Gìn giữ nét đẹp các phong tục truyền thống những ngày đầu năm mới

Thứ hai, 12/02/2024 17:34
Để gìn giữ các phong tục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc nói chung và phong tục truyền thống những ngày đầu năm mới nói riêng, TS. Bùi Thị Như Ngọc cho rằng, các cơ quan chính quyền cũng như bản thân mỗi người dân cần có sự phối hợp tích cực và hiệu quả trong việc lan tỏa, trao truyền các giá trị văn hóa này theo nhiều cách khác nhau.

Tết đến, Xuân về là khoảng thời gian thiêng liêng, đẹp nhất trong năm, không khí đất trời giao hòa, tạo nên niềm tin vào những điều tốt đẹp sẽ tới. Đây cũng là thời điểm mà đất nước chúng ta có nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp, vốn đã gắn bó từ lâu đời với cuộc sống của người dân.

Nhân dịp đầu Xuân năm 2024, chúng tôi đã có cuộc trao đổi, trò chuyện với các vị khách mời là Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ – nguyên giảng viên khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS. Bùi Thị Như Ngọc – Giảng viên Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

leftcenterrightdel
Các vị khách mời trao đổi về chủ đề “Nét đẹp phong tục truyền thống những ngày đầu năm mới”. 

Phóng viên (PV): Thưa nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, đầu năm mới là dịp đất nước chúng ta có rất nhiều nét phong tục văn hóa đẹp. Có thể kể đến như: Chơi hoa dịp Tết, chúc Tết, hái lộc, mua muối đầu năm,… Vậy những phong tục này của chúng ta xuất hiện từ bao giờ, thưa ông?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Chúng ta thấy trong nghiên cứu văn hóa, Tết là kết thúc 1 năm và mở đầu cho một chu trình đời người mới theo đơn vị năm - một đơn vị vừa rất tự nhiên, vừa rất nhân văn, dễ ý thức. Ví dụ, chúng ta tính chu kỳ 10 năm, 50 năm, 60 năm thì chu kỳ năm là chu kỳ hết sức thiết thân của mỗi con người. Khi kết thúc chu kỳ cũ sang mới sẽ đầy những khát vọng và ở đó, người ta đều muốn tất cả mọi điều đều tốt đẹp.

Cho nên, chúng ta thấy Tết, hầu như tất cả những điều tốt đẹp nhất đều được thực hành. Đối với Việt Nam, chúng ta thấy những phong tục đó chủ yếu xuất phát ở 3 cội nguồn: Cội nguồn thứ nhất là một đất nước nông nghiệp. Cội nguồn thứ hai là các nghi thức lễ nghi, ứng xử con người với con người, phải là chuẩn mực, đẹp. Cội nguồn thứ ba là khát vọng, trong đó, có khát vọng kinh tế và hạnh phúc.

Chúng ta đi hái lộc, lấy những mầm non, mầm xanh về để kỳ vọng chúng ta có lộc, vì lộc cây cũng là chữ lộc. Và lộc là những may mắn, về cả kinh tế nên được kỳ vọng như vậy.

Với tục đầu năm mua muối. Muối trong cổ xưa, ngoài việc nó là gia vị rất cần thiết, thì muối còn là vật trừ tà, trừ ma quỷ. Bát muối phải đầy đặn và người mua không trả giá, mong muốn cả một năm mặn mà. Còn các tục khác như mừng tuổi, lì xì, thể hiện tính nhân văn, thể hiện kỳ vọng vào sự phát triển,…

Phóng viên (PV): Thưa nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, đầu năm mới là dịp đất nước chúng ta có rất nhiều nét phong tục văn hóa đẹp. Có thể kể đến như: Chơi hoa dịp Tết, chúc Tết, hái lộc, mua muối đầu năm,… Vậy những phong tục này của chúng ta xuất hiện từ bao giờ, thưa ông?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Chúng ta thấy trong nghiên cứu văn hóa, Tết là kết thúc 1 năm và mở đầu cho một chu trình đời người mới theo đơn vị năm - một đơn vị vừa rất tự nhiên, vừa rất nhân văn, dễ ý thức. Ví dụ, chúng ta tính chu kỳ 10 năm, 50 năm, 60 năm thì chu kỳ năm là chu kỳ hết sức thiết thân của mỗi con người. Khi kết thúc chu kỳ cũ sang mới sẽ đầy những khát vọng và ở đó, người ta đều muốn tất cả mọi điều đều tốt đẹp.

Cho nên, chúng ta thấy Tết, hầu như tất cả những điều tốt đẹp nhất đều được thực hành. Đối với Việt Nam, chúng ta thấy những phong tục đó chủ yếu xuất phát ở 3 cội nguồn: Cội nguồn thứ nhất là một đất nước nông nghiệp. Cội nguồn thứ hai là các nghi thức lễ nghi, ứng xử con người với con người, phải là chuẩn mực, đẹp. Cội nguồn thứ ba là khát vọng, trong đó, có khát vọng kinh tế và hạnh phúc.

Chúng ta đi hái lộc, lấy những mầm non, mầm xanh về để kỳ vọng chúng ta có lộc, vì lộc cây cũng là chữ lộc. Và lộc là những may mắn, về cả kinh tế nên được kỳ vọng như vậy.

Với tục đầu năm mua muối. Muối trong cổ xưa, ngoài việc nó là gia vị rất cần thiết, thì muối còn là vật trừ tà, trừ ma quỷ. Bát muối phải đầy đặn và người mua không trả giá, mong muốn cả một năm mặn mà. Còn các tục khác như mừng tuổi, lì xì, thể hiện tính nhân văn, thể hiện kỳ vọng vào sự phát triển,…

leftcenterrightdel
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh: Gia đình là một chủ điểm cốt lõi và quán xuyến Tết. 

PV: Thưa TS. Bùi Thị Như Ngọc, một trong những nét đẹp văn hóa đầu năm của chúng ta đó là xin chữ ông đồ. Vậy Tiến sĩ có thể chia sẻ cụ thể hơn về nét đẹp văn hóa này?

TS. Bùi Thị Như Ngọc: Trong bối cảnh xã hội truyền thống xưa, khi dân số của chúng ta đa phần là nông dân và đời sống kinh tế vật chất còn rất nhiều khó khăn, thì đa phần chúng ta đều không được đi học. Do đó, khát vọng và khát khao có chữ, có tri thức để làm người nhân văn hơn, tri thức hơn luôn là một trong những khát vọng mang tính ngàn đời của rất nhiều thế hệ người Việt từ xưa tới nay.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, người ta thường đến ông đồ xin chữ. Ông đồ thường là người đỗ tú tài, có hiểu biết cao rộng, được dân làng trong vùng trọng vọng. Khi đi xin chữ, bao giờ người ta đi cũng bằng một thái độ thành kính, nghiêm trang, trang trọng, đến với vẻ đẹp của con chữ. Khi ông đồ cho chữ, ông đồ cũng là người định hướng cho người xin chữ xem là gia đình năm nay có mong ước, có nguyện vọng gì, để từ đó sẽ định hướng, gợi ý những chữ cho gia đình đó. Từng nét chữ phượng múa rồng bay cũng chính là hy vọng những ước mong và tích tụ tính hướng thiện, nhân văn trong đó, cho nên khi xin chữ cũng rất lòng thành và trang trọng, cho chữ cũng rất trang trọng và lòng thành. Đó là một hành xử văn hóa rất đẹp.

Ngày nay, chúng ta có nhiều người được học hành hơn. Chúng ta nhìn vào tục đấy, chúng ta thấy việc xin chữ không còn quá khó khăn nhưng ngày nay chúng ta nhìn ở cách: Chúng ta nhìn thấy xin chữ vẫn hướng vọng tới tri thức và vẫn tiếp nối truyền thống kéo dài từ các thế hệ cha ông.

leftcenterrightdel
Xin chữ đầu năm là một nét đẹp truyền thống được lưu giữ và tiếp nối qua nhiều thế hệ.  

Xin chữ là nét văn hóa đẹp còn thể hiện ở chỗ người ta thường nói “nhất tự thiên kim”, nghĩa là một chữ ngàn vàng. Hơn thế nữa, cho bạc, cho vàng không bằng chỉ nẻo, chỉ đàng cho đi. Ý nói là xin chữ để thầy đồ chỉ đường, chỉ lối cho mà đi. Khi đã có chỉ đường, chỉ lối đúng đắn như vậy thì người ta thường tin vào những điều may mắn đã cầu được, đã rước về được. Để từ đấy người ta có thêm động lực hơn tạo ra sức mạnh trấn an tinh thần và sự yên ổn về mặt tinh thần đối với người xin chữ. Đồng thời, cũng tạo nên những động lực hơn nữa đối với người cho chữ, để càng thêm rèn nghề cũng như đạo đức, để mỗi mùa lại lên, lại cho chữ người khác.

Nét đẹp xin chữ kéo dài từ xưa đến nay, tạo thành một xã hội tri thức, một xã hội học tập và để chúng ta thúc đẩy học tập không ngừng, coi trọng chữ không ngừng. Từ đó, thúc đẩy những giá trị tri thức mới để thúc đấy sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

PV: Thưa nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, đầu năm mới cũng là dịp để chúng ta có những lời chúc tốt đẹp gửi đến bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, thầy cô, những người thân yêu,… những lời chúc Tết, mong một năm mới luôn tràn đầy sức khỏe, may mắn, an khang thịnh vượng. Đi cùng với đó, là nét đẹp lì xì đầu năm. Ông có thể chia sẻ thêm về những nội dung này?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Tục lì xì, tiếng Quảng Đông (Trung Quốc), lì xì nghĩa là lợi thị, tức là tiền lãi từ việc buôn bán, từ việc đi chợ mà có. Trước giải phóng đất nước (1975), ở miền Bắc có những từ khác gọi là mở hàng, mừng tuổi hoặc là phát vốn. Thứ nhất, đó là một hành vi mang tính nhân văn, mình làm được thì san sẻ cho người khác. Mà họ thường san sẻ cho trẻ em vì trẻ em phát triển. Người ta muốn những người đó cầm đồng tiền thì chính mình cũng phát triển về mặt kinh tế, làm ăn, kể cả lao động… Đó là phong tục chứa trong đó sự nhân ái của con người với con người, sự san sẻ và nằm trong tính từ thiện, tự nhiên của con người.

leftcenterrightdel
Lì xì là một nét phong tục đẹp trong những ngày đầu năm mới.  

PV: TS. Bùi Thị Như Ngọc có bổ sung gì thêm về nét đẹp của phong tục này?

TS. Bùi Thị Như Ngọc: Theo tôi, lì xì là một nét phong tục truyền thống rất đẹp của dân tộc, mang đậm truyền thống văn hóa ứng xử của người Việt và cả văn hóa suy nghĩ của người Việt. Ngày xưa trong xã hội truyền thống, ông bà lớn tuổi lì xì cho con cháu với hàm nghĩa là bản thân mình đã sống ở trên đời, đã trải đủ mọi cung bậc cảm xúc ở trên đời cho nên lì xì cho con cháu, để con cháu hưởng những điều may mắn, kinh nghiệm của mình truyền dạy và khát vọng con cháu được bình an, được may mắn, hạnh phúc. Do đó, họ thể hiện triết lý ứng xử gắn với tình thương yêu và tình cảm giữa các thành viên trong gia đình một cách nhân văn, sâu sắc và tinh tế, tế nhị.

Nó cũng thể hiện một triết lý ở người cho là cho một phong bao rất nhẹ thôi, màu đỏ may mắn; bên trong phong bao đấy, có thể số tiền rất ít nhưng nó lại mang tính tượng trưng rất lớn. Đó là tình cảm, sự trân quý, bao nhiêu ước vọng 1 năm gửi gắm đến cho con cháu, để mong cho con cháu - chính là thế hệ nối dài trong gia đình tiếp bước truyền thống, những phong tục đạo đức tốt đẹp của gia đình, noi gương ông bà cha mẹ để ứng xử, để phát huy hơn nữa cho gia phong, gia đạo của gia đình cũng như là cho văn hóa của dòng tộc và nhìn rộng ra là của vùng mình, đất nước mình, dân tộc mình.

Để từ đấy, con cháu khi nhận phong bao lì xì là sẽ nhận cung kính hai tay. Có thể những em bé còn nhỏ chưa hiểu hết những điều đó, nhưng nó ngẫu nhiên trở thành một tâm thức văn hóa trong nhận thức của đứa trẻ, để hiểu rằng Tết về là đủ đầy ông bà cha mẹ ngồi đây, Tết về là mình được yêu thương, chia sẻ. Khi đã được sống trong không khí yêu thương chia sẻ đấy, thì tất yếu là mình được nhận thì mình biết cho đi và biết ứng xử cho phù hợp.

leftcenterrightdel
Theo TS. Bùi Thị Như Ngọc, đi lễ chùa những ngày đầu năm mới, hoặc trong dịp du xuân, là một điều không thể thiếu trong tâm thức của nhiều người Việt bao nhiêu đời nay.   

PV: Thưa TS. Bùi Thị Như Ngọc, đi lễ chùa đầu năm mới là một phong tục truyền thống đẹp của dân tộc, nằm trong văn hóa tâm linh của người Việt. Đi lễ chùa không chỉ để cầu cho bản thân, gia đình một năm mới mạnh khỏe, bình an, tài lộc mà còn là dịp để tỏ lòng thành kính với đức Phật, tổ tiên. Tiến sĩ có thể chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa của phong tục này?

TS. Bùi Thị Như Ngọc: Chúng ta đi lễ chùa những ngày đầu năm mới, hoặc trong dịp du xuân, là một điều không thể thiếu trong tâm thức của nhiều người Việt bao nhiêu đời nay. Nó thể hiện triết lý đạo Phật gặp với văn hóa dân gian. Khi vào chùa, chúng ta cầu an, với tâm thức của cư dân văn hóa nông nghiệp lúa nước, người Việt cầu an không bao giờ cầu an cho mỗi bản thân mình, mà còn cầu cho gia đình. Nhìn rộng ra chúng ta còn cầu cho quốc thái dân an.

Điều đó cho thấy cái tôi của cá nhân được hòa tan và luôn dành một phần trang trọng cho cái ta của cộng đồng, tập thể, để hiểu đi vào chùa cũng là một cách gắn kết giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và dân tộc, giữa niềm tin và trần thế.

Khi vào chùa không chỉ cầu an, mà còn cầu phúc, cầu tài, lộc, duyên,… Những cầu đó xét cho cùng đều nằm trong tâm thức văn hóa để mở đầu cho năm mới hanh thông, thuận lợi, may mắn, suôn sẻ,…trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ sự phát triển của mỗi cá nhân để góp phần tạo nên sự phát triển đồng bộ của toàn dân tộc, làm nên sức mạnh nội sinh của mỗi cá nhân, từ đó tạo nên sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, chúng ta lại đi chùa, là lúc để chúng ta tìm về với cội nguồn. Và khi vào chùa cũng là đến với tính hướng thiện, đến với tính tích cực, hướng về cội nguồn và cũng là hành trình cho đi để nhận lại, biết chia sẻ và lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống,…

PV: Thưa TS. Bùi Thị Như Ngọc, bên cạnh nét đẹp của các phong tục truyền thống những ngày đầu năm mới thì cũng đã xuất hiện một số hình thức biến tướng, ảnh hưởng đến hình ảnh của các phong tục (ví dụ như biến tướng trong lì xì đầu năm mới, biến tướng trong các lễ hội…). Theo TS. Bùi Thị Như Ngọc, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để tiếp tục gìn giữ, nuôi dưỡng các nét đẹp phong tục văn hóa, hạn chế những nét biến tướng?.

TS. Bùi Thị Như Ngọc: Nhìn chung, chúng ta thấy, dân tộc của chúng ta, người Việt Nam luôn luôn có ý thức gìn giữ, phát huy, trao truyền và sáng tạo không ngừng các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, trong đó có các nét văn hóa truyền thống. Tất nhiên chúng ta cũng khó tránh khỏi những nét biến tướng trong việc thực hiện các phong tục tập quán đó.

Cho nên, chúng ta bắt đầu từ câu chuyện, văn hóa từ đâu mà ra?. Văn hóa trước hết là từ con người, con người sáng tạo, xây dựng và bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa. Do vậy, để giảm được biến tướng trong phong tục tập quán của dân tộc thì đầu tiên là về con người. Mỗi người đều cần có sự nâng cao hơn nữa về mặt nhận thức về các giá trị của các phong tục của dân tộc, vì nếu không có nhận thức đúng đắn thì sẽ dẫn đến những hành vi sai lệch.

Cụ thể, mỗi người tự nâng cao nhận thức bằng cách tự trau dồi, tự học hỏi, lan truyền các giá trị văn hóa. Chúng ta biết gạn đục khơi trong, những gì hay chúng ta tiếp nhận, những gì tiêu cực chúng ta phải biết loại bỏ, thậm chí là đấu tranh với nó để nó không còn tồn tại. Nhưng đồng thời là trong quá trình vừa là chủ thể và khách thể văn hóa đó, chúng ta cũng phải có sự tỉnh táo, độc lập, để tránh xa những cái bẫy của sự phát triển, tránh sa vào bẫy của các thế lực thù địch.

Bên cạnh đó, các cơ quan chính quyền, các cơ quan chức năng cũng như bản thân mỗi người dân cần có sự phối hợp tích cực và hiệu quả trong lan tỏa, trao truyền các giá trị văn hóa này theo nhiều cách, qua nhiều kênh khác nhau. Chúng ta có thể ra những quy định hoặc phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương hay làng xã để lan tỏa vào hương ước, các trường học. Đặc biệt là công tác giáo dục trong trường học hiện nay là công tác đặc biệt cần được coi trọng vì liên quan đến thế hệ trẻ, để các giá trị văn hóa được kế thừa, tiếp nối và trao truyền.

Đồng thời, chúng ta có thể đẩy mạnh qua các kênh thông tin đại chúng, qua các báo cáo viên, tuyên truyền viên hoặc qua mạng internet nhưng chúng ta phải kiểm soát được luồng thông tin đó và có tính định hướng qua luồng thông tin đó.

Để có được điều này, chúng ta phải có sự đồng thuận, thống nhất rất cao từ Trung ương đến địa phương,…

PV: Câu hỏi cuối cùng trong chương trình ngày hôm nay xin được gửi tới hai vị khách mời: Công tác giáo dục về các nét đẹp phong tục truyền thống của dân tộc có vai trò như thế nào trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Chúng tôi quan niệm Tết như một loại di sản quan trọng.

Theo tôi, chúng ta có một số trách nhiệm, vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ. Thứ nhất, là thấu hiểu nó, là phải tiếp xúc, nghiên cứu, kết hợp giữa chủ thể trực tiếp của di sản và quá trình nghiên cứu. Thấu hiểu không chỉ là hiểu nó mà còn là đáp ứng kỳ vọng hạnh phúc của con người. Và sự thấu hiểu của một người, một tổ chức, nó lan tỏa thành sự thấu hiểu xã hội.

Từ sự thấu hiểu, người ta khẳng định được giá trị và hệ giá trị. Mọi di sản như Tết, lễ hội đều có giá trị và khẳng định hệ giá trị. Từ việc khẳng định hệ giá trị đó, chúng ta chỉ ra được bản sắc của chúng ta với các văn hóa khác, và chúng ta bảo tồn nó.

Trách nhiệm tiếp theo là quảng bá. Đối với lớp trẻ, chúng tôi khơi dậy ở họ sự hiểu biết và khơi dậy ở họ sự nhận định để tìm ra bản sắc của giá trị. Đặc biệt là khơi dậy sự phát huy và phát triển các nét đẹp văn hóa truyền thống.

TS Bùi Thị Như Ngọc: Giáo dục nét đẹp phong tục truyền thống văn hóa của dân tộc cho giới trẻ là công tác rất quan trọng và cần sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành và của bản thân mỗi người.

Tôi nhìn nhận ở 3 khía cạnh. Thứ nhất là định hướng, chúng ta định hướng ở đây cho thế hệ trẻ thông qua việc giáo dục, phát triển truyền thống văn hóa của dân tộc cho giới trẻ. Định hướng cho các em biết như thế nào là chân giá trị, định hướng cho các em biết và được trải nghiệm, được thấy rõ những phong tục tập quán đó là của chúng ta, gắn với cái tôi văn hóa và bản sắc văn hóa của chúng ta. Để từ đó, giúp các em trở thành công dân hội nhập trong toàn cầu nhưng biết mình là ai, mình đang ở đâu, bản thân mình có những lợi thế gì,…để từ đó tự tin, bình tĩnh, vững bước đi lên.

Thứ hai là vai trò chỉ đường. Khi chúng ta chỉ đường với cách giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp cho thế hệ trẻ cũng là cách chúng ta chỉ đường một cách đúng hướng. Để cho các em biết đường này không chỉ là đường ta đi mà còn là đường của dân tộc ta đi, để biết cái tôi này luôn luôn được hòa tan trong cái ta của cộng đồng dân tộc. Để biết đi đường không chỉ là một mình, phát triển không chỉ là một mình, gìn giữ văn hóa không phải chỉ là một mình mà cần sức mạnh đồng thuận của cả dân tộc.

Thứ ba là tạo cơ sở nền tảng, gốc rễ sự phát triển và nguồn lực sức mạnh nội sinh của dân tộc, để các thế hệ trẻ khi có định hướng đúng, chỉ đường đúng thì sẽ được đứng trên một thế đứng vững chắc. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, từ đó sẽ có các hành động đúng đắn.

Từ đó, giúp các bạn trẻ trong tương lai gần góp phần tạo ra và lan tỏa các giá trị của những phong tục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, phù hợp với yêu cầu và sự phát triển của xã hội đương đại ngày nay.

PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ và TS. Bùi Thị Như Ngọc!./.


Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra