Dường như đã thành thông lệ, hằng năm cứ đến 29 tết, không khí nhà tôi lại tấp nập hẳn lên. Mẹ dậy thật sớm đi mua lá, mua thịt, vo gạo nếp, đãi đậu xanh… chuẩn bị đầy đủ vật dụng cho việc gói bánh tét, bà con hàng xóm cũng tất bật chạy đi, chạy lại gởi vật liệu cho mẹ để nhờ chú gói bánh dùng trong dịp xuân về.
|
Vào lúc ấy, anh em chúng tôi cứ quanh quẩn bên chú, để xem chú trổ tài và có sai vặt gì không. Chú vừa gói vừa chỉ cặn kẽ cho anh em chúng tôi: Lá làm bì phải thật tốt, chuồi một dây lạt ở giữa để sẵn, lá lót hai lớp bên trong, đặc biệt lớp lá trong cùng trải cho bề xanh lên trên để sau này bánh chín, thấm màu xanh lá lên bánh rất đẹp. Múc chén nếp đổ thành vồn trên lá, dùng tay chẻ dọc từ đầu A đến đầu B, cho thịt heo cùng đậu xanh đã xào chung với mỡ vào, đổ thêm nếp làm bao ngồi, lấy tay ém hai bên và hai đầu lại, thành một mối ém chặt, bó tròn. Dùng lạt để sẵn ở giữa buộc thín hai lần. Xong các cháu bẻ quặt lá đầu A, dựng đòn bánh dậy vỗ quanh cho nếp nén chặt, bốc thêm một nắm nếp nhỏ bỏ vào đầu B đòn bánh và gấp lá làm tư cho kín.
Chú kể thì dài dòng, nhưng nhìn bàn tay chú thoăn thoắt và gọn gàng qua từng công đoạn, sắp lá, bỏ gạo nếp, nhân thịt, đậu xanh, xếp lá, xoắn lạt. Chỉ thoáng cái là xong một chiếc bánh.
Khi cho bánh vào nồi, chú lấy lá chuối lót dưới đáy nồi, xếp bánh vào nồi thật khéo, không nén bánh chặt quá mà cũng không để bánh lỏng quá. Bánh sắp xong, chú lấy thùng nước sôi nấu sẵn dội vào thùng bánh, nước khoả lấp bánh mới bắt đầu đun lửa vừa phải và chú đậy nắp thật kỹ.
Thú vị nhất là thời điểm nấu và ngồi canh nồi bánh. Trong không khí se lạnh ngày cuối đông, được ngồi bên bếp lửa hồng, hương thơm toả ra từ nồi bánh tét, lòng cảm thấy nao nao, rạo rực những niềm vui khó tả! Anh em chúng tôi thường bỏ ngủ canh nồi bánh tét, tiếp chú châm thêm nước trong nồi khi nước khô.
Chú vừa bỏ củi vào cho bếp lửa cháy nói: Muốn cho bánh tét chín đều, tránh tình trạng bánh có chỗ không chín, còn nguyên gạo, lúc nào cũng phải canh đều lửa ở đáy nồi và phải nấu đủ lửa khoảng 12 tiếng bánh mới chín mềm, để được lâu. Muốn bánh xanh, lúc nước bắt đầu sôi phải bỏ vào một nắm muối hột.
Mỗi lần gói bánh, chú không quên gói cho mỗi đứa chúng tôi một cái bánh nhỏ, khi bánh chín vớt được… anh em tôi ưu tiên thưởng thức đầu tiên! Cho đến bây giờ cũng không thể nào quên được cảm giác êm đềm lúc đó: Tay lột lá, miệng thổi hùi hụi, cắn một miếng bánh vừa dẽo, vừa béo, vừa bùi của nếp, của đậu xanh, của thịt, mằn mặn của.
Theo Phúc Lộc
Lao động