tại Bảo tàng quân sự lịch sử Việt Nam: “Trước tình hình đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QĐ, thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân) để vận chuyển vũ khí trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển”.
Hình ảnh con tàu không số huyền thoại (ảnh tư liệu)
Ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ gắn máy không số đầu tiên mang tên “Phương Đông 1” chở vũ khí, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Văn Một và đồng chí Bông Văn Dĩa rời bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng). Ra bến tiễn thủy thủ đoàn có Phó Thủ tướng Phạm Hùng; Bí thư Trung ương Cục, Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Trung tướng Trần Văn Trà; Bộ trưởng Bộ Giao thông Phan Trọng Tuệ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp và Ban lãnh đạo Đoàn 759.
Ngày 16/10/1962, tàu “Phương Đông 1” đã cập bến cửa Vàm Lũng, Cà Mau an toàn. Tháng 4/1963, lực lượng công binh đã xây dựng cầu tàu K15- Cột mốc số 0 của đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau một tháng thi công, cầu tàu đã hoàn thành. Cầu tàu dài 30m, hình chữ T, kết cấu bê tông cốt thép, mố cầu đặt ở chân núi Nghinh Phong, mép cầu được đóng thêm hệ thống cọc xiên, mặt cầu lát bằng gỗ, cầu rộng và chịu được xe trọng tải trên 10 tấn.
Bến tàu không số huyền thoại k15, hiện còn lại những cột bê tông trường tồn khắc ghi những chiến công chói lọi. Ảnh: Kiên Giang
Từ năm 1961đến năm 1975, từ bến K15 tại Đồ Sơn (Hải Phòng), 168 lượt tàu Không số đã xuất phát, vận chuyển hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị và đưa hàng chục ngàn lượt cán bộ từ miền Bắc vào chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Các tàu đã cập bến tại Tân Ân (Cà Mau), Thanh Phong (Bến Tre), Vũng Rô (Phú Yên), Lộc An (Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu), Đức Phổ, Sa Kỳ, (Quảng Nam). Trong các chuyến đi, đoàn tàu rà phá hơn 4.000 quả thủy lôi; chống chọi với nhiều cơn bão; đánh trả hơn 30 lần tàu địch bao vây, hơn 1.200 lần máy bay địch tập kích; bắn rơi 5 chiếc máy bay và bắn cháy nhiều tàu thuyền của địch. Trong các trận chiến không cân sức ấy, không ít chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển sâu. Đoàn tàu Không số đã hai lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
…đến địa danh đẹp nao lòng du khách
Trốn cái nóng đầu mùa đang muốn thiêu cháy con người nơi thành thị, đoàn chúng tôi về biển Đồ Sơn khi nắng chiều sắp tắt. Theo chỉ dẫn của người dân nơi đây, bến tàu không số K15 huyền thoại năm xưa nay thuộc khu 3, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn. Nơi đây có phần tĩnh lặng hơn hai khu còn lại với hàng trăm khách sạn, resort và công trình du lịch.
Dọc theo bờ cát mịn màng uốn mình quanh những dãi núi và đồi thông xanh mướt, biển Đồ Sơn hiện ra như bức tranh thuỷ mặc. Gió chiều mát lạnh, âm thanh rì rào của những hàng thông bên ngọn đồi tít tắp, cùng tiếng sóng vỗ bờ như tạo nên một bản tình ca cho biển chiều quyễn rũ.
Du khách nô đùa bên bãi biển Đồ Sơn thơ mộng. Ảnh: Kiên Giang
Cậu bạn đi cùng đoàn chúng tôi còn ví Đồ Sơn như con Rồng đang trườn mình ra biển Đông với núi, đồi và biển đan xen. Thân rồng uốn lượn khi vào rừng, khi nhô ra biển càng làm tăng thêm sự hấp dẫn của vùng đất này.
Một điều thú vị hơn về vùng biển này mà cậu hướng dẫn viên tiết lộ cho chúng tôi biết, đó là nước biển ở đây tuy không trong xanh như những bãi biển khác do nằm giữa hai cửa sông nhưng lại có độ mặn vừa phải, nên khách du lịch có thể thoải mái tắm biển, dù cả buổi trưa cũng không sợ da bị cháy nắng.
Trở lại bến tàu không số huyền thoại K15, hiện còn lại những cột bê tông trường tồn khắc ghi những chiến công chói lọi, đánh dấu trang sử hào hùng của quân đội ta.
Ông Đỗ Văn Viết, Trưởng phòng văn hoá du lịch quận Đồ Sơn chia sẻ: Ngày 18/8/2008, Bến K15 được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia (theo Quyết định số: 63 /2007/QĐ-BVHTTDL). Những năm gần đây, di tích k15 và Tượng đài kỷ niệm đường Hồ Chí Minh trên biển đón hàng vạn lượt du khách thăm quan, không những mở hướng phát triển du lịch mà còn trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ trẻ hôm nay, nhớ về những chiến công chói lọi của quân và dân ta.
Theo đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ngày 28-2-2018, Thường trực Thành ủy Hải Phòng đồng ý giao nhiệm vụ cho Uỷ ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử Bến K15 - Đồ Sơn với diện tích trên 4,5 ha, bao gồm: bảo tồn chứng tích về Đoàn tàu không số, xây dựng mới quảng trường lớn, xây dựng đền thờ liệt sĩ, nhà trưng bày, công viên cây xanh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư dự kiến là 150 tỷ đồng, sử dụng hoàn toàn bằng ngân sách thành phố, dự định sẽ được hoàn thành vào năm 2020. Khi đó, địa danh K15 - Đồ Sơn sẽ thực sự là một khu di tích lịch sử văn hóa tầm cỡ, công trình kiến trúc đặc biệt, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh hùng trên các con tàu không số.
Hoàng Nguyên