Dân tộc Mông, dân tộc thiểu số đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sống chủ yếu trên những vùng núi có độ cao từ 1.000 m trở lên. Cùng với 53 dân tộc anh em, người Mông luôn là một phần trong sự thống nhất của khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú văn hoá các dân tộc Việt Nam. Tết người Mông diễn ra sớm hơn, khác biệt với Tết của người Kinh và những đồng bào dân tộc khác. Không biết từ bao giờ, đồng bào Mông đã có cách tính riêng về lịch ăn Tết, chỉ biết rằng Tết truyền thống hằng năm diễn ra trước thời điểm Tết Nguyên Đán và kéo dài trong một tháng. Trải qua bằng ấy thời gian, đây được coi là một trong những nét đẹp văn hoá riêng và vô cùng đặc sắc của người Mông. Cứ mỗi độ Xuân về, khi những cánh hoa đào, hoa mận nở khắp núi rừng Tây Bắc, khắp các bản làng rộn rã tiếng khèn thì cũng là lúc đồng bào Mông tưng bừng đón Tết cổ truyền.
Người Mông (hay còn gọi là Mèo) là một trong bảy dân tộc thiểu số tương đối đông ở miền Bắc nước ta, với khoảng 1,4 triệu người sống chủ yếu ở vùng cao thuộc các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La,… Trong các tỉnh người Mông cư trú xen kẽ với nhiều dân tộc anh em khác, nhưng không giống với nhiều dân tộc như Dao, Lô Lô, Pu Péo… Họ ở tập trung thành từng vùng rõ rệt, trong đó người Mông chiếm tỉ lệ dân số cao so với các dân tộc anh em cùng chung sống.
Các vùng cư trú của đồng bào Mông thường là những sườn núi có độ dốc cao trung bình từ 800m đến 1.500m - 1.700m so với mực nước biển, địa hình hiểm trở, vách đá dựng đứng trên những thung lũng dạng hẻm vực. Ở Tây Bắc địa hình cao hơn và sự chia cắt theo chiều đứng mạnh hơn so với Đông Bắc.
Ngược dòng lịch sử, những đợt di cư đầu tiên của người Mông cách đây gần 400 năm đến các vùng biên giới thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái. Sau đó, các luồng di cư lớn vào khoảng 300 năm và gần 200 năm trước đây. Hầu hết người Mèo nước ta còn nhớ là họ đã từ Quí Châu (Trung Quốc) đến Việt Nam.
Tinh thần lao động cần cù và sáng tạo người Mèo đã biến nhiều vùng cao miền Bắc nước ta thành nơi có thể sinh sống ngày càng giàu đẹp, thành quê hương thân yêu của mình. Đồng bào thường nói:
Cá ở dưới nước
Chim bay trên trời,
Chúng ta sống ở vùng cao.
Và con chim có tổ,
Người Mèo ta cũng có quê,
Quê ta là Mèo Vạc.
Đồng bào ở cao nguyên Đồng Văn còn cho rằng trên đỉnh núi Mèo Vạc có giếng thần và có đôi chim chuyên nhặt lá cây để nước giếng trong sạch. Người ta muốn uống nước giếng thần để khi ốm đau bệnh chóng khỏi, khi chết hồn được về với tổ tiên. Vì vậy trước đây những người có tuổi đều mong muốn đến thăm Mèo Vạc - “nơi quê cha đất tổ” và “ được uống nước giếng thần” . Lòng yêu quê hương xứ sở; trên cơ sở đó nảy nở lòng yêu nước Việt Nam anh hùng của người Mông. Lòng yêu nước đó ngày càng được củng cố trong quá trình sát cánh cùng các dân tôc anh em đấu tranh bảo vệ đất nước và xây dựng cuộc sống mới.
“Tết sớm” của người Mông được biết đến như nét văn hóa tiêu biểu, là bản sắc riêng, độc đáo tại địa phương nơi đồng bào Mông sinh sống. Như tại Hà Giang, Tết người Mông diễn ra sớm hơn, khác biệt với Tết của người Kinh và những đồng bào dân tộc khác. Chẳng biết từ bao giờ, những đồng bào dân tộc nơi cao nguyên đá này đã có cách tính riêng về lịch ăn Tết, chỉ biết rằng Tết truyền thống hằng năm cứ diễn ra vào thời điểm cách Tết Nguyên Đán của cả nước đúng một tháng. Trải qua bằng ấy thời gian, đây được coi là một trong những nét đẹp văn hoá riêng và vô cùng đặc sắc của đồng bào Mông.
Người Mông ở Hà Giang ăn Tết vào tháng Chạp, sớm hơn đồng bào cả nước một tháng. Cứ tầm 25, 26 tháng Chạp hàng năm, người Mông bắt đầu dừng lại công việc, nghỉ ngơi, chuẩn bị đón Tết.
Sau khi hoàn tất công việc đồng áng, họ nghỉ ngơi sau một năm lao động hăng say, vất vả để chuẩn bị sắm sửa, đón ngày Tết về. Người Mông sống chủ bằng các hoạt động nông nghiệp, những công cụ dụng cụ sản xuất đối với họ vô cùng có ý nghĩa. Vì vậy, sau khi dừng các công việc, họ phong lại tất cả các công cụ sản xuất. Mỗi thứ lại được họ "phong" bằng những hình thức khác nhau, ví dụ các lò rèn phải làm lễ đóng lò, chiếc cối xay ngô thì phải được tháo ra, dán một tờ giấy bản lên rồi làm lễ với gà, bánh ngô và rượu.
Ăn mừng một năm cũ đã qua, bắt đầu một năm mới với đầy những hy vọng may mắn, an lành. Người Mông tổ chức lễ hội Gầu Tào - lễ hội cầu phúc truyền thống của người Mông. Người Mông quan niệm của người dân nơi dân để tạ ơn tổ tiên cho mùa màng bội thu, cho chăn nuôi thuận lợi, và đặc biệt cầu cho cháu con đầy đàn. Mang trong mình những nét văn hóa ngày Tết độc đáo, riêng biệt của người dân nơi đây, đây được coi lễ hội lớn nhất của người Mông trong năm.
Chẳng những có các lễ hội truyền thống, cả năm vất vả, Tết chính là quãng thời gian họ nghỉ ngơi, tổ chức trò chơi, tổ chức giao lưu âm nhạc. Những điệu hát, điệu khèn ngày Tết, những trò chơi dân gian ấy như là một thứ không thể thiếu trong ngày Tết ở Hà Giang. Cùng nhau hòa vào âm thanh ngày xuân rộn ràng, họ như quên hết bao vất vả của năm cũ, chỉ còn đó niềm vui, niềm hạnh phúc nơi rẻo cao.
Các bản làng giao lưu điệu với nhau điệu múa ô hay tiếng hát tiếng khèn, rồi chọi dê, chọi bò, cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian: đi khà kheo, đẩy đậy, ném pao, bắn nỏ, đánh sảng...
Người Mông ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đón Tết truyền thống bắt đầu từ mùng 1 tháng 12 âm lịch và kéo dài đến hết tháng, việc chuẩn bị Tết bắt đầu từ ngày 30/11, dọn dẹp nhà cửa, giã bánh dày, thịt gà, thịt lợn cúng tổ tiên.
Trong ba ngày Tết chính là mùng 1, mùng 2, mùng 3, người Mông chỉ ăn các món bánh và thịt, tuyệt đối không ăn rau. Vì theo quan niệm của người Mông, không ăn rau để tránh trong năm mới đi làm nương, làm rẫy cỏ mọc nhiều, mùa màng thất thu, chăn nuôi trâu bò không được thuận."
Ẩm thực trong ngày Tết của người Mông nơi đây chủ yếu là bánh dày, thịt gà, thịt lợn. Trong ba ngày Tết chính, gia đình nào cũng đốt củi, giữ bếp đỏ lửa liên tục, vừa giữ ấm, vừa xua đuổi tà ma và cầu mong bình an, may mắn. Các đồ vật trong nhà cũng được “mặc áo mới” để đón Tết.
"Áo mới" cúa các đồ vật là giấy bạc của người Mông được làm từ cây giang. Bình thường, loại giấy này được sử dụng trong đám cúng, đám ma hoặc sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên vào Năm mới, giấy được cắt hình con chim, con phượng dán lên các đồ vật và các vị trí trong nhà để xua đuổi tà ma và cầu mong sự may mắn, tốt lành.
Bàn thờ chính của người Mông được đặt ở gian chính giữa của nhà, ngoài ra còn hai bàn thờ phụ đặt ở hai bên cửa chính. Bên cạnh bàn thờ chính được bày biện các công vụ lao động như cuốc, thuống, dao, rựa... đã được mặc áo mới.
Mâm cỗ cúng của người Mông thường bày một chiếc bánh dày to. Bánh dày được làm bằng gạo nếp nương. Sau khi đồ chín, xôi vẫn còn nóng được đưa vào máng gỗ rồi dùng chày giã nhuyễn, sau đó lấy lòng đỏ trứng gà quết lên bề mặt. Theo quan niệm của người Mông, bánh dày tròn tượng trưng cho Mặt Trăng, Mặt Trời, đây cũng là món ăn chính trong suốt tháng Tết của người Mông.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, kinh tế - xã hội của xã Pà Cò đã có bước khởi sắc. Bà con tập trung trồng ngô, trồng chè, nuôi lợn, gà phát triển sản xuất, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, sung túc. Những ngày Tết, bên cạnh nghi lễ tín ngưỡng, các chàng trai, cô gái Mông còn náo nức tham gia nhiều trò chơi dân gian quen thuộc như chơi Tulu, ném pao, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, múa khèn... Tiếng cười nói rộn ràng khắp cả bản.
Không khí lễ hội náo nức khắp núi rừng, bà con người Mông xúng xính quần áo đẹp đi dự hội Xuân. Các cô gái e lệ trong bộ váy rực rỡ sắc màu, vòng bạc, lúng liếng xuống hội. Các chàng trai mang theo kèn, trổ tài để chinh phục "người trong mộng" của mình.
Còn tại Sơn La, tối 29/11 Âm lịch, thời khắc giao thừa chuẩn bị đến cũng là lúc các hộ dân tộc Mông nhà nào nhà nấy đều quây quần bên mâm cơm gia đình để cùng nhau đón năm mới. Khắp bản đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười, tiếng nói cùng những lời chúc sức khỏe, bình an và chúc cho mùa màng tươi tốt.
Để chuẩn bị ngày Tết chu đáo, mỗi người mỗi việc, phụ nữ sẽ hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để cho người lớn, trẻ con diện Tết. Đàn ông thì đi mua sắm đồ hay mổ lợn, mổ gà cho bữa cơm trong gia đình. Nếu như với người Kinh, trong mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét thì Tết của dân tộc Mông phải có bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất, họ quan niệm bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, đó chính là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Do đó, giã bánh dày là việc làm không thể thiếu trong ngày Tết.
Nếu gia đình nào tổ chức ăn Tết vào các ngày 27, 28 hoặc 29 hay 30 trong tháng 11 Âm lịch thì ngày hôm sau sẽ là mùng một Tết, không nhất thiết cứ phải ăn Tết vào tối 30/11 Âm lịch. Do vậy, khi những tiếng gà gáy "ò ó o" đầu tiên vang lên trong sáng ngày hôm sau thì cũng sẽ là thời điểm đánh dấu những phút giây đầu tiên bước sang năm mới và sẽ coi đó là ngày mùng một Tết.
Trong 3 ngày Tết, người Mông còn có tục dán giấy lên các công cụ lao động hằng ngày và để dưới bàn thờ như một sự tri ân những công cụ đã luôn theo mình trong lao động, sản xuất suốt năm qua. Sau đó, họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, ăn bánh dày…
Trong những ngày đón Tết, người dân tộc Mông sẽ cùng nhau chơi Tết và khoác lên mình những bộ váy, áo đẹp nhất. Bởi vậy, nổi bật trong sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào là gam màu rực rỡ của những chiếc váy tung xòe trên sườn đồi ngút ngàn cùng những tiếng leng keng của đồng bạc trên người các chàng trai, cô gái đi chơi xuân.
Một mùa xuân mới lại về, tết Quý Mão sắp đến, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hôi như 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững đã phát huy hiệu quả, đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, từng bước thoát nghèo. Hoà chung vào không khí xuân Quý Mão, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước, tinh thần chia sẻ, đùm bọc, cùng hướng về đồng bào dân tộc thiểu số, những người đang sinh sống ở “phên dậu” quốc gia, được ví như "những cột mốc" ngày giờ giữ chắc biên giới, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; rồi đây sẽ tiếp tục có những chính sách hướng về đồng bào, với nhiều sự quan tâm hơn nữa để đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa miền ngược được như miền xuôi, nông thôn, miền núi được như thành thị như chủ trương nhất quán của của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta: không hy sinh, đánh đổi tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, và quan trọng là không ai bị bỏ lại phía sau./.