Để Tạp chí Thanh tra vững vàng trong cơn bão “báo hóa”

Thứ ba, 14/06/2022 15:10
(ThanhtraVietNam) – Khó khăn, thách thức còn nhiều, song chắc chắn rằng, với bản lĩnh, sự năng động, sáng tạo, ý thức công dân và trách nhiệm xã hội của người làm báo, trách nhiệm của người cán bộ thanh tra, mỗi phóng viên, biên tập viên sẽ luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, bám sát tôn chỉ, mục đích, để tiếp tục phấn đấu xây dựng Tạp chí Thanh tra ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của ngành, sự tin cậy, mong đợi của bạn đọc trên mọi miền đất nước.

Trong buổi Tọa đàm “Nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và “tư nhân hóa” báo chí” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức mới đây, nhiều đại diện cơ quan quản lý nhà nước đã thống nhất với cách hiểu, “báo hóa” tạp chí là hiện tượng tạp chí thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích hay phản ánh những nội dung, những vấn đề không thuộc lĩnh vực ghi trong giấy phép; hoặc tạp chí khoa học nhưng ít chú trọng vào những thông tin khoa học, lý luận, chuyên ngành, phóng viên, nhà báo tác nghiệp ngoài phạm vi lĩnh vực, tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động của tạp chí. Nhiều ý kiến cũng nhận định, đây là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc cho xã hội và làm ảnh hưởng uy tín của các cơ quan báo chí đang hoạt động nghiêm túc, cần phải xử lý quyết liệt, triệt để.

Sai tôn chỉ, mục đích, nhiều Tạp chí có biểu hiện “báo hóa”

Thực hiện việc tăng cường xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, thời gian qua, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan chức năng đã thường xuyên định hướng, nhắc nhở, phân tích rõ nhiều dấu hiệu vi phạm trong hoạt động báo chí tại các cuộc giao ban báo chí thường kỳ, các hội nghị báo chí toàn quốc, công tác quy hoạch báo chí, cũng như kiểm tra, xử lý một số cơ quan báo chí có vi phạm. Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, vẫn còn tình trạng một số tạp chí có biểu hiện “báo hoá”, đặc biệt là tạp chí điện tử như: Chú trọng phản ánh các vấn đề, vụ việc tiêu cực trong xã hội nhưng lượng thông tin lý luận, khoa học, chuyên ngành hạn chế, thậm chí không có; đăng tải tin, bài hoặc cử phóng viên hoạt động tác nghiệp về những nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; nhà báo, phóng viên của tạp chí khoa học nhưng sử dụng danh nghĩa báo chí hoạt động tác nghiệp để điều tra theo đơn thư, yêu cầu thậm chí đe doạ buộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... cung cấp hồ sơ, tài liệu, tự cho mình quyền hạn như cơ quan thanh tra, điều tra; có phóng viên hoạt động tác nghiệp vi phạm pháp luật, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp…

Cũng có trường hợp, tạp chí điện tử thay vì lựa chọn cách xuất bản theo ngày, theo kế hoạch, với các chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu, tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận về chuyên môn nghiệp vụ, tra cứu thông tin, phản hồi khoa học về những nội dung nhất định mang tính chuyên ngành đã chuyển hẳn sang xuất bản theo giờ, thậm chí cập nhật thông tin liên tục như báo điện tử… Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về ý thức trách nhiệm của lãnh đạo một số cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động của nhà báo, phóng viên và cơ quan báo chí trực thuộc chưa tốt; còn tình trạng không phân định được sự khác biệt cơ bản giữa báo và tạp chí nên định hướng sai trong chỉ đạo, điều hành hoạt động tác nghiệp, việc tuân thủ quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà báo, phóng viên chưa nghiêm, bên cạnh đó, còn do những áp lực về kinh tế khi các cơ quan báo chí thực hiện cơ chế “tự chủ”, phải đảm bảo nguồn thu để duy trì hoạt động, nên cần đa dạng hóa nội dung nhằm thu hút độc giả và khai thác truyền thông…

Để chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan báo chí, ngày 7/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (Nghị định 119). Theo quy định của Nghị định 119, đối với hành vi không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các hành vi sẽ có các mức xử phạt tương ứng. Cụ thể, điểm e, khoản 4, Điều 8 Nghị định 119 quy định phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, không đúng giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng; điểm d, khoản 5, Điều 8 của Nghị định quy định phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng nếu hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngay sau khi Nghị định 119 có hiệu lực thi hành, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt nhiều trường hợp cơ quan báo chí thực hiện sai tôn chỉ, mục đích, như: Tạp chí Tri thức Xanh bị phạt gần 100 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí in trong 4 tháng vi với lý do không thực hiện lưu chiểu báo chí theo quy định; không thể hiện rõ thông tin tạp chí in nộp lưu chiểu, số lượng phát hành, ngày, giờ nộp lưu chiểu, chữ ký của người đứng đầu cơ quan báo chí hoặc người được ủy quyền trên tạp chí in nộp lưu chiểu; thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, gây ảnh hưởng nghiêm trọng; Tạp chí điện tử Hòa nhập bị xử phạt 30 triệu đồng do đã thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động; Tạp chí điện tử Môi trường xây dựng bị xử phạt 100 triệu đồng vì hoạt động sai tôn chỉ, mục đích; đăng tin sai sự thật; Tạp chí Điện tử Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bị xử phạt 22,5 triệu đồng vì có bài viết thực hiện không đúng nội dung trong giấy phép hoạt động…

Mới đây, Bộ TT&TT tiếp tục có Công văn số 844/BTTTT-CBC gửi các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo chí về việc tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí. Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh sẽ kiểm tra, đánh giá hoạt động của các cơ quan báo chí để nhắc nhở, chấn chỉnh; trường hợp phát hiện có cơ quan báo chí vi phạm, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng xử phạt nghiêm theo quy định, thậm chí đình bản, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí và hàng tháng có thông báo kết quả xử lý tới các cơ quan chủ quản và các các đơn vị liên quan. Tùy theo mức độ vi phạm, Bộ TT&TT sẽ có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí theo các quy định của Đảng, của pháp luật và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

leftcenterrightdel
Hội thảo "Đổi mới chính sách của các tạp chí khoa học: Kinh nghiệm và giải pháp" do Trường Đại học Ngoại thương tổ chức tháng 4/2022.

Giữ vững tôn chỉ, mục đích và uy tín, bản sắc riêng của cơ quan báo chí ngành Thanh tra

Trải qua 44 năm (1978-2022), Tạp chí Thanh tra - cơ quan báo chí đầu tiên của ngành Thanh tra đã không ngừng trưởng thành và phát triển với nhiều hoạt động, ấn phẩm phong phú, có chất lượng. Trong đó, Tạp chí Thanh tra đã tạo dựng được uy tín và bản sắc riêng. Cùng với Tạp chí Thanh tra in, Tòa soạn còn xuất bản, phát hành Tạp chí điện tử Thanh tra và nhiều ấn phẩm khác… để qua đó góp phần phục vụ thiết thực và có hiệu quả vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thanh tra Chính phủ, của ngành Thanh tra.

Đặc biệt, với ấn phẩm điện tử, Tạp chí đã xây dựng được một website hấp dẫn đối với bạn đọc thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề, vị trí xã hội... khác nhau, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Qua 12 năm (2010-2022), ấn phẩm Tạp chí điện tử Thanh tra đã trở thành một diễn dàn thực sự sôi nổi để cán bộ trong, ngoài ngành và người dân thảo luận, góp ý về việc hoàn thiện thể chế pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, về những vấn đề quan tâm khác có liên quan đến hoạt động của ngành Thanh tra. Đồng thời, trở thành một kênh hữu dụng để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tiếp cận các thông tin về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, qua đó góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý và phát huy quyền dân chủ của nhân dân.

Đội ngũ cán bộ, phóng viên trong đơn vị cũng thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng về quản trị mạng, về nghiệp vụ báo chí để luôn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích đề ra.

Tuy nhiên, là một đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí, Tạp chí Thanh tra cũng không nằm ngoài ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường và những áp lực để duy trì nguồn thu, nhất là trong điều kiện hoạt động kinh tế báo chí còn nhiều sự cạnh tranh. Do đó, để không bị cuốn theo cơn bão “báo hóa”, hoạt động đúng pháp luật, giữ vững tôn chỉ, mục đích và uy tín, bản sắc riêng, Tạp chí Thanh tra cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, lãnh đạo đơn vị thường xuyên quan tâm, chú trọng việc giáo dục, định hướng về chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên, Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; kiên quyết phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hoạt động báo chí và trong đội ngũ những người làm báo. Quán triệt thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích trong giấy phép xuất bản các ấn phẩm Tạp chí Thanh tra in và Tạp chí điện tử thanh tra; quản lý chặt chẽ đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên cũng như các quy trình tác nghiệp.

Hai là, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các chuyên mục trên Tạp chí điện tử Thanh tra để không chỉ phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí mà còn phù hợp với thực tiễn nghiên cứu khoa học chuyên ngành. Với mỗi chuyên mục, không đi theo số lượng mà chú trọng chất lượng các tin/bài được đăng tải, theo đúng bản chất Tạp chí là thông tin chuyên sâu với các bài viết có nội dung nghiên cứu lý luận, cơ sở khoa học, thực tiễn cao. Giảm thời lượng các thể loại tin vắn, tin ngắn, tin tổng hợp, tăng thời lượng tin sâu, các bài phân tích, nghiên cứu - trao đổi, bài tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, phân tích tổng quan với các khuyến nghị dự báo, các kết quả đề tài nghiên cứu khoa học, góp ý các dự án luật...

Đội ngũ phóng viên cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, bám sát ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo, tôn chỉ, mục đích của Tạp chí để lựa chọn các nội dung thông tin phù hợp, sát đúng, cần đặt chất lượng tin/bài lên hàng đầu, không đưa tin tràn lan theo kiểu "vô thưởng, vô phạt".

Đối với biên tập viên, cần chặt chẽ trong khâu biên tập, duyệt bài. Muốn vậy, trước hết cần tham mưu lãnh đạo xây dựng tiêu chí lựa chọn các tin/bài được đăng tải để làm cơ sở khi trả lại tin/bài không đạt hoặc quyết định duyệt xuất bản. Các trường hợp phóng viên thường xuyên đưa tin/bài sai tôn chỉ mục đích cần nghiêm túc nhắc nhở, định hướng lại để phóng viên thực hiện đúng mục đích tuyên truyền.

Ba là, bố trí, phân công phóng viên, biên tập viên hợp lý nhằm phát huy đúng năng lực, sở trường của mỗi người, tránh tình trạng làm báo theo kiểu áp đặt. Cần tách bạch giữa hoạt động tác nghiệp và kinh tế báo chí để tránh đặt phóng viên, biên tập viên vào các tình huống xung đột lợi ích trong quá trình tác nghiệp.

Vì khi phóng viên, biên tập viên chịu áp lực kinh tế sẽ dễ dẫn đến tình trạng tìm mọi cách để mang được các hợp đồng kinh tế, hợp đồng quảng cáo về cho đơn vị cũng như tìm kiếm thu nhập cho bản thân. Từ đó, có hành vi gây áp lực đối với tổ chức, doanh nghiệp hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Bốn là, rà soát các trường hợp cộng tác viên (CTV), quản lý chặt chẽ việc cấp thẻ CTV. Cần đặt tiêu chuẩn đối với những trường hợp được cấp thẻ CTV, trong đó ưu tiên những CTV tích cực, cộng tác thường xuyên với Tạp chí. Không cấp thẻ CTV với mục đích giải quyết các mối quan hệ cá nhân hay ngoại giao. Những trường hợp sử dụng thẻ CTV sai mục đích cần khẩn trương thu hồi và loại ra khỏi danh sách CTV. Các phóng viên, BTV phụ trách địa bàn cần tăng cường việc phối hợp, định hướng tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ cho CTV và quán triệt việc sử dụng thẻ CTV bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích hoạt động tác nghiệp.

Năm là, phát huy thế mạnh mang tính truyền thống đặc trưng của Tạp chí in là uy tín và bản sắc riêng có trong hơn 44 năm qua để tạo đà phát triển Tạp chí điện tử thông qua việc đổi mới nội dung, tăng số lượng phát hành, đồng thời xây dựng các kế hoạch tổ chức tọa đàm, hội thảo, giao lưu trực tuyến, các giải báo chí và xuất bản các ấn phẩm sách để tăng nguồn thu cho đơn vị.

Khó khăn, thách thức còn nhiều, song chắc chắn rằng, phát huy truyền thống 44 năm xây dựng và trưởng thành, với bản lĩnh, sự năng động, sáng tạo, ý thức công dân và trách nhiệm xã hội của người làm báo, trách nhiệm của người cán bộ thanh tra, mỗi phóng viên, biên tập viên Tạp chí Thanh tra sẽ luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, bám sát tôn chỉ, mục đích, để tiếp tục phấn đấu xây dựng đơn vị ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của ngành, sự tin cậy, mong đợi của bạn đọc trên mọi miền đất nước./.

 

Bảo Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra