Ý nghĩa việc tặng quà Tết
Tặng quà không chỉ là cách để thể hiện tình cảm, sự quan tâm mà còn đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn. Tặng quà ngày Tết còn là thông điệp ý nghĩa về lời chúc năm mới may mắn, an khang đến những người mà ta yêu mến. Tặng quà Tết không chỉ là quan hệ tình cảm đơn thuần giữa người với người mà còn là nét đẹp trong văn hóa ứng xử, đạo lý làm người. Người Việt rất thận trọng trong mọi lời nói, cử chỉ trong dịp Tết nhằm cầu mong sự an lành, may mắn sẽ đến trong năm mới và tránh được những điều xui xẻo, không may mắn.
Từ lâu, văn hóa tặng quà Tết đã ăn sâu vào nếp sống người Việt. Mỗi món quà trang nhã, hình thức đẹp đẽ, gọn gàng và có ý nghĩa là lời chúc may mắn, tốt đẹp đến người thân. Xuất phát từ quan niệm này mà người ta thường tặng nhau những món quà ý nghĩa. Đối tượng được biếu quà là cha mẹ, người lớn tuổi, người có ơn đối với mình,… khi trao quà, chúng ta đưa bằng hai tay, thành kính, lễ phép và trang trọng.
Khi tặng quà, nếu người tặng muốn gửi gắm tình cảm vào món quà, họ sẽ luôn muốn nó thật đặc biệt. Có người nghĩ đến sự đặc biệt là cái hữu dụng của món quà đó, tức là họ chi tiết tới mức xác định rõ người nhận quà thích gì, và mình sẽ cố gắng tìm được món quà như ý. Có người thì nghĩ đến sự khác lạ, khác biệt, với cách gói ghém làm sao nổi bật, độc đáo nhất. Có người thì nghĩ đến ý nghĩa của món quà, và cố mọi cách gửi gắm vào đó từng thông điệp mà họ mong muốn. Tặng quà có nhiều mục tiêu, nhưng cho dù có hướng đến mục tiêu nào cho món quà đi nữa, chắc chắn người tặng quà cũng phải tâm huyết, đầu tư suy nghĩ cho món quà mình sẽ tặng.
Đừng biến tướng và đừng để quà Tết bị biến tướng
Việt Nam bước vào tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế với “hành trang” là một nền sản xuất lạc hậu, khép kín, kinh tế khó khăn. Và sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng khá cao, liên tục và bao trùm, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển.
Đời sống được cải thiện, từng bước nâng cao thì việc tặng quà trở nên phổ biến hơn. Việc tặng quà cũng được người tặng "thực tế" hơn, có khi để gửi gắm nội dung, thông tin, hàm í trong đó. Dịp tặng quà "xôm tụ" nhất chính là dịp Tết, có những món quà gói ghém tình cảm của người tặng và chứa đựng sự tri ân của mình với người nhận quà. Tuy nhiên, cũng có những món quà tiêu cực, kiểu như cấp dưới đến nhà cấp trên như cái lệ, đến để "điểm danh", đến để cậy nhờ, thậm chí là mua chuộc lẫn nhau, vay nợ nhập nhằng không sòng phẳng, tặng qua vì một mục đích, lợi ích nào đó...
Ngày 9/12/2020, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Ban Bí thư ký ban hành Chỉ thị 48-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2021. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, trong đó nhấn mạnh việc: "Tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi..."
Có thể thấy, việc tặng quà ngày Tết là một nét đẹp mang nhiều ý nghĩa. Song, ở đâu đó trên thực tế việc tặng quà Tết bị "biến tướng" xuất phát từ mục đích, động cơ ẩn chứa sau việc tặng quà và đối tượng tặng quà và nhận quà mới là điều đáng lưu tâm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh, điều kiện mới hiện nay của đất nước, khi tinh thần phòng, chống tham nhũng đang “lên cao”, đạt được nhiều thành tựu đáng kể, thì việc cấm tặng quà ngày Tết, chúc Tết, tổ chức lễ hội bằng ngân sách trong môi trường cơ quan nhà nước là hợp lý, có tính thời sự.
Các tổ chức đảng, mỗi đảng viên cần nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, đi đầu nghiêm chỉnh chấp hành, không chống đối, chống chế, lách quy định, những việc làm này, nếu làm tốt, có hiệu quả, sẽ đóng góp vào sự ổn định, phồn vinh của đất nước, sự liêm chính của nhà nước./.
Lan Anh