Mịch Quang - cây đại thụ của nghệ thuật Tuồng Việt Nam

Thứ sáu, 02/02/2018 14:18
(ThanhtraVietNam) - Trong nền sân khấu và nghệ thuật truyền thống của dân tộc, có lẽ nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang là người cao niên nhất còn trụ lại với đời. Ở tuổi 100, ông đang hiện diện như một biểu tượng về sự trường tồn của nghệ thuật dân tộc.

Sinh ra trên quê hương Bình Định, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nổi tiếng về văn thơ và Hát bội, nơi sản sinh, nuôi dưỡng nhiều danh nhân gắn liền với nghệ thuật sân khấu truyền thống Hát Bội như Đào Duy Từ, Nguyễn Diêu, Đào Tấn… đã nuôi dưỡng tâm hồn Mịch Quang từ nhỏ. Khi mới 5 tuổi, ông đã biết hát hành vân, bình bán của cải lương; 10 tuổi biết hò giã gạo, bài chòi, tuồng bội, ngâm thơ và sau này biết cả nhạc Huế, nhạc Tây.

Có thể khẳng định, soạn giả Mịch Quang đã có nhiều đóng góp giá trị trên hai lĩnh vực nghiên cứu và soạn giả sân khấu, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1999, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2015.

Thành tựu của một “lão tướng Tuồng”

Trên lĩnh vực sáng tác, ông là một tác giả xuất sắc có những đóng góp quý báu trong suốt hơn nửa thế kỷ qua cho nghệ thuật sân khấu Tuồng cách mạng Việt Nam. Từ vở tuồng đầu tiên “Đường về Lam Sơn” năm 1951, soạn giả Mịch Quang đã sáng tác ở các đề tài lịch tử, dã sử đến hiện đại… được các đơn vị nghệ thuật Tuồng cả nước dàn dựng và biểu diễn. Trong đó, phải kể đến các vở “Má Tám”, “Hộp truyền đơn”, “Vua Hùng kén rể”, “Quang Trung”, “Phất cờ nương tử”, “Giấc mộng hồ hoa”, “Thanh gươm hát bội”, “Nỗi lòng người mẹ”… được giới sân khấu đánh giá cao.

Từ những sáng tạo của Mịch Quang, nhiều nhà khoa học nổi tiếng trong nước và thế giới đã suy tôn ông là “người đặt viên gạch đầu tiên cho sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống Việt Nam”, là “bậc thầy của Tuồng”, là “nhà lý luận hàng đầu của sân khấu Việt Nam hiện đại”, là “chiến sĩ xung kích dũng cảm nhất”, là “học giả uyên bác”, là “lão tướng của nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc”…

leftcenterrightdel
 Hội thảo 100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang do Hội Nghệ sĩ Sân Khấu Việt Nam tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo độc giả, giới nghiên cứu (ảnh: Minh Nguyệt)

Tại buổi hội thảo nhân 100 năm ngày sinh của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang mới diễn ra do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định: “Ông sáng tác không nhiều nhưng những sáng tác của ông là minh chứng cho những vấn đề mà ông dành thời gian nghiên cứu về đặc trưng, về cấu trúc, về mỹ học,… của nghệ thuật sân khấu truyền thống. Vì vậy, những kịch bản của ông sáng tác từ ngôn ngữ đến cấu trúc, hình tượng nhân vật được ông đầu tư rất công phu, đặc biệt là nhân vật phụ nữ”.

Trong sáng tác của mình, ông luôn theo nguyên tắc trong đặc trưng tuồng – từ sáng tác kịch bản, hát, múa, diễn tuồng sân khấu tuồng (sân khấu hiện thực tả ý) một cách nhuần nhuyễn.

Nhà nghiên cứu tư duy phản biện, phát hiện vấn đề, bách khoa liên ngành

Theo đánh giá của PGS. TS Trần Đắc Trí, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang – cây đại thụ của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật Tuồng hội tụ đủ các yếu tố của một nhà nghiên cứu, đó là tư duy phản biện, phát hiện vấn đề và tri thức bách khoa – liên ngành.

Bởi nhờ có tư duy phản biện mà Mịch Quang đánh giá, nhận thức đúng, sai của những quan điểm người khác về con đường phát triển nghệ thuật dân tộc trước làn sóng tiếp biến với các nguồn văn hóa mới từ bên ngoài vào nhằm tìm ra chân lý khoa học. Tuy nhiên, tư duy phản biện của ông không chỉ hướng vào những quan điểm của người khác mà còn phản biện vào những công trình của mình rất nghiêm khắc. Chính điều này giúp cho Mịch Quang có nhiều cống hiến cho khoa học nghệ thuật dân tộc được mới hơn, có tầm cao hơn, đồng thời các công trình của ông kín kẽ hơn, thận trọng hơn và thuyết phục được nhiều người hơn.

Bên cạnh năng khiếu bẩm sinh về tư duy phản biện, để làm nên một nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang còn phải kể đến khả năng phát hiện vấn đề của ông. Nhờ sự kết hợp giữa năng khiếu tư duy phản biện với phát hiện vấn đề, Mịch Quang đã tạo ra học thuyết phương pháp hiện thực tả ý; nguyên lý cấu trúc động – mở; lý thuyết đường cong và nghệ thuật tổng thể; tư tưởng trung tâm và phương pháp tương đối; tự sự – kịch tính – trữ tình hay”… Điều này tạo thành “chìa khóa vàng” cho các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc Việt Nam cũng như cho giáo trình nghệ thuật ở nhiều trường đại học trên thế giới.

Đặc biệt, Mịch Quang còn là nhà nghiên cứu có tri thức bách khoa – liên ngành. Ông hiểu biết về triết học, văn hóa học, dân tộc học, lịch sử học, văn học, mỹ học, nghệ thuật học, âm nhạc học, sân khấu học, kiến trúc học, vật lý học, sinh học… Mặt khác, ông còn am hiểu chữ Hán, am hiểu tác phẩm văn thơ cổ điển dân tộc, thành thạo tiếng Pháp, đọc nhiều tác phẩm văn học và khoa học phương Tây…

Hơn nửa thế kỷ cống hiến cho nghệ thuật dân tộc, có thể khẳng định, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang là một trong những người mở đường, một trong những người đầu tiên đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống của Việt Nam./.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra