Dân ca ví giặm, tình đất, tình người

Thứ năm, 21/01/2021 08:09
(ThanhtraVietNam) - Đầu xuân, đến xứ Nghệ nghe câu hát ví, giặm thấy bâng khuâng xao xuyến, bởi những giai điệu ngọt ngào, tình tứ nhưng cũng đầy nét phóng khoáng, cởi mở.

Ví, giặm (hay có cách gọi khác là ví dặm) từ lao động vất vả mà ra, mang hơi thở của cả một đời chiêm nghiệm. Chỉ là những ca từ vô cùng giản dị, nhưng lại khiến người nghe thấy rất đỗi thân thuộc. Người ta tự nghe câu ví, rồi tự ngẫm nghĩ ý nghĩa, điệu ví đó cứ tự nhiên thấm vào lòng, rồi yêu tự lúc nào không hay.

Câu ví, giặm gắn với không gian và môi trường lao động như: cày cấy, gặt hái, đắp đập đào mương, chăn trâu, cắt cỏ… Chẳng vậy mà câu ví, giặm nghe sao mà đơn sơ, mộc mạc thế. Âm nhạc dân gian xứ Nghệ mình quả lay động tâm hồn theo một cách kỳ lạ. Bản sắc xứ Nghệ như được hoà vào trong từng điệu ca tiếng hát, đem đến cho người nghe cảm xúc sâu lắng. Người xa lạ chưa từng đặt chân đến xứ Nghệ nghe câu ví, giặm, dù cách xa hàng trăm cây số, vùng quê xứ Nghệ thanh bình bỗng nhiên hiện ra ngay trước mắt. Giọng ca mềm mại cất lên đem theo bao hình ảnh về đồng lúa, về ngôi nhà quê, giọng ca ấy đâu phải của nghệ sĩ nào, đó là giọng của những con người bình dị. Họ là những người con xứ Nghệ đem câu ví, dặm của quê hương mình đến mọi miền đất của Tổ quốc, đem văn hoá của xứ Nghệ lan toả muôn nơi.

Ẩn chứa trong ví, giặm là tâm trạng buồn bã của những người con xứ Nghệ xa quê, vì cuộc sống mưu sinh nơi đất khách. Để đối mặt với nỗi cô đơn, họ đã mượn câu ví, giặm để bày tỏ lòng mình, vừa để vơi bớt nỗi nhớ, vừa để động viên tinh thần trước những thử thách cam go sắp tới.

Quả thật, để cảm nhận được hết thần thái, sự thăng hoa của điệu ví, giặm xứ Nghệ không phải là điều đơn giản. Nghe lần đầu thấy xao xuyến nhưng chưa thấm hết, nghe lần thứ hai, thứ ba thấy càng hay, càng ghiền, rồi yêu mến nó lúc nào không biết. Ví, giặm xứ Nghệ không phải là nghệ thuật được sáng tác ra một cách vội vã mà là kết tinh của công sức lao động nhiều năm trời ròng rã, rồi người dân mới ngộ ra được thứ tinh tuý trong cuộc sống để gửi vào câu ví, giặm.

Dân ca ví, giặm là không gian “mở” dành cho tất cả những ai yêu thích ca hát, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo. Dân ca ví, giặm gắn liền với đời sống và tập quán của cộng đồng người Nghệ Tĩnh, có sức sống mạnh mẽ, luôn được trao truyền, bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại. Đây là loại hình nghệ thuật có khả năng biểu đạt tư tưởng, tình cảm của người Nghệ Tĩnh, đồng thời phản ánh một cách chân thực mọi biến động của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, dân ca ví, giặm còn góp phần giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống như hiếu thảo với cha mẹ, lòng chung thủy vợ chồng, cách cư xử giữa con người với con người; kêu gọi chống áp bức, bất công trong xã hội...

Xứ Nghệ ngày nay tuy đã phát triển hơn trước, song vẫn có những vùng nông thôn và miền núi đời sống người dân còn nghèo. Nhưng người dân xứ Nghệ không vì những vất vả lo toan mà bỏ quên đi giá trị tinh thần. Họ vẫn say mê với lời ca tiếng hát. Ví, giặm đã nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người con xứ Nghệ, đất nghèo nhưng tâm hồn họ luôn tràn đầy sức sống, vẫn thăng hoa trong làn điệu ví, giặm quê hương. Ví, giặm không chỉ tượng hình một vùng đất Nghệ Tĩnh mà còn thể hiện tính cách con người xứ Nghệ hào hiệp, khoáng đạt, nặng nghĩa nặng tình. Những câu dân ca ấy thật dễ nghe, dễ nhớ, đến người miền khác cũng cảm được cái tình ấy để yêu quý người xứ Nghệ.

Xứ Nghệ thân yêu đang vươn mình phát triển mạnh mẽ hoà chung với sự phát triển của đất nước. Trong quá trình đó, nền văn hoá xứ Nghệ cũng hội nhập với cả nước và quốc tế. Hội nhập cũng tạo nên thế và lực mới cho nền văn hoá đậm đà bản sắc của nước ta, trong đó có các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của các vùng miền. Với ví, giặm xứ Nghệ, địa phương đang làm mọi cách có thể để lưu giữ, bảo tồn và nhân rộng giá trị của di sản văn hoá độc đáo này.

Để xây dựng một nền văn nghệ mới Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta không thể không coi trọng việc sưu tầm, nghiên cứu và phát huy nguồn văn hoá văn nghệ dân gian nói chung, dân ca nói riêng. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhìn các em học sinh say mê hát những câu ví, giặm trong giờ học nhạc, ta càng thêm tin tưởng xứ Nghệ sẽ phát huy thành công trong việc đưa giá trị dân ca ví, giặm lan toả trong thế hệ trẻ, để gìn giữ vốn quý của địa phương và cũng là của cả dân tộc.

Đinh Thành Trung

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra