Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đề nghị làm rõ sai phạm trong tu bổ di tích ở Bắc Ninh

Thứ tư, 22/12/2021 20:09
Ngày 22/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc tu bổ, tôn tạo di tích đình Đại Lâm, tỉnh Bắc Ninh.

Nội dung công văn nêu rõ: Từ ngày 2/11/2021, Bộ VHTT&DL và cơ quan chức năng (Cục Di sản văn hóa) đã có 2 công văn đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh phối hợp cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra việc tu bổ, tôn tạo Di tích đình Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đề xuất phương án xử lý, báo cáo UBND tỉnh Bắc Ninh và Bộ VHTT&DL. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ VHTT&DL chưa nhận được ý kiến của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc này.

leftcenterrightdel
Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia Chùa Thiên Phúc bị tháo dỡ trơ trọi.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, công trình Di tích đình Đại Lâm đang được tu bổ khi chưa có ý kiến chấp thuận của cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với Hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, phục hồi di tích đình Đại Lâm. Đồng thời, ngày 16/12/2021, Báo Điện tử VOV có bài “Bắc Ninh: Hai di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng” đề cập việc “người dân thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh rất bức xúc việc chính quyền địa phương tự ý tháo dỡ, phá bỏ Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Thiên Tự và đình Đại Lâm, khiến hai di tích này bị xâm hại nghiêm trọng”. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý vụ việc, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tránh gây bức xúc trong nhân dân và cộng đồng xã hội.

Trước đó, như VOV.VN đã đưa tin, theo người dân thôn Đại Lâm, cả hai di tích Đình làng Đại Lâm và chùa Thiên Phúc nằm trong quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật “Đình, Đền, Nghè, Chùa Đại Lâm” thuộc xã Tam Đa, huyện Yên Phong. Cụm di tích này được Bộ Văn hóa xếp hạng tại Quyết định số 100-VH/QĐ ngày 21/01/1989. Trải qua thời gian, một số hạng mục bị xuống cấp, tuy nhiên việc chính quyền địa phương tự tháo dỡ, phá bỏ, sửa chữa đình làng Đại Lâm và chùa Thiên Phúc mà chưa được cho phép trùng tu, tôn tạo, chưa tổ chức họp, bàn với nhân dân địa phương khiến công trình bị xâm hại nghiêm trọng, người dân vô cùng bức xúc.

Sau khi xảy ra việc chính quyền địa phương thôn Đại Lâm và xã Tam Đa, huyện Yên Phong tự ý phá bỏ, tháo dỡ hai di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình làng Đại Lâm và Chùa Thiên Phúc, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh giao công an tỉnh vào cuộc điều tra, xử lý.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, việc phá dỡ chùa Thiên Phúc là vi phạm rất nghiêm trọng Luật Di sản, xâm hại nghiêm trọng đến công trình di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra, quy kết trách nhiệm công tác quản lý di tích ở địa phương. Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh cho rằng, một công trình như thế mà không có hồ sơ, giấy phép gì rồi tùy tiện hạ giải toàn bộ. Không có một cơ quan chuyên môn hay cơ quan chức năng của nhà nước tham gia, có ý kiến để bảo tồn, tu tạo.

leftcenterrightdel
Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Đại Lâm bị tháo dỡ hoang tàn.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) cho biết, vụ việc nêu trên đang được các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh xem xét, làm rõ.

Theo ông Thành, một số sai phạm trong việc tu bổ di tích thời gian gần đây là do không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa. “Các cơ quan chức năng quản lý trực tiếp di tích ở địa phương chưa thực hiện trách nhiệm. Việc quản lý nguồn vốn xã hội hóa còn thiếu chặt chẽ nên nhiều khi việc tu bổ dẫn đến làm sai lệch yếu tố gốc di tích. Chính vì thế, cần phải xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra những vụ việc vi phạm như thế này”, ông Thành nói.

Trước sự bào mòn của thời gian, việc trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử là việc làm cấp thiết. Song, còn có địa phương, việc trùng tu di tích, vì nhiều lý do đã không được thực hiện đúng theo các quy định hiện hành dẫn đến tình trạng phá vỡ kiến trúc gốc, làm mất giá trị di tích.

Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Thông tư quy định rõ tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng chỉ, giấy chứng nhận hành nghề. Theo ông Thành, tính sơ bộ đến thời điểm hiện tại, trên cả nước có khoảng hơn 1.200 kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, gần 360 công ty được cấp chứng chỉ, chứng nhận hành nghề trong lĩnh vực tu bổ di tích. Về đội ngũ như vậy thì phía Cục Di sản văn hóa thấy nếu thực hiện đúng các quy định của pháp luật thì đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trùng tu, tôn tạo di tích.

“Tuy nhiên, nếu cố tình không thực hiện các quy định của pháp luật thì rất khó. Người làm công tác trùng tu phải có sự hiểu biết nhiều về di tích, di sản văn hóa. Cộng đồng địa phương phải giám sát chéo trong việc tu bổ, tôn tạo di tích. Đây là lực lượng quan trọng để kịp thời có những biện pháp ngăn chặn, tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa rồi. Các cơ quan cấp trên cần quan tâm, bám sát công tác quản lý di tích mới hy vọng rằng các vụ việc như thế này sẽ giảm dần”, ông Thành nói./.

Theo Hà Phương/VOV.VN

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra