Kỳ 1: Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo

Thứ sáu, 13/01/2023 11:59
(ThanhtraVietNam) - Quyền tự do tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người (nhân quyền) được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (viết tắt là Công ước hoặc ICCPR) mà Việt Nam là thành viên từ năm 1982. Trên cơ sở những quy định chung được nêu tại Điều 18 Công ước, Việt Nam đã nỗ lực đáng kể để bảo đảm quyền tự do tôn giáo được tôn trọng và thực thi trên thực tiễn.

Cơ sở bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tín ngưỡng, tôn giáo với gần 100 triệu dân và 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống riêng với nhiều loại hình khác nhau. Tôn giáo, tín ngưỡng là một bộ phận không thể tách rời trong đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân ta. Để hướng đến các giá trị Chân, Thiện, Mỹ mà tôn giáo đem lại cũng như để đảm bảo quyền tự do tôn giáo của mọi người, Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán đối với việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX) về công tác tôn giáo đã chỉ rõ: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 01/2021), phần Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 xác định: “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”.

Thể chế quan điểm của Đảng, Điều 24 Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Nội luật hóa quy định tại Khoản 3, Điều 18 của Công ước, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Theo đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người, nên việc quy định hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải được quy định cụ thể và bằng luật.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” ( Khoản 1, Điều 6); “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.” (Khoản 1, Điều 3); “Các hành vi bị nghiêm cấm: 1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.”

Đây là cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật và phù hợp với đời sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam./.

leftcenterrightdel
Đại lễ Phật đản Vesak 2019 tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam. Ảnh minh hoạ: baodantoc.vn 

Nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền tự do tôn giáo và phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo

Trong thời gian qua, được sự đồng thuận và ủng hộ của đại đa số các tầng lớp nhân dân, trong đó có các tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật.

Theo số liệu báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 12/2021, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động (tăng 10 tôn giáo và 28 tổ chức so với năm 2003); với hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm 27% dân số), hơn 54.000 chức sắc, 135.500 chức việc, hơn 29.600 cơ sở thờ tự tôn giáo và khoảng hơn 50.000 cơ sở tín ngưỡng. Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), có 5 chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và hơn 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo đã được công nhận hay cấp đăng ký hoạt động tôn giáo đều thực hành sống đạo, gắn bó, đồng hành với dân tộc, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo” và có đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Có thể thấy rằng, các hoạt động tôn giáo ở nước ta ngày càng diễn ra sôi nổi để đảm bảo nhu cầu của hơn 26,5 triệu tín đồ. Những ngày lễ trọng của các tôn giáo như lễ Phật đản của Phật giáo; Lễ Giáng sinh của Công giáo và Tin Lành; Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của đạo Cao đài; Tháng Ramadan của Hồi giáo… được tổ chức trang trọng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nhiều lễ hội tôn giáo đã trở thành lễ hội văn hóa cộng đồng được đông đảo nhân dân hưởng ứng và tham gia (lễ Giáng sinh, lễ Phật đản,...).

Tại Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945-2/9/2022), 108 đại biểu đại diện cho 43 tổ chức tôn giáo đã bày tỏ vui mừng trước những thành tựu to lớn của đất nước; khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành sát sao với Đảng, với Nhà nước trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, đặc biệt là các chính sách về tôn giáo; và hơn hết, sẽ không ngừng góp sức mình duy trì và củng cố công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để những giá trị về văn hóa, đạo đức của Việt Nam ngày một bền vững hơn ...

Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính không ngừng ghi nhận sự đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo. Với vai trò cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, chức sắc, chức việc các tôn giáo luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động các tín đồ hưởng ứng và tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái, các tôn giáo không chỉ nỗ lực thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ như tạm dừng các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo theo hình thức trực tuyến,... mà còn tích cực ủng hộ cho “Quỹ vacxin phòng, chống COVID-19” và góp tiền, nhu yếu phẩm để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.

Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tăng cường các hoạt động giao lưu quốc tế

Thực hiện các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam luôn tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động giao lưu, đối ngoại tôn giáo. Chức sắc, tín đồ được tham gia các hoạt động tôn giáo, học tập, đào tạo ở nước ngoài như tham dự các hội nghị, hội thảo, tọa đàm và thực hành giáo lý, giáo luật... Năm 2019, có khoảng 250 tăng ni và linh mục được du học tại châu Á, châu Âu, và các nơi khác. Qua đó thắt chặt mối quan hệ của tổ chức tôn giáo Việt Nam đối với các tổ chức tôn giáo nước ngoài, đồng thời khẳng định với các nước về việc Việt Nam luôn tôn trọng, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo trong nước được phát triển.

Không dừng lại ở đó, Việt Nam còn tạo điều kiện cho các chức sắc, tín đồ các tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam sinh hoạt tôn giáo. Từ năm 2012 tới năm 2019, đã có khoảng 370 đoàn tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo…) và hơn 1.000 cá nhân, tổ chức nước ngoài vào Việt Nam tham gia các hoạt động tôn giáo. Ngoài ra, Nhà nước cũng hỗ trợ các tổ chức tôn giáo tổ chức thành công nhiều sự kiện tôn giáo quốc tế quy mô lớn như: tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak 2019) với hơn 1.650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự; tổ chức năm Thánh Tổng hội Dòng Đa Minh thế giới với sự góp mặt của 140 đại biểu của các tỉnh dòng trên thế giới, Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Đến Việt Nam, các kỳ Đại hội của tổ chức tôn giáo... đặc biệt là việc Việt Nam và Vatican đang trong lộ trình đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Những hoạt động tôn giáo quốc tế này của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Điều đó cũng là minh chứng rõ ràng nhất phản bác luận điệu của các thế lực thù địch đối với vấn đề tự do tôn giáo của nước ta.

Bên cạnh đó, trong định hướng đối ngoại nhân dân, Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia đối thoại với các nước về các vấn đề tự do tôn giáo thông qua các cuộc họp, các hội thảo, diễn đàn. Chúng ta luôn tạo điều kiện tốt nhất để cho các đoàn chức sắc tôn giáo Việt Nam tham dự các sự kiện trong khu vực và quốc tế như: Đối thoại liên tín ngưỡng Á - Âu (ASEM), đối thoại Liên tín ngưỡng khu vực châu Á - Thái Bình Dương… Việt Nam có những buổi đối thoại song phương, đa phương thông qua các kênh đối thoại nhân quyền thường niên với các nước Mỹ, Úc, Na Uy và các nước châu Âu khác. Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra báo cáo về Tự do tôn giáo của Việt Nam, chúng ta đã lập tức lên tiếng và thể hiện thiện chí sẵn sàng tham gia đối thoại để làm rõ những điểm khúc mắc và sai lệch trong báo cáo, nhấn mạnh “Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước".

Không những vậy, chúng ta đã mời Đại sứ lưu động về tôn giáo, nhân quyền, USCIRF sang thăm Việt Nam để chứng kiến những nỗ lực và thành tựu trong việc đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngay tại hội nghị COP 26 diễn ra vào tháng 11/2021 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đứng ra tuyên bố: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai về vấn đề nhân quyền”. Thiết nghĩ, nếu Việt Nam hạn chế quyền con người nói chung và quyền tự do tôn giáo nói riêng thì liệu có dám thẳng thắn, sẵn sàng công khai đối thoại như thế không?

CTV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra