Môi trường tự nhiên và văn hóa
Việt Nam với những phong cảnh kỳ vĩ, ngoạn mục, đường bờ biển rộng lớn kéo dài 3.260 km, nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên; phía bắc một vùng núi non hiểm trở đan cài những thửa ruộng bậc thang lung linh như dát vàng dưới ánh mặt trời, khi về đêm lại huyền bí dưới mầu bạc của ánh trăng, vẻ đẹp thuần chất mà quyến rũ. Miền Trung với bờ biển trải dài nước xanh cát trắng và miền Nam những cánh đồng lúa mỏi cánh cò bay và miệt vườn đầy hoa trái.
Một quốc gia có lịch sử văn hóa lâu đời. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, các giá trị văn hóa được biểu hiện qua văn hóa vật thể và phi vật thể, bản sắc văn hóa vùng miền của 54 dân tộc anh em đã tạo nên một cộng đồng văn hóa các dân tộc đặc sắc và đa dạng; để hiểu về lịch sử, hiểu những giá trị văn hóa đời sống gắn liền với di sản sẽ thấy vẻ đẹp sâu hơn, thu hút hơn. Nhiều di sản các vùng miền mà đằng sau nó là câu chuyện, một triết lý nhân sinh sâu sắc.
Các giá trị văn hóa Việt Nam không chỉ là là mục tiêu, là động lực cho sự phát triển đất nước, mà còn là nền tảng cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch văn hóa nói riêng phát triển bền vững, góp phần không nhỏ cho việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trên toàn cầu. Theo đó, các giá trị văn hóa Việt Nam vừa được bảo tồn vừa được phát huy qua con đường du lịch là một tất yếu và phù hợp với xã hội đương đại. Phát triển du lịch văn hóa là một trong những phương cách làm giàu và phong phú thêm các giá trị văn hóa mới cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Bởi vì trong quá trình tiêu dùng các sản phẩm du lịch văn hóa đã diễn ra sự trao đổi giữa du khách với các dịch vụ du lịch và với người dân bản địa. Đây là quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa trong du lịch.
Với nguồn tài nguyên di sản văn hóa và tự nhiên vô cùng phong phú, đặc sắc, Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa. Điều này nếu được quan tâm và khai thác tốt sẽ giúp cho du lịch và sản phẩm du lịch văn hóa mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế-xã hội, mang thương hiệu của quốc gia cũng như in đậm bản sắc của từng vùng miền, địa phương cả nước.
|
|
Bản sắc văn hóa vùng miền của các dân tộc thu hút nhiều khách du lịch. Ảnh - ST |
Xu hướng và nhu cầu du lịch văn hóa
Khi nói đến văn hóa là nói đến cái đẹp, cái đẹp được thấy trong thiên nhiên, trong văn hóa vật thể, phi vật thể, trong ngôn ngữ, ứng xử của con người với con người và với tự nhiên…
Xã hội ngày càng phát triển, dân trí ngày càng cao hơn, vì vậy mà nhu cầu thưởng thức và hưởng thụ cuộc sống của con người cũng theo đó mà phát triển. Du lịch văn hóa là một trong những nhu cầu đó. Xu hướng du lịch văn hóa gắn liền với môi trường, đưa con người đến gần với thiên nhiên, tận hưởng bầu không khí trong lành, yên tĩnh; những vùng quê, làng bản yên bình đi cùng với những hình ảnh sinh hoạt bình dị, quen thuộc cũng giúp du khách tận hưởng những khoảnh khắc thư giãn đầy lý thú.
Đây là hình thức du lịch phù hợp với những ai có nhu cầu khám phá môi trường sống xung quanh và mong muốn tìm chút cảm giác thanh bình giữa cuộc sống ồn ào, tấp nập, để trải nghiệm lối sống, các hoạt động gắn liền với sinh kế và phong tục tập quán hàng ngày của cộng đồng cư dân bản địa.
Du khách muốn trải nghiệm văn hóa bắt nguồn từ những di sản văn hóa và được bảo tồn theo dòng chảy thời gian. Cùng với nó là sự phát triển của sản phẩm du lịch sinh thái đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa của các vùng, miền trải dài từ Bắc,Trung, Nam.
Văn hóa tạo ra sức hấp dẫn cho du lịch và đã trở thành một phần không thể thiếu để tạo ra những kỳ du lịch lý thú. Du khách tìm kiếm những trải nghiệm đặc biệt, khác biệt và mới lạ tại những địa phương có sự khác biệt về văn hóa. Những yếu tố văn hóa cuốn hút du lịch, gồm: thủ công mỹ nghệ, ngôn ngữ, truyền thống, ẩm thực, nghệ thuật và âm nhạc, lịch sử. Cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp trải nghiệm du lịch bởi chính họ là chủ thể của văn hóa bản địa.
Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh những giá trị văn hóa mới của nhân loại.
Du lịch văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của du khách như tham quan những cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, ẩm thực…
Nói cách khác, du lịch văn hóa biến các giá trị của văn hóa thành sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách. Du khách không chỉ tham quan, tìm hiểu những di sản văn hóa mà còn khám phá và thưởng thức cung cách ứng xử và trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân bản địa.
Như vậy, văn hóa tạo ra sức hấp dẫn cho du lịch, do đó, nhiều nơi đã tìm cách tôn tạo và phát huy các nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời xem đó như là những tài sản, công cụ đặc biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch. Văn hóa được sử dụng trong tất cả các loại hình du lịch, dưới mọi hình thức là cấu phần cốt lõi trong quy hoạch điểm đến, kiến tạo sản phẩm và quảng bá du lịch, ngay cả các điểm đến chỉ nổi trội về tài nguyên thiên nhiên. Việc tăng cường sử dụng giá trị văn hóa giúp định vị rõ nét hình ảnh điểm đến nhằm thương mại hóa hiệu quả các sản phẩm du lịch. Và chiều ngược lại, du lịch là một phương tiện vô cùng hiệu quả để quảng bá hình ảnh đẹp của đất nước, con người, văn hóa bản sắc của địa phương đến mọi miền đất nước cũng như là với bạn bè quốc tế, đồng thời du lịch còn mang lại những những nét văn hóa mới, con người mới tạo ra sự giao thoa, kết hợp độc đáo về văn hóa, khiến cho đời sống văn hóa điểm đến du lịch trở nên đặc sắc, độc đáo, hiện đại hơn và loại trừ dần những thứ không còn phù hợp.
Qua đó, du lịch còn giúp chúng ta ý thức hơn việc giữ gìn và phát triển bản sắc, văn hóa dân tộc. Những nét đẹp về lối sống, phong tục, tập quán, những kinh nghiệm, truyền thống, các loại hình nghệ thuật của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc… được kế thừa và phát triển.
|
|
Bản sắc văn hóa vùng miền của các dân tộc thu hút nhiều khách du lịch. Ảnh - ST |
Một thực tế
Công tác quy hoạch du lịch trên địa bàn cơ bản được hoàn thành, xây dựng được một số khu, điểm du lịch trọng điểm, tạo được cơ sở hạ tầng nền móng phục vụ phát triển du lịch, công tác xã hội hóa và các hoạt động giao lưu, hợp tác trong phát triển du lịch được chú trọng, nhận thức của cộng đồng về du lịch bền vững từng bước được cải thiện.
Nhiều địa phương nhất là địa phương có di sản văn hóa, có ưu thế về thiên nhiên đã phát huy sáng kiến hoạt động quảng bá; phục hồi các hoạt động văn hóa phi vật thể, nhiều cuộc trình diễn văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian được tổ chức. Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống và nghệ thuật ẩm thực cũng có dịp được giới thiệu rộng rãi với công chúng. Góp phần mang đến những hình ảnh du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến với địa phương trên các vùng miền đất nước.
Du lịch văn hóa phát triển không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân mà còn làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại một số địa phương, góp phần phát triển các ngành nghề dịch vụ du lịch, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống, hoạt động văn hóa truyền thống được phục hồi, phát triển.
Bên cạnh những thành công trên vẫn còn nhiều hạn chế bất cập, nhiều địa phương thiếu tính chủ động trong việc phát triển du lịch gắn với cộng đồng, nhiều danh lam, thắng cảnh, khu du lịch còn thiếu đầu tư về cơ sở hạ tầng, việc khai thác du lịch tại các khu, điểm du lịch sinh thái còn thiếu sản phẩm mang tính trải nghiệm, hướng du khách vào hoạt động bảo vệ môi trường; một số danh thắng bị tàn phá do các công trình xây dựng ồ ạt, nhiều con thác bị ngăn thành đập thủy điện, chặt cây phá rừng ảnh hưởng không chỉ đến bảo tồn thiên nhiên mà còn hủy hoại môi trường sinh thái, điều này dù vô tình hay hữu đã làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ vốn có của tự nhiên; nhiều công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, tôn giáo và nghệ thuật được xây dựng từ các thế kỷ trước bị phá đi, xây lại với lý do không nằm trong di tích lịch sử văn hóa, nhiều sai phạm trong trùng tu, xây dựng các kiến trúc cổ diễn ra ngày một phổ biến. Tài nguyên quý giá này được khai thác phục vụ du lịch hết sức tùy tiện, mạnh ai nấy làm, không thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.
Do đó, việc nhận thức đúng vai trò của di sản văn hóa và thiên nhiên trong hoạt động du lịch văn hóa, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội cần được các cấp chính quyền quan tâm.
Định hướng và một số giải pháp
Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc” và mục tiêu đến năm 2030: “Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Thay vì khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn như nhiều ngành nghề khác, du lịch văn hóa khai thác nguồn tài nguyên vô hạn về văn hóa vật thể, phi vật thể và sức sáng tạo của con người. Đó là một biểu hiện tập trung của sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế trong phát triển, đảm bảo sự hài hòa trong phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Trong những năm gần đây, tỷ trọng kinh tế du lịch trong nền kinh tế quốc dân ngày càng cao, nên việc phát triển du lịch, du lịch văn hóa là điểm tăng trưởng mới của nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam phong phú và đa dạng sản phẩm văn hóa, vì thế cần thiết có những chính sách phát triển văn hóa gắn với hoạt động du lịch để kích hoạt môi trường sáng tạo, thu hút đầu tư. Ngoài ra, cần xây dựng được hệ sinh thái sáng tạo với những chính sách, hướng dẫn cụ thể cho những nhà đầu tư, người hoạt động văn hóa du lịch, có hành lang pháp lý để thúc đẩy hợp tác công-tư, xác định được trách nhiệm pháp lý của các chủ thể kinh tế trong việc tuân thủ các giá trị, chuẩn mực văn hóa và khai thác nguồn vốn văn hóa; xây dựng cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng và hợp lý để có thể gắn kết chặt chẽ nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp với người dân trong quá trình khai thác giá trị văn hóa.
Định hình và xây dựng được thương hiệu du lịch văn hóa của vùng, miền và từng địa phương, từ đó xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa của quốc gia. Đồng thời, cần triển khai có hiệu quả Chiến lược marketing du lịch, Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch và du lịch văn hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong việc xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa; xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá các thị trường cho từng loại sản phẩm để đẩy mạnh hình ảnh và định vị của thương hiệu du lịch văn hóa của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật đặc trưng văn hóa của mỗi vùng, miền mang đậm dấu ấn văn hóa Việt; tăng cường đầu tư kết nối và phát huy vai trò của cộng đồng và văn hóa cộng đồng trong phát triển du lịch văn hóa.
Tôn trọng và bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa của dân tộc, các phong tục, tập quán, lễ hội dân gian và môi trường thiên nhiên đã ban tặng; tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa.
Mặt khác cần chú trọng phát triển sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc của địa phương, những sản phẩm mang văn hóa của đồng bào với nét đẹp của tự nhiên, mộc mạc nhưng tinh tế. Đó chính là sự hấp dẫn đối với khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài, thế mạnh này cần được sáng tạo và phát huy vừa có tính truyền thống nhưng cũng mang hơi thở của thời đại; tránh bán những loại sản phẩm, hàng hóa của nước ngoài, vì du khách không cần sản phẩm đó khi đến địa phương, vùng miền của chúng ta.
Xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh trong du lịch văn hóa, trong đó người dân ở địa phương là chủ thể chính trong các hoạt động du lịch văn hóa cộng đồng và hoạt động văn hóa sáng tạo; tăng cường xây dựng các mô hình du lịch văn hóa cộng động hoạt động hiệu quả và bền vững.
Tăng cường hoạt động tuyên truyền, học tập Luật Di sản và các quy định của Nhà nước đến với người dân để họ ý thức và trách nhiệm bảo vệ các di tích, danh thắng, những di sản vô giá trên quê hương mình; quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch văn hóa, đặc biệt là nhân lực tại chỗ; thường xuyên tập huấn cho cán bộ, nhân viên, người dân địa phương về phong cách phục vụ, ứng xử văn minh lịch sự với du khách và thân thiện với môi trường; nâng cao nhận thức về phát triển sản phẩm du lịch văn hóa cho cộng đồng. Và hạn chế sự xói mòn văn hóa trong kinh doanh, những tác động tiêu cực đến bản sắc, di sản văn hóa, ô nhiễm môi trường…
Quy hoạch các cụm dân cư trong khu di sản văn hóa và thiên nhiên với văn hóa đặc trưng của họ phải là một phần trong quy hoạch tổng thể, mục tiêu dân sinh cần được tính đến. Phát triển mạng lưới du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và quy hoạch mạng lưới giao thông phục vụ phát triển du lịch, xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch bằng việc trồng thêm nhiều cây xanh, vườn hoa tạo nên sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.
Những vấn đề nêu trên sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt và có lợi thế cạnh tranh cao.
Tài liệu tham khảo
1. Đoàn Mạnh Cương, Khai thác giá trị văn hóa tạo động lực phát triển kinh tế du lịch. Trang điện tử (19/03/2023) Cục Du lịch quốc gia Việt Nam
2. Luật Du lịch (2017), Nxb Lao động, Hà Nội, tr. 7
3. Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 về phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030
TS. Trịnh Thanh Hà
Học viện Hành chính Quốc gia