Tạo sự thống nhất trong triển khai thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới
Nghị quyết 47/NQ-CP của Chính phủ mới được ban hành, trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ trong tình hình mới, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo nêu tại Kết luận số 57-KL/TW; là căn cứ để 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Tạo sự thống nhất trong triển khai công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới, nhận thức rõ về vai trò, vị trí của công tác thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; gắn việc triển khai công tác thông tin đối ngoại với các mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ phát triển đất nước đã đề ra tại Nghị quyết XIII của Đảng, trong đó, chú trọng các mục tiêu và giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu tới năm 2025, năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Việc triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.
Nhiệm vụ và giải pháp về công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới cần hướng tới cách làm mới, sáng tạo. Coi không gian mạng như một không gian mới để làm thông tin đối ngoại, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại, tạo hiệu quả đột phá.
Nghị quyết của Chính phủ cũng xác định điểm mới đáng chú ý: Công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn tới cần đo được kết quả rõ ràng hơn, thúc đẩy gia tăng thứ hạng quốc gia tại các bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới, phù hợp với lợi ích của Việt Nam nhằm củng cố, nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh Việt Nam trên thế giới.
Đồng thời, tăng cường tính chủ động, phối hợp trong công tác thông tin đối ngoại giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, phát huy vai trò chủ trì quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại; đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân trong hoạt động thông tin đối ngoại.
Nhà nước đảm bảo nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tăng cường năng lực cho đội ngũ/lực lượng chuyên trách, chủ lực thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại; huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại; đảm bảo các hoạt động thông tin đối ngoại được triển khai chủ động, đúng định hướng, hiệu quả thiết thực.
|
|
Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang, một trong những hình ảnh ấn tượng của du khách Quốc tế khi nhắc đến Việt Nam. Ảnh: tuyengiao.hagiang.gov.vn |
Chú trọng một số điểm mới về thông tin đối ngoại
Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần nghiên cứu, quán triệt nội dung của Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người dân, trong đó chú trọng một số điểm mới:
(i) Quan điểm của công tác thông tin đối ngoại “là một bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân”, trọng tâm là các cấp, các bộ, ngành, địa phương đều triển khai thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại.
(ii) Phương châm triển khai “Chủ động, kịp thời, đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả”, trong đó, chú trọng tính đồng bộ, nhất quán từ trung ương đến địa phương về cách làm, về phương tiện và nền tảng sử dụng trong công tác thông tin đối ngoại; tính hiệu quả để tạo sự đột phá;
(iii) Coi không gian mạng như một không gian mới để làm thông tin đối ngoại, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại. Đồng thời, lưu ý 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần hướng tới nhằm đạt mục tiêu chung nêu tại Kết luận số 57-KL/TW; bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Thông tin đối ngoại là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo đồng thuận và nguồn lực để phát triển đất nước
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phải xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và cách làm ở tất cả các cấp, các ngành, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ làm công tác thông tin đối ngoại. Xác định thông tin đối ngoại là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo đồng thuận và nguồn lực để phát triển đất nước, huy động các tầng lớp nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia công tác thông tin đối ngoại.
Tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, truyền cảm hứng về lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm của cán bộ, người dân, nhất là thế hệ trẻ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước.
Tiếp đó, chú trọng thông tin về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế, góp phần gia tăng “sức mạnh mềm”, nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia; lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế về thành tựu đạt được của công cuộc đổi mới; trách nhiệm của Việt Nam tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu như các vấn đề an ninh phi truyền thông, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu..., các tư tưởng cao đẹp của dân tộc Việt Nam, lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vai trò của Đảng, tính ưu việt của chế độ…, cần thống nhất nhận thức coi việc bảo vệ lãnh tụ, lãnh đạo đảng, nhà nước chính là bảo vệ hình ảnh, uy tín của đất nước".
Nhiều nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng khác cũng được đưa ra như: Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách về thông tin đối ngoại; đổi mới tư duy, nội dung, phương thức, cách làm thông tin đối ngoại. Trong đó, cách làm thông tin đối ngoại theo hướng đo được hiệu quả rõ ràng hơn, coi đây là cơ sở, là căn cứ để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các đề án, nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực thông tin đối ngoại.
Đi đôi với nhóm giải pháp, nhiệm vụ về tăng cường nguồn lực, khuyến khích, động viên các nguồn lực xã hội cho công tác thông tin đối ngoại, thì việc đẩy mạnh đấu tranh phản bác thông tin sai trái, tiêu cực ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia cũng không kém phần quan trọng.
Trong đó, nâng cao nhận thức của cán bộ làm thông tin đối ngoại trong việc nhận diện, đấu tranh, phản bác với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị; ngăn chặn thông tin xấu độc, xuyên tạc, kích động trái với quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Cần làm chủ không gian mạng; xây dựng và phát triển lực lượng phản ứng nhanh trên không gian mạng và truyền thông quốc tế để đấu tranh, bác bỏ các thông tin xấu độc, các thông tin sai trái, xuyên tạc, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh Việt Nam, qua đó, tạo nhận thức và cách nhìn đúng, khách quan về tình hình Việt Nam.
Kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”. Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính thống cho báo chí trong nước, báo chí nước ngoài và nền tảng số trong và ngoài nước, chú trọng các nội dung về dân tộc, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền nhằm góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh, phản bác các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh Việt Nam...