Trong cuộc đời cách mạng, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đón được ngót 30 mùa xuân nơi đất khách quê người, trong đó có cả những mùa xuân phải sống trong cảnh tù đày, lao khổ. Bôn ba khắp năm châu, bốn biển, đến mùa xuân 1941, Người trở về vùng núi Tây Bắc (Cao Bằng), trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược:
Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!
Nhớ thương hòn đất, ấm hơi Người
Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi.
(Thơ Tố Hữu)
Từ thuở ấy, mỗi khi mùa xuân về, Bác Hồ đều có thơ chúc Tết đồng bào chiến sĩ cả nước. Thơ Tết của Bác Hồ là những vần thơ giản dị, thể hiện tầm nhìn của một lãnh đạo thiên tài. Thơ xuân của Bác Hồ là nguồn động viên đối với mọi người. Một tư liệu cho biết trong cuộc đời hoạt động Bác đã viết 19 bài thơ chúc Tết. Về nước năm 1941, năm 1942 Bác đã có thơ xuân:
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau
Chúc Việt Minh ngày càng tiến tới!
Năm 1947, Bác làm thơ chúc Tết trong tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp. Lời thơ của Bác Hồ giống như bài hịch âm vang sông núi. Như Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió…
Trong những ngày xuân xưa, Bác Hồ thường đi thăm các làng xóm dân nghèo, Bác quan tâm các cháu thiếu niên nhi đồng và nhân dân lao động... Tết Độc lập đầu tiên, Bác đi thăm các gia đình nghèo ở Hà Nội. Bác vào nhà không báo trước. Ngày Tết mà gia đình chẳng có gì là mừng xuân. Tối 30 có người còn đi gánh nước thuê. Có người dân nghèo xúc động thốt lên: “Không ngờ Bác Hồ đến thăm gia đình cháu”.
Bác Hồ luôn dành những ngày Tết đến xuân về để đi chúc Tết và cảm ơn những người đã từng cưu mang mình. Năm 1931, Bác bị bắt bỏ tù ở Hồng Kông, một luật sư ở Vương quốc Anh đã cảm kích và bào chữa miễn phí cho Bác thoát khỏi nhà tù Hồng Kông. Sau này, khi lên làm Chủ tịch nước, Bác nhớ lại mối ân tình ấy nên bàn với Bộ Chính trị mời cả nhà vị luật sư ấy sang thăm nước ta. Bác Hồ còn ra sân bay Gia Lâm để đón gia đình ân nhân của mình.
Gặp nhau, họ bồi hồi ôn lại những kỷ niệm xưa. Bác Hồ mời gia đình luật sư đi thăm thú nhiều nơi ở thủ đô Hà Nội. Khi đến nơi ở và làm việc của Bác, cả gia đình vị luật sư Anh Quốc tỏ vẻ rất lạ và không hiểu vì sao một vị Chủ tịch nước lại có thể sinh sống ở một nơi quá bình dân như vậy! Khi được nghe cuộc sống hiện tại của Bác, bà luật sư đã nói: Hồ Chí Minh là người đã hy sinh tất cả cho dân, cho nước. Còn ông luật sư thì nhận định: “Tôi tin Việt Nam sẽ có một vị trí đặc biệt trên thế giới với nhà lãnh tụ tài ba Hồ Chí Minh trong tương lai”.
Sinh thời, Bác có tác phẩm “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?” Người chỉ rõ: “Chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân”.
Bác còn chỉ đạo:
Mừng Xuân mừng cả thế gian
Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân.
Chúng ta hiểu lòng Bác, mùa xuân gắn với những điều tốt đẹp, được nhân lên với cả cỏ cây sông núi. Bác cũng viết:
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Để cho đất nước càng ngày càng Xuân!...
Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022 - chúng ta hãy hy vọng một năm mới tương lai của đất nước sẽ tươi sáng hơn, nhân dân ta sẽ vững tin hơn và cả nước ta sẽ vượt qua được đại dịch Covid-19 quái ác…
Nguyễn Tấn Tuấn