Góc nhìn văn hóa về Rằm tháng Bảy

Thứ bảy, 17/08/2024 19:53
(ThanhtraVietNam) - Lễ Vu Lan và lễ Xá tội vong nhân có phải là một? Nguồn gốc của ngày lễ Rằm tháng Bảy này có từ đâu?

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì ngày Rằm tháng Bảy có ba nguồn gốc:

1. Từ phong tục tết Trung Nguyên của người Hán ảnh hưởng sang nước ta.
 2. Từ triết lý nhân sinh của Phật giáo, đề cao tinh thần đạo hiếu, ân nghĩa. Ít người hiểu Vu lan nghĩa là gì?
 Từ “Vu - lan” được phiên âm từ chữ Hán 盂蘭 trích từ “Vu-lan-bồn”(盂蘭盆), liên quan đến Kinh Phật. Xét về từ vựng, “Vu lan” trong tiếng Việt không có một nghĩa trực chỉ nào cả, nó chỉ là từ phiên âm vay mượn dùng lâu thành quen. Người ta hay gọi tắt là lễ Vu - lan. Google dịch cũng không thể dịch được nghĩa từ “Vu lan” sang tiếng Trung đúng nghĩa ( chỉ dịch là “ Chúc may mắn” (祝你好运) mà thôi). Về sau hai từ nhập lại, thành là “Vu lan Báo hiếu”.
3. Từ tín ngưỡng dân gian của cộng đồng hướng về những kiếp nạn của chúng sinh, đau khổ; gieo thiện để gặp thiện. Theo thời gian ba gốc ấy đã ghép thành một cây “Rằm tháng Bảy” xanh tốt trong tâm thức người Việt ta từ xa xưa đến nay vừa đồng nhất vừa lẫn lộn.
Lễ hội Halloween của người phương Tây có nhiều nét tín ngưỡng/tôn giáo tương đồng với ngày Xá tội của người Á Đông.
Sau đây, là nguồn gốc và ý nghĩa ngày Rằm, xin mọi người đọc để hiểu thêm một phong tục đẹp đáng được gìn giữ phát huy. Để cùng chung tay khơi trong nét MỸ TỤC, góp phần gây dựng nếp VĂN MINH trong đời sống văn hoá chung trên hành trình tìm đến Chân Thiện Mỹ!...”
Rất nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn và cho rằng, lễ Vu Lan chỉ là tên gọi khác của ngày Xá tội vong nhân - Rằm tháng 7. Trên thực tế, đây thực sự là những ngày có ý nghĩa khác nhau, tuy có chung nguồn gốc ngoại lai, nguồn gốc Phật giáo hoặc từ tín ngưỡng dân gian song đều xuất phát từ những điển tích riêng biệt.

leftcenterrightdel
Thờ cúng tổ tiên tại các dòng họ

Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ đó, người ta lấy ngày này là ngày nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Truyền thuyết kể rằng, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Sau khi mẹ ông là bà Thanh Đề qua đời, ông muốn xem mẹ mình đang như thế nào nên đã dùng mắt phép nhìn khắp thế gian để tìm. Thấy mẹ bị cực hình ở địa ngục, thân thể tiều tuỵ vì đói khát, ông đã mang cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Nhưng do đói ăn lâu ngày, khi ăn, mẹ ông dùng tay che bát cơm vì sợ các cô hồn khác đến tranh cướp. Bởi vậy, khi bà đưa bát cơm lên miệng thì bị hóa thành lửa đỏ.
Đức Phật dạy ông rằng chỉ còn cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong cứu được mẹ. Nên vào ngày Rằm tháng 7, nhân lúc chư tăng mãn hạ, Mục Kiền Liên đã chuẩn bị một lễ dâng cúng và cầu xin các chư tăng cứu mẹ mình khỏi địa ngục. Lễ gồm hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay... dâng cúng các vị chư tăng. Mục Kiền Liên làm đúng như thế và cứu được mẹ.

leftcenterrightdel
Và tại gia tiên trong dịp Rằm tháng Bảy

Trong khi đó, lễ Xá tội vong nhân lại đề cao sự ban phước cho các cô hồn chưa được siêu thoát, còn lảng vảng trên trần gian. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày 15/7 âm lịch là ngày "mở cửa địa ngục", các cô hồn được xá tội, thoát về dương thế, vất vưởng khắp nhân gian. Vì vậy, mọi người đều cúng chúng sinh bằng cháo loãng, gạo, bỏng, muối… để siêu sinh cho những linh hồn không nơi nương tựa ấy.
Tích khác nói rằng, phật A Nan Đà khi đang ngồi trong tịnh thất thì có một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) hiện lên báo, 3 ngày nữa ông sẽ chết và hóa thành quỷ đói. Cách duy nhất để sống đó là cúng cho bọn quỷ đói thức ăn để được tăng thọ. Ngài còn được Phật truyền cho bài chú "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được ban thêm phước.
Riêng ở nước ta, người dân thường tổ chức cả hai lễ ấy vào cùng ngày Rằm tháng 7. Chỉ có điều, người phía Bắc thì trọng ngày Xá tội vong nhân hơn còn miền Trung và miền Nam thì đề cao lễ Vu Lan báo hiếu”. Nhân dịp lễ trọng, thiết nghĩ mỗi người nên nhận thức thấu đáo và đầy đủ hơn về ý nghĩa nhân văn của ngày Rằm tháng Bảy để có những việc làm cụ thể, thiết thực báo hiếu cha mẹ, các đấng sinh thành, dưỡng dục và mở lòng làm những điều thiện nguyện vì cộng đồng, nhất là những người nghèo khổ. Không nên hiểu đây là tháng đen đủi, tai ương mà rước mê tín dị đoan về nhà, trở thành nô lệ mù quáng cho những quan niệm lỗi thời, lạc hậu, ích kỷ!
Cúng thờ ai, cúng thờ như thế nào, xưa nay nếp nhà đã thế, xin theo mà làm, con cháu khắc sẽ được muôn đời thịnh phát!

Bùi Đức Hạnh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra