"Câu chuyện từ trái tim" - Xã hội và ngành Y dưới lăng kính của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu

Thứ ba, 29/06/2021 09:56
"Câu chuyện từ trái tim" là một tập ghi chép giàu tính thời sự nhưng thấu đáo và chân thành, chứa đựng những câu chuyện về bác sĩ cùng những bài phân tích về y tế, giáo dục, môi trường và nhiều vấn đề xã hội dưới lăng kính của một bác sĩ tim mạch đầu ngành kiêm đại biểu Quốc hội.
Bệnh viện vẫn luôn là nơi chứng kiến sinh, lão, bệnh, tử của con người, nơi hiển hiện cả những điều tử tế nhất, đau đớn nhất, chân thực nhất. Chính vì vậy, các bác sĩ cũng là những người luôn đối diện với sự thật. Từ trước đến nay, có không ít những cuốn sách do các bác sĩ viết, hoặc viết về bác sĩ, gây xúc động sâu sắc cho độc giả.
leftcenterrightdel
 PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu ra mắt cuốn sách "Câu chuyện từ trái tim". 

Mới đây, độc giả lại tiếp tục được hiểu thêm về những câu chuyện xúc động về ngành y qua cuốn sách "Câu chuyện từ trái tim" của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, do GS. Ngô Bảo Châu - người bạn thân của bác sĩ - viết lời giới thiệu.

"Câu chuyện từ trái tim" là một tập ghi chép giàu tính thời sự nhưng thấu đáo và chân thành, chứa đựng những câu chuyện về bác sĩ cùng những bài phân tích về y tế, giáo dục, môi trường và nhiều vấn đề xã hội dưới lăng kính của một bác sĩ tim mạch đầu ngành kiêm đại biểu Quốc hội. 

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu là một bác sĩ có nhiều cống hiến cho nền y học nước nhà, đồng thời là chuyên gia đầu tiên về can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ em tại Việt Nam. Anh hiện là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đồng thời cũng là Phó trưởng bộ môn Tim mạch, trường Đại học Y Hà Nội. Với việc phát triển hệ thống khám chữa bệnh từ xa, anh đã đưa bệnh viện trở thành một trong những cơ sở y tế tiên phong trong phát triển Telehealth ở Việt Nam. 

 

leftcenterrightdel
 PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

"Có rất nhiều người đã hỏi tôi về những được và mất khi trở thành bác sĩ. Tôi trả lời rằng: sự được - mất biến đổi rất nhiều theo thời gian.

Những năm chập chững bước vào nghề, những cái mất đã làm tôi suýt bỏ sang làm trình dược viên. Với một bác sĩ trẻ mới ra trường, áp lực công việc khủng khiếp và đồng lương còm cõi so với bạn đồng lứa sẽ làm nản lòng bất cứ ai. Rồi khó khăn nhất trong giai đoạn này là quan hệ với đồng nghiệp và bệnh nhân - những bài học xương máu không một trường lớp nào dạy dỗ. “Ma cũ bắt nạt ma mới”, “chủ nghĩa kinh nghiệm” luôn là một phần của nghề. Những cái xấu trong xã hội sẽ va vào bạn ở mọi góc cạnh, làm bạn nghiêng ngả. Tôi mất nhiều và không bỏ nghề bác sĩ chỉ vì tiếc gần mười năm đèn sách và “sợ bố mẹ buồn”.

Sau hơn hai mươi năm hành nghề với bao thăng trầm, bạn sẽ không còn phân biệt cái được hay mất khi làm bác sĩ nữa. Những niềm vui nho nhỏ khi thành công một ca mổ khó hay chẩn đoán được một bệnh thật hiếm cũng chỉ còn là món gia vị ngon trong cuộc sống bộn bề. Nhưng, những nỗi buồn lại ngày càng hiện hữu. Chúng ta sẽ ít lo hơn về cơm áo gạo tiền, vậy mà những chuyện tưởng chừng rất nhỏ lại làm trái tim già nua rung động. Nghe tin đồng nghiệp bị đánh hay bác sĩ “nhập kho”, ta cũng có thể mất ngủ suốt cả tuần. Sai sót nếu có, dù rất nhỏ cũng không thể được chấp nhận. Bạn chính thức trở thành một ông già khó tính, tóc bạc trắng hai mai".

Những tư duy như “bác sĩ là những vị cứu nhân độ thế”, “ngành y là một ngành cao quý, phải cứu người”, phải nhân văn… có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. Nhưng những bài viết trong phần đầu của cuốn sách đã bày ra thực tế: bác sĩ cũng chỉ là một con người bình thường, có lúc vui, lúc buồn, lúc nóng giận, có lúc mắc sai lầm, ấu trĩ, cũng có những lúc không thể hoàn thành công việc, có lúc vì công việc cuốn đi mà bỏ bê chính sức khỏe của mình. Mỹ từ “cứu người” cao cả có lẽ không nên dành cho các nhân viên y tế, mà nó là dành cho tất cả mọi người - những người có trái tim nhân hậu, sẵn sàng dang tay cứu giúp những ai đang gặp khó khăn, gặp tình huống nguy hiểm đến tính mạng con người. Đối với các y bác sĩ, từ “chữa bệnh” chắc chắn sẽ nhẹ nhàng và chính xác hơn từ “cứu người”. 

Tác giả không giấu nổi sự xót xa khi nhắc đến những nỗi buồn của ngành y như nạn bạo hành nhân viên y tế, tình trạng đào tạo sinh viên Y tràn lan, đồng thời anh cũng thẳng thắn phê phán thực trạng “dễ dãi và đắt tiền”, lạm dụng chỉ định… của nền y tế nước nhà. Triết lý giáo dục “Không nói dối” của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đề xuất trong giai đoạn bản lề hiện nay được anh rút ra từ thực tiễn công tác là một giảng viên của Đại học Y Hà Nội và cũng là trải nghiệm của anh trong cuộc sống, công việc.

Một vị bác sĩ tim mạch hàng đầu vốn chỉ muốn tập trung vào chuyên môn, thậm chí không phải là Đảng viên, lại đột ngột quyết định dấn thân sang chốn nghị trường. Điều gì đã khiến bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu thay đổi ở độ tuổi bốn mươi lăm?

Cơ duyên ấy đến từ một cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Y tế Myanmar. Vị bộ trưởng đã bày tỏ sự thán phục trước những gì nền y tế Việt Nam đã làm được cho trẻ em: Nhà nước cấp bảo hiểm miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, tay nghề của nhân viên y tế liên tục được trau dồi… và chia sẻ với anh rằng: Chữa được một ca bệnh đã khó, thay đổi được tư duy làm chính sách để giúp cho hàng triệu trẻ em là điều đáng quý vô ngần. Myanmar của ông chưa làm được như Việt Nam bởi ở nước họ nhiều năm liền không có nhà chuyên môn y khoa nào lên tiếng trong Quốc hội. Những lời tâm sự chân tình này đã khiến bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu quyết định dành quỹ thời gian ít ỏi của mình cho một hoạt động hoàn toàn mới - làm đại biểu Quốc hội - để có thể đóng góp và giúp được nhiều trẻ em hơn. 

Xen kẽ những bài phân tích thẳng thắn và sắc sảo về các vấn đề xã hội, người đọc vẫn bắt gặp rất nhiều thông điệp sống tử tế, quan tâm, yêu thương con người với một trái tim chân thành. Bởi những gì xuất phát từ trái tim, sẽ chạm đến được trái tim./.

Theo VOV.VN/Ảnh: CafeF

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra