“Cây đại thụ” của làn điệu quan họ Bắc Ninh và những trăn trở gìn giữ, lan tỏa

Thứ sáu, 21/05/2021 17:05
(ThanhtraVietNam) - “Vốn xưa quan họ Bắc Ninh/ Muốn tìm tích cũ về làng Diềm thôn/ Thủy tổ quan họ làng ta/ Những lời ca xứ vua Bà sinh ra/ Xưa nay nam nữ trẻ già/ Ai mà ca được ắt là hiển vinh”.

Cụ Nguyễn Thị Bàn - nghệ nhân ưu tú loại hình quan họ Bắc Ninh ngân nga làn điệu xưa làm tôi như được xua tan mệt mỏi vì chặng đường xa. Sau khi mời khách miếng trầu cùng chén trà ấm nóng thân tình, cụ hát vài làn quan họ cổ và có những chia sẻ chân tình về thăng trầm cuộc đời và trăn trở với sự gìn giữ, phát huy làn điệu xưa.

Tài năng chớm nở

Cụ Bàn tâm sự: "Cả họ nội, ngoại nhà cụ nhiều đời nay chơi quan họ có tiếng ở làng. Cả ông bà nội, ngoại, bố mẹ cụ đều chơi, các dì, cậu, mợ bên nhà mẹ cụ cũng chơi". Cụ Bàn chia sẻ, nhà bà ngoại cụ xưa nghèo lắm, nhà tranh vách đất, nền và sân cũng bằng đất nện. Nhưng bà ngoại cụ có giọng hát nức tiếng trong vùng, tối nào cũng có các liền chị tìm tới học. "Ngày 9 tuổi, cụ ở nhà bà, nghe bà dạy các chị hát, cụ chăm chú, thích lắm nhưng chỉ dám đứng ở ngoài học lỏm, nhẩm theo, nhưng lại thuộc làu làu. Lúc bà dạy các chị hát mãi không ai thuộc, cụ buột miệng hát. Bà ngạc nhiên lắm, lấy luôn cụ làm gương cho các chị. Thế là mấy chị trách: "Con ranh này thông minh vừa thôi không chúng tôi bị cụ mắng" – cụ Bàn tủm tỉm nhớ lại câu chuyện ngày xưa rồi kể tiếp: "Nghe vậy, cụ tự ái chỉ nằm trong nhà đánh võng. Các chị thấy thế cứ vào dỗ cụ ra ngồi học cùng, phải nói tới mấy hôm cụ mới ra ngồi cùng các chị. Đến năm 11 tuổi, cụ hát thạo như các chị rồi". Cho tới khi "15 tuổi, cụ lập một bọn quan họ gồm 8 người. Có mấy người hơn tuổi nhưng vì cụ biết hát được nhiều làn điệu nhất nên được tôn làm chị cả." - nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn hồi tưởng.

Làng Diềm xưa có tất cả 12 bọn quan họ, mỗi bọn có trên dưới 10 người. Mỗi bọn lại kết bạn với một bọn ở nơi khác. Nhà bà ngoại của nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn là điểm đến của bọn quan họ Bịu ở mãi tận Lim (nay là thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). "Mà quan họ thì cái gì cũng khẽ. Đi phải khẽ, nói phải khẽ, mà ăn cũng phải khẽ", nói rồi cụ Bàn bồi hồi: "Thời bọn quan họ Bịu đến nhà bà ngoại cụ, hát thâu đêm suốt ngày, trong bụng thì đói mờ mắt, đợi mãi mới đến giờ ăn. Người quan họ dù có nghèo đến đâu thì đãi bạn bao giờ cũng là mâm cao cỗ đầy. Khi mâm cỗ to được dọn ra, nhưng người quan họ ăn rất khẽ, mỗi người chỉ ăn một chút. Ngày ấy cụ mới 11 tuổi, vẫn trẻ con lắm, đói quá, cụ chạy ra sau ăn thêm" – cụ Bàn cười vui vẻ. Cụ bảo: Tình nghĩa kết bạn trong quan họ thật sâu đậm. Ở cách xa nhau hơn chục cây số, mà làng Diềm lại là vùng đồng chiêm trũng, mùa thu có khi nước ngập tới ngang bụng nhưng cứ vào hội đền Vua Bà (ngày 6/2 và ngày 6/8 âm lịch), làng làm lễ vào đám là bọn quan họ liền anh bên Bịu lại lên từ chiều mùng 5 đến hết hội chiều mùng 7 mới về. Quan họ gặp nhau là hát, hát cho tới khi giã bạn mới thôi. Một canh hát quan họ ở Diềm có khi chỉ 1 tiếng, có thể nhiều tiếng, có thể thâu đêm nhưng cũng có khi tới 3 ngày, từ khi bọn quan họ nam đến tới khi ra về. Dù canh hát dài hay ngắn thì luôn phải đủ 3 chặng: Lề lối, giọng vặt và giã bạn, trong đó giọng lề lối phải đủ 5 câu ra và 5 câu đối (khác lời, cùng một giọng).

Những năm kháng chiến chống Pháp, nghề chơi quan họ đã ít nhiều mai một nhưng vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng mỗi liền anh, liền chị làng Diềm. Cụ Bàn dạo đó tham gia đội du kích của xã. Đội gồm 3 nữ giới có nhiệm vụ cắt dây, đào mìn, ban ngày đi dân vận để ban đêm tới gửi các chiến sĩ cách mạng tại nhà dân. Cụ nhớ lại: "Đường chính không ai dám đi vì sợ bị phát hiện, đội cụ toàn phải lội đường đồng trũng, có khi cỏ môi, đỉa cắn sứt cả chân. Nhưng chả ai mệt, hôm nào rảnh, không phải đi làm nhiệm vụ thì lại hát". Lòng say mê quan họ của nghệ nhân Bàn nói riêng, người dân làng Diềm nói chung đã giúp cho những làn điệu quan họ của làng vẫn có sức lan tỏa ngay cả trong thời kỳ kháng chiến gian khổ. 

leftcenterrightdel
Tuy tuổi đã cao, nhưng nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bàn vẫn giữ được dáng vẻ nhanh nhẹn, vui vẻ, tinh anh. Ảnh: Khánh Linh

Trăn trở gìn giữ, bảo tồn và phát triển làn điệu quan họ

Tới năm 1990, chính quyền tổ chức tập hợp cả mười mấy bọn để thành một đội quan họ. Khi ấy cụ Bàn được bầu làm phó chủ nhiệm. Từ đó tới nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn vẫn miệt mài truyền dạy cho các thế hệ quan họ trẻ của làng. Hàng năm, Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh vẫn gửi học sinh lớp quan họ vào các lớp bồi dưỡng của làng để cụ dạy những làn điệu cổ và tình yêu với quan họ cho các em.

Dù tuổi cao nhưng cụ Bàn vẫn giữ được chất giọng vang, rền, nền, nảy, cùng vốn liếng hơn 300 bài quan họ cổ. Cụ đã hăng say truyền dạy cho hàng trăm người yêu quan họ nhiều thế hệ. Với tâm nguyện còn sức còn cống hiến, cụ Bàn đang phụ trách truyền dạy 3 nhóm quan họ trong làng, là khách mời dạy quan họ trong trường học. Cụ Bàn cho biết: Không chỉ những người trong làng mà điều đáng mừng có rất nhiều đoàn khách, đặc biệt là người trẻ đam mê quan họ. Do không thể đến nhà cụ thường xuyên, có người tập hát ở nhà cụ đến khi nào cụ khen hay thì thôi, có người mang điện thoại, máy ghi âm, ghi lại những câu hát của cụ về nhà tập theo.

leftcenterrightdel
Một góc nhỏ trưng bày bằng khen, ảnh chân dung tại phòng khách nhà cụ Bàn. Ảnh: Khánh Linh 
leftcenterrightdel
 Cụ giữ gìn ấn phẩm báo Tết có ảnh chụp mình làm ảnh bìa. Ảnh: Khánh Linh

Tuy nhiên, điều mà cụ trăn trở nhất vẫn là giới trẻ ngày nay chưa có nhiều đam mê, ý thức trong giữ gìn, phát huy quan họ, đặc biệt là những bài quan họ cổ rất khó học, nên những bài này đang dần bị lãng quên. Mong muốn lớn nhất của cụ là các cơ quan chức năng có kế hoạch bảo tồn những bài quan họ cổ như sưu tầm tài liệu giấy, hình, mang quan họ cổ vào trong trường học, có các trung tâm bồi dưỡng và các khóa học cho thanh thiếu niên nhiều hơn từ đó có kế hoạch truyền dạy cho con cháu nét văn hóa tiêu biểu của người dân Bắc Ninh – Kinh Bắc, những tinh hoa văn hóa dân tộc.

Nhấp chén trà, cụ trầm ngâm: “Nhiều lúc nghĩ, giả dụ không may cụ mất đi, cũng tiếc, làng mất một nghệ nhân, cụ làm giám khảo mấy hội thi quan họ nữa, thi thoảng có lớp bồi dưỡng quan họ, cụ đi dạy vài hôm, cụ còn thuộc nhiều bài quan họ cổ, cụ còn nghĩ ra nhiều bài cho các cháu học lắm. Thi thoảng, mấy liền anh, liền chị trẻ đến nhà, có bao nhiêu vốn liếng quan họ, cụ truyền dạy hết. Nhưng mà thanh niên bây giờ không học hỏi, giữ gìn, say mê như thời trước đâu. Năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều lễ hội bị ngừng, nhiều khi nghĩ cũng buồn cháu ạ”.

Chứng kiến tất thảy quá trình mai một và vươn lên mạnh mẽ của làn điệu quê hương, giờ đây, tuy đã ở tuổi 88, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bàn đang từng ngày, từng giờ cống hiến hết mình cho nền quan họ của quê hương với nhiều vai trò khác nhau. Hi vọng rằng làng Diềm và tỉnh Bắc Ninh sẽ có nhiều liền anh, liền chị trẻ có thể kế thừa và phát triển di sản quý giá này./.

Khánh Linh




Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra