Cánh cửa khác mở ra...

Thứ năm, 18/02/2021 14:32
Thêm một cái Tết đặc biệt, Tết thời COVID-19 và vòng quay cuộc sống vẫn tiếp tục, phải sống tốt. Cùng nhau tích cực, “tự đốt đuốc mà đi” và tự mở cho mình những cánh cửa mới...

leftcenterrightdel
 Ông đồ Nam Phương Vũ Ngọc Kỳ đã hơn 20 năm viết thư pháp trên phố Văn Miếu mùng 3 Tết. Ảnh: V.V
“Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”

Các địa điểm quen thuộc ở Hà Nội trước thời điểm 0h ngày 16.2, vẫn luôn hấp dẫn bà con. Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đông kín với từng đoàn người nối tiếp vào thăm thú, vui chơi. Công tác phòng dịch COVID được thực hiện bài bản, khách được đo thân nhiệt trước khi vào, buộc phải đeo khẩu trang và nước sát khuẩn cũng bày ở nhiều điểm trong khuôn viên...

Nét mới của Văn Miếu trong dịp Tết Tân Sửu là triển lãm “Cung đình đón Tết” với nhiều hình ảnh đen trắng và thông tin mang giá trị tư liệu lịch sử thể hiện không khí trang trọng, mang đậm nét văn hóa truyền thống của Tết xưa trong hoàng cung triều Nguyễn. Từ lễ Thượng tiêu (dựng cây nêu) để đón năm mới sắp sang, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân chúng bình an do triều đình tổ chức, đến việc các vua triều Nguyễn đề cao chữ Hiếu nên ngày đầu năm mới, Vua đích thân đến cung Hoàng mẫu làm lễ chúc mừng… Ngoài ra, một phòng trưng bày hiện vật khá thú vị là “Trải nghiệm cùng di sản” với nhiều hoạt động bổ ích, tìm hiểu về Khuê Văn Các, về các trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa… về 82 tấm bia tiến sĩ ở đây được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Khu vực hồ Văn chủ yếu là không gian dành cho các ông đồ viết chữ và khu ẩm thực, cùng một số tiểu cảnh, với các vật dụng dân gian truyền thống cho khách chụp ảnh. Các ông đồ năm nay đều đeo khẩu trang cẩn thận, có gian viết chữ còn để cả kính chắn giọt để đảm bảo an toàn cho mọi người.

Ngoài kia, trên vỉa hè con phố Văn Miếu, có ông lão U.70 mang tên Nam Phương Vũ Ngọc Kỳ đã hơn 20 năm viết thư pháp, gợi nhớ hình ảnh “Ông đồ” trong bài thơ nổi tiếng của Vũ Đình Liên năm nào “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực Tàu, giấy đỏ/Bên phố đông người qua”. Đôi vợ chồng trẻ xin chữ cho con nhỏ với 2 chữ “Bình an” thật hợp với thời COVID…

Dạo quanh các chùa Trấn Quốc, Quán Sứ, Bà Đá mấy ngày Tết thấy rất đông bà con đi lễ, phải chăng trong thời dịch bệnh bất an này, con người dễ tìm về tôn giáo để nương tựa, dù Đức Phật đã dạy “Mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi” cũng như kim chỉ nam Ngài đã chỉ ra cho mỗi người là Giới - Định - Tuệ. Việc đeo khẩu trang ngay cả khi hành lễ cũng là một nét mới. Chị Hạnh - một Phật tử nhà ở quận Hoàn Kiếm - bảo: “Trước đây tôi không thể quen với việc đeo khẩu trang khi lễ, thậm chí còn quen nói to, rõ thành tiếng vì sợ các Ngài không nghe thấu. Giờ đây tôi được biết “Tâm xuất Phật biết” nên việc đeo khẩu trang khi lễ cũng không sao”…

Nhiều điều cũ mất đi, những cái mới xuất hiện

Khi các quán càphê, quán ăn, di tích, đền chùa... phải tạm dừng hoạt động thì nhịp sống online lại trở thành chủ đạo.

TPHCM có vẻ thích nghi với nhịp sống online nhanh hơn. Như chuyện đến thắp hương đền, chùa đầu năm như là nhu cầu không thể thiếu với người dân, Phật tử ở Hà Nội thì ở TPHCM, nhiều người chỉ cần gửi tên họ thân nhân qua email của nhà chùa, gửi tiền cúng dường nhang đèn qua tài khoản của chùa để nhà sư sẽ làm lễ cầu an, cầu siêu, cúng sao giải hạn...

Thời buổi bất an thì nhu cầu quay về tìm hiểu bản thân, giải quyết sự phiền não trong tâm càng trở nên quan trọng. Ngay như Google còn khuyên nhân viên đi học thiền để học sự tập trung, để giảm căng thẳng, tìm thấy ý nghĩa, niềm vui trong công việc… Ở ta, các khóa học, các bài giảng của nhiều học giả và các bài Pháp thoại trên YouTube của các nhà sư Thích Tâm Nghiêm, Thích Minh Niệm… được nhiều bạn trẻ đón nhận nhiệt tình, có clip cả triệu view.

COVID-19 làm đảo lộn tất cả cuộc sống của mọi người. Nhiều thứ cũ bị mất đi nhưng nhiều điều mới xuất hiện. COVID-19 cũng định lại giá trị và vị trí của mỗi người...

Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác lại mở ra. Vấn đề là bạn có nhìn thấy cánh cửa mở ra cho một cơ hội mới không. Nhớ lại lời khuyên của người đánh cá với Khuất Nguyên (một nhà thơ Trung Quốc thời Chiến Quốc) khi xưa, “nước đục thì rửa chân, nước trong thì rửa mặt” hàm ý nói về sự linh hoạt, thích nghi của con người với mọi hoàn cảnh...



Theo Lao động

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra