“Lạm dụng quyền lực” đang khiến hình ảnh cô giáo xấu đi trên bục giảng

Thứ năm, 12/04/2018 13:45
“Cô giáo quyền lực” lên lớp không giảng bài, hành xử thiếu đạo đức khi bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng, những hiện tượng này đang khiến hình ảnh cô giáo trở nên xấu xí trên bục giảng.

Nói về vấn đề này, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội bày tỏ thái độ bức xúc. Ông cho rằng đây là hệ quả của những lỗ hổng trong đào tạo, quản lý giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.

“Tất nhiên, những giáo viên này đã có hành xử thiếu mô phạm, thậm chí thô bạo với tâm lý của học trò. Tuy nhiên, cái sai của họ là sai của cả một hệ thống. Để đổ lỗi cho các cô cần phải nhìn nhận lại hệ thống giáo dục của chúng ta. Trên bục giảng, hình ảnh của người giáo viên đã xấu đi rất nhiều”, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho biết.

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, đây là những câu chuyện phức tạp trên giảng đường. Điều quan trọng là cần đi tìm nguyên nhân nguồn cội, sâu xa nhất để hiểu rõ căn nguyên và xử lý chứ không thể hoàn toàn lên án các cô giáo.

leftcenterrightdel
 Nữ sinh Phạm Song Toàn chia sẻ trong nước mắt về việc cô giáo dạy toán lên lớp không giảng bài trong 3 tháng liền. 

“Nền giáo dục Việt Nam thực sự đang có quá nhiều vấn đề bất cập, từ sách giáo khoa đến chất lượng giảng dạy, đạo đức giáo viên, học sinh. Còn hiện nay, nhà trường giống như "ốc đảo" giữa xã hội”, ông nói.

Bàn về vấn đề này, nhà văn Đặng Vương Hưng lại cho rằng, giáo viên cũng chỉ là một nghề, có mặt trái và mặt phải.

Ông viện dẫn câu nói “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, ngoài ra mới đến sư phạm”. “Từ trước đến nay, thầy giáo cô giáo được mặc định phải là những người có đạo đức, chuẩn mực trong cuộc sống. Tuy nhiên, có một thời gian dài, họ không được quan tâm.

Những người theo học sư phạm được mặc định là có học thức bình thường, thậm chí thua kém đối với nhiều ngành nghề khác như Y, Dược, Bách Khoa. Sau này, có lẽ vì những quy định về đạo đức nghề nghiệp từ xã hội mà nhiều giáo viên đã phải gồng mình lên để chấp nhận và để được ca ngợi. Cho đến lúc, họ bị ức chế hoặc không thể giấu giếm mặt trái của nghề.

Nhà văn Đặng Vương Hưng cho hay, hiện nay, số lượng giáo viên quá đông, thậm chí thừa do có một thời kỳ đào tạo quá nhiều. “Việc đào tạo ồ ạt, thiếu chất lượng, kiểm soát đã dẫn đến những hệ lụy đáng buồn như trường hợp cô giáo quyền lực đến lớp không giảng bài, cô giáo phạt học sinh bằng cách bắt uống nước giặt từ giẻ lau bảng. Trong một môi trường đông đúc thì sẽ có người tốt, người xấu, đó là điều không tránh được”.

Nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết thêm, những hành động đó chỉ là cá biệt chứ thực tế không phải là phổ biến. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn khẳng định, đây là những hình thức xử phạt học sinh rất đáng lên án, phản giáo dục, là dấu lặng đáng buồn về hình ảnh nữ giáo viên trên bục giảng.

“Cách hành xử đó đối với người bình thường đã khó chấp nhận. Đối với một cô giáo, lại càng không thể”, ông bày tỏ.


Theo Lao động

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra