Cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống lâu năm ở vùng cao Tây Bắc, tết đến xuân về là dịp đồng bào dân tộc Mông trên những triền núi cao lại náo nức và nhộn nhịp tổ chức các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, chào đón một mùa xuân mới đang về trên khắp các bản làng.
Xuân về chơi đánh tù lu
Xuân về, tại các bản người Mông vắt vẻo trên núi cao, từ già trẻ, lớn bé đều tập trung ở một bãi đất bằng phẳng hay sân nhà để chơi đánh quay (tù lu), một trò chơi truyền thống của người Mông.
Cả người lớn và trẻ nhỏ đều chơi quay ở sân nhà mỗi khi xuân về.
Để có được những con quay to và tốt, trước tết khoảng một tháng, người Mông lặn lội lên núi tìm những khúc gỗ chắc khỏe về đẽo quay. Có rất nhiều loại gỗ rừng dùng để đẽo quay. Mỗi người, mỗi gia đình có một sở thích về một loại gỗ dùng để đẽo quay.
Vì vậy, mỗi con quay của người Mông lại được làm bằng một chất liệu gỗ khác nhau. Sau khi quay được đẽo xong, người Mông mang xuống ao hay ruộng bùn ngâm khoảng một tuần cho quay được bền chắc hơn.
Từ ngày mùng một tết trở đi, đồng bào tụ tập để đánh quay. Trò chơi này chủ yếu dành cho nam giới nhưng đôi khi cũng có phụ nữ cao hứng xin được tham gia. Các “xới” chơi quay đứng thành từng vòng tròn, to hay nhỏ tùy vào số lượng người tham gia. Lúc đầu là chơi thử sau đó là các cuộc thi đánh quay.
Cuộc thi đánh quay của người Mông khá độc đáo. Một con quay thắng cuộc phải là quay được bổ xuống theo hình vòng cung tính từ tay người đánh, quay đó phải quay tít, quay lâu và khi quay phát ra tiếng kêu gần như chói tai. Trò chơi đánh quay là một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào Mông vùng Tây Bắc mỗi khi tết đến xuân về.
Tưng bừng hội gầu tào
Tháng giêng, không khí mùa xuân tràn khắp mọi nẻo. Núi rừng Tây Bắc lại rộn vang tiếng nói cười và rực rỡ sắc màu của những lễ hội truyền thống như Gầu Tào, gọi vía lúa, Lồng Tông…
Từ trong các bản Mông, đồng bào Mông xúng xính trong bộ váy áo nhiều màu sắc rủ nhau xuống núi đi xem hội. Nhìn nụ cười tươi xinh hòa vào nắng xuân ấm áp, ai ai cũng thấy dậy lên một sức sống mới nơi sơn thẳm.
Điệu múa sinh tiền của trẻ em người Mông.
Năm nào cũng vậy, sau những ngày tết Nguyên đán, người Mông tại các bản Mông Tây Bắc lại nô nức tổ chức lễ hội Gầu Tào, một trong nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào Mông. Những ngày này, núi rừng Tây Bắc và những nẻo đường từ bản xuống hội tràn ngập sắc màu.
Lễ hội gầu tào của đồng bào Mông Tây Bắc được tổ chức đầu xuân mới.
Chọn một mỏm đất cao và bằng phẳng ở giữa bản, người Mông tại các bản dựng khán đài để tổ chức các hoạt động truyền thống như ca hát, đẩy gậy, đánh quay. Lễ hội Gầu Tào hay còn gọi là hội chơi núi được người Mông Tây Bắc tổ chức với mục đích tạ ơn trời đất đã ban cho con cái, cầu cho mùa màng bội thu.
Thiêng liêng nghi lễ cúng rừng
Để tạ ơn thần rừng, hằng năm, cứ vào đầu xuân mới, đồng bào Mông vùng Tây Bắc lại tổ chức lễ cúng rừng ngay tại chân rừng thiêng.
Lễ cúng rừng của đồng bào Mông được tổ chức ngay trong khu rừng thiêng, rừng cấm của bản mình sinh sống. Tại vị trí một gốc cây cổ thụ, cây to nhất của khu rừng, đồng bào tập trung từ sáng sớm, lập một bàn thờ để làm nơi thờ cúng. Vì đây là hoạt động mang tính cộng đồng cao nên trong ngày làm lễ cúng rừng, người dân ở mọi nhà tập trung tại khu làm lễ để vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ xung quanh gốc cây cổ thụ để lấy không gian tổ chức nghi lễ.
Ngoài ra, đồng bào còn chuẩn bị lễ vật dâng thần rừng gồm 2 con gà sống, xôi nếp thơm, rượu, tiền vàng, gạo, trầu cau, thuốc lào cùng thực phẩm và vật dụng để sử dụng ngay trong lễ cúng rừng.
Cúng rừng, một nghi lễ thiêng liêng đầu xuân mới của đồng bào Mông Tây Bắc.
Trước khi tiến hành bài cúng, thầy cúng thắp hương, thắp đèn, rót rượu, mọi người chắp tay đứng nghiêm trang ở phía trước bàn thờ. Trong bài khấn, thầy cúng nói những lời tạ ơn công đức của thần rừng quanh năm bao bọc, chở che và ban cho con người nguồn sống.
Đồng thời, thầy cúng còn thay mặt cho dân làng nói lên quyết tâm sẽ bảo vệ rừng thiêng của bản, ngày ngày gìn giữ, chăm sóc và trồng thêm nhiều cây con, quyết tâm không phá hoại rừng. Bài cúng cũng mong thần rừng trong năm mới sẽ ban cho dân làng nhiều hoa thơm trái ngọt, nhiều gỗ quí và cho mưa thuận gió hòa.
Sau khi lễ cúng rừng, thầy cúng và trưởng bản cùng dân làng tổ chức buổi sinh hoạt cộng đồng ngay tại gốc cây cổ thụ. Thầy cúng ban rượu lộc cho dân làng, mọi người quây quần vừa ăn cơm, vừa cùng nhau bàn bạc về cách bảo vệ rừng thiêng, cách làm hay để trồng thêm rừng mới.
Đồng thời, ngay tại lễ cúng rừng, trưởng bản cũng nhắc lại những nội quy trước dân làng về bảo vệ rừng, nghiêm cấm những hành vi phá hoại rừng, chặt cây bừa bãi ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh.
Những hoạt động đầu xuân mới của đồng bào Mông vùng Tây Bắc là hiện thực sinh động và đặc sắc về những phong tục, tập quán được đồng bào hun đúc từ bao đời nay. Những nghi lễ, lễ hội đầu năm của đồng bào Mông mang đậm triết lý nhân sinh sâu sắc trong cuộc mưu sinh đầy gian khó và kiên cường của họ trên những triền núi cao Tây Bắc./.
Theo VOV