Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tổng kết, đánh giá 20 năm thi hành pháp luật Phòng, chống mại dâm

Thứ tư, 27/12/2023 12:09
(ThanhtraVietNam) - Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm được ban hành ngày 17/3/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2003. Sau 20 năm triển khai thực hiện đã có những hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn.

Nhiều kết quả tích cực

Công tác phòng, chống mại dâm đã trở thành một nhiệm vụ chính trị quan trọng được đưa vào Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng và được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình, triển khai thực hiện một cách quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở, từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, tạo được sự chuyển biến, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và của từng người dân trên địa bàn dân cư, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Căn cứ nhiệm vụ được giao, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Thanh tra Bộ) đã xây dựng và triển khai kiểm tra thực tế tại một số địa phương; ban hành văn bản chỉ đạo Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (sau đây gọi chung là Thanh tra Sở) trên toàn quốc tăng cường công tác kiểm tra đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm thuộc quản lý nhà nước của ngành.

Theo số liệu thống kê báo cáo rà soát của các địa phương, hiện cả nước có 15.077 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke; 41 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vũ trường. Từ năm 2019 đến nay, các lực lượng chức năng đã tổ chức, kiểm tra 11.948 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, 66 lượt doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vũ trường.

Thời gian qua, Thanh tra Bộ đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống mại dâm đối với trên 30 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (sau đây gọi chung là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, năm 2021 cơ quan công an xử lý hình sự 01 cơ sở kinh doanh karaoke có liên quan hoạt động mại dâm; Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, năm 2023, cơ quan công an đã xử phạt vi phạm hành chính 02 cơ sở kinh doanh karaoke có hoạt động mại dâm, khởi tố 01 đối tượng về hành vi tổ chức môi giới mại dâm, phạt hành chính 01 đối tượng về hành vi mua dâm, xử phạt 01 cơ sở về hành vi người đứng đầu theo đại diện của pháp luật để xảy ra hoạt động mua dâm với mức phạt 35.000.000 đồng; Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La có 01 vụ, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đang thụ lý và điều tra vụ án liên quan đến môi giới mại dâm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa - Internet

Những bất cập, khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm tuy đồng bộ, song một số quy định tại Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, Nghị định số 178/2004/NĐ-CP; Thông tư số 05/2006/TT-BLĐTBXH đã không còn phù hợp với thực tế, quy định về văn bản quy phạm pháp luật và tên các Bộ, ngành đã thay đổi, có Bộ không còn (Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã được thay thế bằng Luật Xử lý vi phạm hành chính; Bộ Văn hoá - Thông tin đã được chia tách, sáp nhập và thành lập là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin - Truyền thông; Bộ Thương mại đã sáp nhập vào Bộ Công thương),... do đó trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Chế tài xử phạt vi phạm hành chính còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe, phòng ngừa.

Việc thành lập Đội Kiểm tra liên ngành 178 chỉ dừng ở cấp tỉnh và cấp huyện. Chưa thực hiện ở cấp xã do đó việc kiểm tra, phát hiện , xử lý chưa được kịp thời. Phương thức hoạt động mại dâm, đối tượng hoạt động mại dâm, môi giới, tổ chức mại dâm đã thay đổi bằng nhiều hình thức, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ, mạng xã hội do đó việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động mại dâm diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều hình thức biến tướng, trá hình tinh vi. Một số loại hình kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm mới phát sinh trong xã hội chưa được điều chỉnh như: bar, pub, beer club,…

Một số giải pháp cần triển khai

Hoàn thiện quy định của pháp luật: các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và sớm sửa đổi Pháp luật phòng, chống mại dâm, Nghị định số 178/2004/NĐ-CP, Thông tư số 05/2006/TT-BLĐTBXH để đảm bảo phù hợp với thực tiễn trên cơ sở Hiến pháp và các văn bản quy phạm khác như: Luật Phòng chống HIV/AIDS, Luật Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống mại dâm; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm cũng như tác hại của hoạt động mại dâm tới các tầng lớp nhân dân; Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống mại dâm.

Việt Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra