Hàng chè tàu quê ngoại

Thứ năm, 24/06/2021 10:04
(ThanhtraVietNam) - Quê ngoại nằm ở ven sông, sớm chiều ngóng gió sông Hồng thổi lên hai lượt. Mùa hè, khi cái nắng đã ngà ngà tắt, ông ngoại đưa tay đẩy cửa sổ ra đón gió là gặp ngay hình ảnh hàng chè tàu hiền lành đứng đó.

Tuổi thơ của tôi gửi lại trong từng bờ ao, gốc ổi, góc vườn và trong cả hàng chè tàu giản dị, thân thương. Hàng chè tàu uốn lượn quanh ngõ như chứng nhân cho bao nhiêu biến cố, bao thay đổi của đời người. Không sang trọng, đượm buồn như “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” trong thơ Nguyễn Khuyến, hàng chè tàu quê ngoại chất phát như chính con người nơi đây.

leftcenterrightdel
Hàng chè tàu quê ngoại gắn liền với những năm tháng tuổi thơ tôi. Ảnh: Nhân vật cung cấp 
Chè tàu hay trà hàng rào (trà cọc rào) là loài cây có xuất xứ hoang dại, dễ trồng. Chọn lúc thời tiết thuận lợi mà dâm cành bánh tẻ là cây rất nhanh bén rễ, đâm chồi. Chè tàu mọc thành bụi độc lập, lá rậm rạp nên thường được trồng làm hàng rào xung quanh vườn nhà hay quanh ngõ. Chè tàu tạo thành một bức tường xanh đẹp mắt. Công phu hơn nếu khéo cắt lá tỉa cành theo một hình dạng một thời gian sau sẽ tạo thành dáng chim công, chim hạc thanh cao. Cùng với hàng rào râm bụt, hàng rào chè tàu là trở thành nét rất gần gũi, không thể thiếu của thôn quê Việt Nam.

Đều đặn như Tết đến, tiễn ông Táo xong là ông ngoại tôi tỉa hàng chè. Trong hơi đất ẩm ướt mùa xuân có mùi ngai ngái của lá chè tàu mới tỉa. Hàng chè tàu đang độ xuân về, lá non mơn mởn, cành non đua nhau tua tủa trổ lên, bỏ mặc những cành già không đủ sức vươn lên nằm bẹp dưới thấp. Hàng chè tàu mới tỉa xong đều tăm tắp, gặp mưa xuân, chỉ vài hôm, lá non lại nhú lên mỡ màng. Chè tàu chỉ thay áo mới vài tuần lúc cuối đông, đầu xuân. Hết xuân, nó lại choàng lên mình chiếc áo xanh đậm màu quen thuộc. Chè tàu chỉ sống ở quê nên cũng mang cái phong vị của người quê tần tảo, chỉ chơi Tết vài ngày rồi quanh năm khoác chiếc áo nâu lam lũ một nắng hai sương. Cái màu xanh đậm bền bỉ ấy mặc kệ nắng, mặc kệ gió khắc nghiệt vẫn săn chắc, đầy sức sống. Chè tàu không cảnh vẻ, chẳng đòi chăm sóc thường xuyên, bỏ mặc nó, nó vẫn sống kiên cường đến lạ kì. Nó quen thuộc với người dân quê tôi như cây lúa, như bờ ao hồn hậu, đến một ngày chặt bỏ đi rồi mới thấy thiêu thiếu, tiếc nhớ cái gì như cảnh cũ, người xưa.

Hàng chè tàu gắn bó với tôi từ thuở còn thơ bé. Nó đứng đó, chứng kiến bao lần tôi hờn dỗi, bao lần chơi đồ hàng trước ngõ, bao lần ngóng bà đi chợ về để đòi quà, bao lần buổi trưa không chịu ngủ, vạch hàng chè chui sang vườn hàng xóm bắt ve sầu. Mỗi mùa hè trôi qua, tôi lớn dần, rồi cao hơn hàng chè tàu lúc nào không nhớ nữa. Không còn là con ranh áo đỏ ngang ngạnh đòi mua kem mút 200 đồng mỗi buổi chiều, tôi hình như đã bắt đầu hiểu chuyện hơn và ghi nhớ những câu chuyện tình cảm gia đình bên hàng chè tàu. Đó là lần ông ngoại được sum họp quây quần đủ đầy với anh em ba miền Bắc Trung Nam. Những người em trai, em gái của ông vì chiến tranh chia cắt mà xa cách bao năm mới trở lại quê hương. Ngày các ông, các bà trở về đi giữa hàng chè tàu chắc cũng ngậm ngùi xúc động như bây giờ tôi đang gõ những dòng thương nhớ này. Mỗi lần đi xa về, bước vào ngõ xóm thân quen là gặp hàng chè tàu. Lá như đang vẫy chào, gợi nhắc những kỷ niệm sâu đậm của riêng mình cất giữ. Đó là hàng chè tàu của gia đình, hàng chè tàu của những thế hệ đang nối tiếp nhau.

Bao tháng, bao năm, màu xanh đậm của hàng chè vẫn thuỷ chung không thay đổi. Hàng chè tàu mộc mạc tiễn tôi đi. Hàng chè tàu ấm áp đón tôi về. Nguyễn Tuân nhìn sông Đà như một cố nhân, còn tôi thấy hàng chè tàu như bến bình yên cho kí ức tuổi thơ neo đậu. Không nói một lời mà gắn bó đến lạ kì, mà thương, mà nhớ da diết mỗi khi nghĩ về quê ngoại. Trong nỗi nhớ quê ngoại của tôi có dáng ông chăm chú cặm cụi tỉa chè tàu, có dáng bà thong thả cắp rổ đi chợ mỗi sớm mai giữa đôi hàng chè uốn lượn, quanh co, có tôi nhảy dây ngã khóc nhè, có tôi bị trẻ lớn bắt nạt chạy về mách ông, có tôi hí hoáy cầm chổi mo cau quét ngõ cho bà...

Thời gian thao thiết trôi, lũ trẻ cứ lớn dần rồi đi xa. Tôi cũng đi xa, học xa, làm xa, cứ miệt mài ngược xuôi thành thị mà xa cách dần với quê ngoại nhưng tình yêu thương thì còn mãi. Bao nhiêu thời gian đã qua, hàng chè tàu vẫn âm thầm đợi tôi về. Quê ngoại vẫn bình yên bên bờ sông lộng gió hai buổi sớm chiều. Rưng rưng biết bao mỗi khi nhắc về quê ngoại yêu thương. Nào là chè xanh bà ngoại nấu trưa hè, nào là chè khô, chè búp ông ngoại pha mỗi sáng. Hàng chè tàu thăm thẳm vẫn chạy trong kí ức tuổi thơ tôi để giờ đây cứ thấy tiếc, thấy nhớ về những tháng ngày ngọt ngào, trong trẻo, bình yên, lắng sâu trong chiếc kén vàng mà năm tháng đã se lên.

“Quê hương là gì hả mẹ/ Mà cô giáo dạy phải yêu? Quê hương là gì hả mẹ/ Ai đi xa cũng nhớ nhiều?” Những câu thơ nho nhỏ của nhà thơ Đỗ Trung Quân đã diễn tả những điều rất gần gũi về khái niệm quê hương. Bằng tình yêu, bằng niềm thương, nỗi nhớ, quê hương tự bao giờ đã trở thành một phần quan trọng tạo nên tâm hồn mỗi người. Và quê hương của mỗi chúng ta thường bắt đầu từ những điều bình dị nhất, như là hàng chè tàu thương nhớ của tôi…

Thu Thu

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra