Hà Nội có ngôi làng 'lấy tên cha làm họ cho con gái'

Thứ tư, 16/01/2013 06:43
Con gái sinh ra không mang họ cha, mà lấy tên đệm hoặc tên cha làm họ, đó là tập tục của người dân xã Sơn Đồng, Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội.

Nếp xưa để lại

Làng Sơn Đồng, nơi nhiều đời nay nổi tiếng với nghề chế tác đồ thờ gỗ như tượng Phật, hoành phi, đồ thờ cúng tổ tiên. Sơn Đồng được biết đến với nhiều nghệ nhân danh tiếng lưu truyền: cụ Bá Hộ (nghệ nhân chế tác tượng), cụ Bá Thiên (nghề làm đèn), cụ Bá Đề (nghề dệt, thêu).

Ngoài nghệ thuật chế tác thì Sơn Đồng còn nổi tiếng với một tập tục kì lạ là lấy tên cha làm họ cho con gái. Phong tục này có từ bao giờ thì không còn ai biết rõ, chỉ biết rằng nó vẫn được người dân xã Sơn Đồng lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này này đời khác.

Cụ Nguyễn Trí Tách là người am hiểu tường tận lịch sử xa xưa của Sơn Đồng. Năm nay cụ Tách đã ngoài 80 tuổi nhưng đôi mắt vẫn còn rất sáng, da vẫn hồng hào và khuôn mặt cụ đầy phúc hậu. Cầm chén nước chè tươi trên tay, cụ Tách chia sẻ: “Tập tục lấy tên cha làm họ cho con gái là nét đặc trưng của Sơn Đồng từ ngàn xưa”. 

Cụ Nguyễn Trí Tách

Giảng giải về họ lạ, cụ Tách tiếp tục: “Vì con gái lấy tên đệm hoặc tên cha làm họ nên có nhiều họ lạ và hay. Dòng họ nhà tôi là Nguyễn Trí, một trong những dòng họ lớn trong làng, tên tôi là Nguyễn Trí Tách vì thế các con gái tôi sẽ lấy họ là Trí như: Trí Thị Hương, Trí Thị Lý. Ở Sơn Đồng, con gái có nhiều họ “độc” mà cả nước không có như: Hữu Thị Hoa, Duy Thị Hậu, Viết Thị Thanh, Quý Thị Vân, Văn Thị Nhàn, Thiện Thị Thu, Doãn Thị Hợp, Khắc Thị Chung…"

Trường hợp lấy tên cha làm họ là do các gia đình có họ tên hai chữ như: Nguyễn Duy, thì con gái là Duy Thị Mai, Duy Thị Hạnh. Tên cha là Hoàng Văn thì tên con gái là Văn Thị Hồng. Vì thế anh chị em trong nhà cũng có họ khác nhau, khi con trai vẫn giữ nguyên họ của cha.

Lật cuốn lịch sử làng để lại bao đời nay, màu giấy đã ố vàng hoen cũ theo thời gian, song không hề quăn nếp, cụ Tách chậm rãi: “Cả Sơn Đồng ban đầu chỉ có hai dòng họ gốc là Nguyễn và Trần, sau đó sinh sôi nảy nở như bây giờ”.

Cụ Tách và các bô lão trong các dòng họ nghiên cứu từ gia phả, các bút tích cổ không tìm thấy lời giải đáp nào. Chỉ có thể khẳng định từ xa xưa đến nay, đời nọ truyền đời kia, và thành tập tục của làng.

Họ “lạ” - nhiều phen ra nước mắt

Khi được hỏi về tập tục này, bà Trí Thị Mùi thừa nhận: "Mặc dù tập tục là bản sắc văn hóa cần giữ gìn, nhưng có không ít điều bất cập trong đời sống hàng ngày, nhất là đối với phụ nữ học tập, làm việc, sinh sống nơi khác. Hàng loạt các vấn đề rắc rối khi làm giấy khai sinh, thủ tục nhập học, vay vốn do họ của con khác với họ của cha nên nhiều khi "khóc không được, cười cũng không xong”".

Bà Mùi kể rằng, nhiều chị em trong xã làm ăn xa tận Sài Gòn, Tây Nguyên, Đồng Nai, Kiên Giang… nhưng đã phải vượt cả nghìn cây số về xã chỉ để xin giấy xác nhận là con của chính cha mình.

“Khổ lắm cô ạ!”, bà Mùi thở dài. Đã có người bị lỡ cơ hội đi học ngoài, làm việc do không kịp chứng minh quan hệ huyết thống. Đây là chuyện diễn ra thường xuyên tại Sơn Đồng.

Theo hồ sơ lưu trữ hộ khẩu xã Sơn Đồng có gần 9.000 nhân khẩu và hơn 40 dòng họ. Đa số phụ nữ sinh ở thế kỉ trước lấy tên cha làm họ. Sang thế kỉ này, tập tục này bắt đầu giảm dần. Tập tục đặt họ con gái theo tên cha được giữ gìn theo gia phả, nhưng để tránh những bất cập, mấy năm trở lại đây, họ con gái cũng được phép giữ nguyên họ cha.

Trên mảnh đất Việt này, nơi đâu cũng còn những tập tục truyền thống, gìn giữ nét văn hóa ấy chính là chưng cất hương đất, hồn quê cho mai sau. Sơn Đồng có nhiều họ lạ dù đang lùi xa về phía sau, nhưng câu ca dao dân gian vẫn cứ vang ngân nhẹ nhàng, man mát như chén trà mộc thơm mùi phảng phất: “Trai Sơn Đồng khéo tay đục tượng/Gái Sơn Đồng dẻo tay thếp bạc, thếp vàng”.

Theo Vũ Trang

PetroTimes

 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra