Kết hợp khai thác tiềm năng của văn hóa với phát triển kinh tế, du lịch
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, các kết quả đó đã được biểu hiện cụ thể như nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa được nâng lên trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Thể chế văn hóa, chính sách văn hóa dần được hoàn thiện. Hệ thống thiết chế văn hóa tăng về số lượng và từng bước cải thiện về chất lượng. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào trong nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, lĩnh vực văn hoá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Vai trò của văn hoá trong phát triển kinh tế được chú trọng, kết hợp khai thác tiềm năng của văn hóa với phát triển kinh tế, du lịch. Đời sống văn hoá ở cơ sở có bước phát triển về chiều rộng và chiều sâu. Công tác xã hội hoá được đẩy mạnh, thu hút các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa. Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá được chú trọng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Đội ngũ sáng tác, biểu diễn lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, lực lượng cán bộ quản lý văn hóa ngày một trưởng thành. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” có tác động tốt đến xoá đói giảm nghèo, xây dựng gương người tốt việc tốt, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã, phường, khu phố văn hóa... góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
“Những thành tựu trong xây dựng và phát triển văn hoá đã góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện con người Việt Nam. Không khí dân chủ trong xã hội ngày càng tăng lên; tính năng động, tích cực của công dân được phát huy. Nhiều chuẩn mực văn hóa truyền thống tiếp tục được duy trì, củng cố và phát huy; các giá trị văn hóa, đạo đức mới được hình thành và phát triển. Đạo lý, tình thương, lẽ phải vẫn là những định hướng giá trị thể hiện sâu sắc tính nhân văn của con người Việt Nam. Ý thức tích cực, tự giác của nhân dân trong các sinh hoạt văn hoá ngày càng tăng, cả xã hội chung tay xây dựng và phát triển văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Tuy nhiên cũng theo người đứng đầu ngành VHTTDL, sự nghiệp phát triển văn hóa, con người trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Đó là khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc, các bộ phận dân cư chậm được rút ngắn. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu. Môi trường văn hóa còn có những biểu hiện thiếu lành mạnh; tệ nạn xã hội, tội phạm vẫn diễn biến phức tạp; việc phát triển con người toàn diện: đức, trí, thể, mỹ còn nhiều hạn chế. Văn hóa học đường, văn hóa gia đình, văn hóa xã hội có những biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại. Văn hóa ứng xử còn không ít hành vi “lệch chuẩn”, phản văn hóa, phi văn hóa. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.
“Giờ đây chúng ta nhắc nhiều đến đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng, y đức…Tất cả đều là những vấn đề của văn hóa, có nguyên nhân từ văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: L.A
Biến những tiềm năng văn hóa trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhận định, trong thời gian tới, bối cảnh quốc tế được dự báo tiếp tục có những thay đổi lớn, diễn biến phức tạp, khó lường, đưa tới nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn đó đặt ra và đòi hỏi sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phải giải quyết tốt một số vấn đề.
Trong giai đoạn tới, xây dựng văn hóa vì sự phát triển bền vững đất nước cần hướng đến những nhiệm vụ cơ bản như xây dựng con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo điều kiện phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là nơi hình thành, nuôi dưỡng, vun đắp nhân cách văn hóa và giáo dục lối sống cho con người Việt Nam, để cái tốt sẽ được bảo vệ, nhân lên, cái ác, cái xấu sẽ bị bài trừ, lên án.
Tiếp theo là xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước, các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Kế đến là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa của người Việt Nam, vì người Việt Nam, cho người Việt Nam, vừa giúp lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam, là sức mạnh mềm của đất nước, vừa biến những tiềm năng văn hóa này trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội thực sự. Thường xuyên quan tâm đến xây dựng văn hóa kinh tế, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân vì sự phát triển bền vững quốc gia.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ, trong thời gian tới ngành VHTTDL sẽ chủ động triển khai đồng bộ 8 giải pháp như nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong giai đoạn mới; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hóa với nhiệm vụ chính trị; tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, mức đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động văn hóa phải tương ứng với vai trò của nó trong sự phát triển đất nước.
Phát huy thế mạnh, hiệu quả của mô hình quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, để Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; là nền tảng xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, dân cường, nước thịnh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu cho văn hóa dân tộc.
“Phát triển văn hóa, xây dựng con người là sự nghiệp khó khăn, lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, của mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh./.
Lan Anh