Ngày Xuân, bàn về câu chuyện quê hương

Chủ nhật, 22/01/2023 23:23
Ngày Tết là ngày đoàn tụ, sum họp, người người nhà nhà đều muốn trở về quê hương sum họp với đại gia đình. Quê hương không chỉ có ý nghĩa quan trọng với người dân, ngay cả các vị vua Việt cũng luôn hướng về quê hương.

Hầu hết các triều đại quân chủ Việt Nam, khởi từ vua Ngô Quyền, khi qua đời, các vua đều muốn được yên nghỉ ở quê nhà. Thế nên lăng vua Ngô Quyền ở Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội), lăng vua Đinh Tiên Hoàng ở Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình, các vua nhà Lý đều có lăng mộ ở quê hương Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), các vua Trần an nghỉ tại Long Hưng, Đông Hưng, Thái Bình hoặc ở Yên Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh, hai địa phương này đều là quê hương của nhà Trần. Các vị hoàng đế nhà Hậu Lê đều có lăng mộ tại quần thể Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Chỉ có các vị vua triều Nguyễn, do kinh thành ở xa quê hương, nên lăng mộ đều ở khu vực ngoại thành xung quanh kinh đô Huế, nhưng cũng dành cho quê hương những tình cảm, sự đầu tư đặc biệt.

Không chỉ các vua nhà Nguyễn, từ các thời Trần, Lê, quê hương bản quán của nhà vua đều có vị thế quan trọng trong chính trị đất nước. Như sau khi Lý Thái Tổ lên ngôi, đã đổi tên châu Cổ Pháp quê hương thành phủ Thiên Đức, gọi sông Đuống là sông Thiên Đức (tức là được đức của trời). Sau khi lên ngôi vào cuối năm 1009, tháng 2 năm Canh Tuất (1010), nhân mùa xuân, vua Lý Thái Tổ đã về quê hương chơi, yết lăng Thái hậu, sai các quan đo đất vài mươi dặm đặt làm cấm địa thuộc sơn lăng; nhân dịp ấy ban tiền và lụa cho các kỳ lão.

Ngoài ra, nhà vua còn cấp tiền kho 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức, tất cả 8 sở, đều dựng bia ghi công. Điều này cho thấy không chỉ tấm lòng mộ Phật của Lý Thái Tổ, mà còn thể hiện tình cảm của ngài với vùng đất quê nhà.

Tuy nhiên, phủ Thiên Đức chỉ là nơi các vua Lý dành riêng làm lăng tẩm, chứ các vua không xây hành cung ở quê. Sử sách chỉ chép các vua Lý thường về hành cung Lý Nhân (Hà Nam), Ứng Phong (Nam Định) hay Bố Hải Khẩu (Thái Bình) để xem gặt mà thôi.

Trong khi đó, quê hương các vua Trần ở phủ Thiên Trường được đầu tư đến mức độ trở thành một kinh đô thứ hai của triều đại. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì vào mùa đông năm Nguyên Phong thứ 5 (1255), vua Trần Thái Tông, ngự đến hành cung phủ Thiên Trường. Tháng 7 năm 1259, nhà vua cũng về đây bái yết sơn lăng (lăng Trần Thái Tổ), sau đó, vua bắt đầu đặt quan sơn lăng và phong cung tần của tiên đế để thờ phụng.

Mùa xuân năm 1262, thượng hoàng Trần Thái Tông ngự đến hành cung Tức Mặc, ban yến tiệc cho dân quê vua. Các ông già trong làng người 60 tuổi trở lên, cho quan tước hai tư (hai cấp thưởng trong quan chức, ai được 4-5 “tư” thì có thể được thăng một bậc quan), đàn bà thì cho hai tấm lụa. Thượng hoàng cũng cho đổi tên làng Tức Mặc thăng lên làm phủ Thiên Trường; dựng cung gọi là Trùng Quang để cho các vua đã nhường ngôi rồi về ở, phía tây cung dựng chùa Phổ Minh; lại dựng một cung riêng để cho các vị vua đương nhiệm khi đến chầu Thượng hoàng thì ngự ở đó, gọi là cung Trùng Hoa. Các vua Trần cũng bắt đầu đặt người chức dịch ở hai cung ấy để phòng khi sai khiến hầu hạ, và đặt chức Lưu thủ phủ Thiên Trường để trông coi việc của phủ này. Như vậy, bộ máy hành chính của phủ Thiên Trường đã được hoàn thiện để phục vụ Thượng hoàng và các vị vua Trần.

leftcenterrightdel
Kinh thành Huế 

Năm 1281, vua Trần Nhân Tông mới bắt đầu lập nhà học ở phủ Thiên Trường, nhưng lại cấm người hương (xã) Thiên Thuộc không được vào học. Vì theo lệ cũ nhà Trần, quân sĩ Thiên Thuộc không được học tập văn chương nghệ thuật vì “sợ khí lực kém đi”.

Vai trò quan trọng của phủ Thiên Trường trong nền chính trị thời Trần càng được khẳng định, khi Thượng hoàng Trần Thánh Tông đưa ra quy định các quan trải qua chức An phủ sứ phủ Thiên Trường, nếu có thành tích, sẽ dần thăng lên Kiểm pháp quan, Đại An phủ sứ (quan cai quản kinh sư) rồi sau đó được bổ nhiệm làm Tể tướng.

Vai trò của Lam Kinh ở thời hậu Lê cũng quan trọng như phủ Thiên Trường thời nhà Trần. Thời Lê, kinh thành Thăng Long gọi là Đông Kinh, Thanh Hóa quê vua gọi là Tây Kinh thì vùng đất phát tích của nhà vua, Lam Sơn, được tôn lên là Lam Kinh. Sau khi đánh thắng quân xâm lược nhà Minh, lên ngôi vua, vào năm Thuận Thiên thứ 3 (1430), vua Lê Thái Tổ đã ngự về Tây Kinh bái yết sơn lăng, thưởng cho các tướng hiệu và quân nhân theo hầu, mỗi người được thăng 1 tước bậc. Năm 1433, trước khi qua đời, nhà vua vẫn về thăm viếng Lam Kinh. Sau khi an táng Lê Thái Tổ ở Vĩnh Lăng tại Lam Kinh, triều đình nhà Lê bắt đầu xây điện Lam Sơn lam nơi thờ phụng nhà vua.

Thời vua Lê Nhân Tông, tháng 3/1448, nhà vua ngự về Lam Kinh bái yết lăng tẩm tiên đế, có Thái hậu và các vương đều đi theo. Sử sách ghi lại rằng nhân dân địa phương thấy xa giá đến, trai gái đem nhau đến hát “rí ren” ở hành tại. Tuy nhiên quan ngự sử Đồng Hanh Phát cho rằng trò hát rí ren này, có lúc tréo chân tréo cổ nhau gọi là cắm hoa, kết hoa, là “thói xấu dâm dục”, trông rất là xấu, nên xin với Thái úy Lê Khả cho cấm hẳn.

Lần này, do là lần đầu vua Lê Nhân Tông ngự về quê hương nên đã ban yến cho các quan ở hành tại bên sông, và ban bạc cho các quan theo hầu từ nhị phẩm trở lên theo thứ bậc khác nhau. Còn các quan từ tam phẩm trở xuống và các quan ở Lam Kinh cùng các loại quân sĩ đi hộ giá thì ban tiền theo thứ bậc khác nhau.

Quy mô của quần thể Lam Kinh được sử sách ghi lại trong sự kiện đời vua Lê Nhân Tông, năm Diên Ninh năm thứ 3 (1456), khi nhà vua cũng đi Tây Kinh bái yết lăng tẩm, vào dịp ngày rằm tháng 2. Lần đó, phái đoàn nhà vua gồm đông đảo các quan, sắm đủ lễ vật để cáo miếu, có các nghi thức đánh trống đồng, tấu đại nhạc, hàng võ thì biểu diễn điệu múa “bình Ngô phá trận”, hàng văn thì biểu diễn múa “chư hầu đến chầu”. Sau đó vài ngày, nhà vua ban yến và tặng phẩm cho các quan đi hộ giá. “Toàn thư” cho biết nhà vua đã đặt tên cho các cung điện ở Lam Kinh, gồm chính điện gọi là điện Quang Đức, điện phía trước gọi là Sùng Hiếu, điện phía sau gọi là Diễn Khánh.

Lam Kinh là đất thiêng nên các bề tôi có công cũng muốn chiếm đất làm của riêng. Do đó, thời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (1467), nhà vua đã hạ lệnh cho Trần Phong, Thượng thư bộ Hộ, cùng với Phan Sư Tôn, Thừa chính sứ Thanh Hóa, khám xét đất công ở làng Lam Sơn, ban cấp cho bầy tôi có công từ nhất phẩm đến thất phẩm mỗi người được số đất nhiều ít khác nhau. Nhân đấy, nhà vua dụ bảo trăm quan và kỳ lão rằng: “Lam Kinh là làng của vua, không thể ví như chỗ khác được; gần đây nhà quyền thế trái lễ giáo, khinh pháp độ, chiếm riêng đất công để làm sở hữu của mình, trẫm nghĩ nếu buộc ngay những người ấy vào pháp luật, không bằng trước dạy bảo họ biết lễ giáo. Vậy từ nay lập giới hạn nhất định, người nào còn dám trái lễ, phạm phép sẽ bị trị tội”.

Sử thời Lê cũng cho biết Lam Kinh cũng được sử dụng như sứ quán, khi vua Lê Thánh Tông đi tuần Tây Kinh, xa giá đến hành điện, sứ thần Chiêm Thành là Trầm Phác Sa đến cống nạp, nhà vua cho phép sứ thần vào triều yết ở hành tại. Tuy nhiên sau biến thiên của thời gian, nhất là ảnh hưởng của cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và quân vua Lê chúa Trịnh những năm 1786-1788, nên các cung điện ở Lam Kinh đã bị phá hủy hết, ngày nay chúng ta chỉ có thể ngắm nền móng ngôi điện chính với những hàng cột đá để biết quy mô đồ sộ của công trình thời Lê.

Thời Nguyễn, quê chúa Nguyễn Kim ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn (Hà Trung, Thanh Hóa ngày nay). Khi chúa Nguyễn Kim qua đời, đem về táng ở núi Thiên Tôn. Tương truyền huyệt đào trúng hàm rồng, khi đặt quan tài xuống thì cửa huyệt ngậm lại, bỗng trời đổ mưa, gió sấm sét, mọi người sợ chạy. Đến lúc tạnh trở lại tìm thì đá núi liên tiếp, cỏ cây xanh tốt, không nhận được là táng nơi nào nữa. Do đó hậu thế không biết mộ ngài ở đâu, sau này có việc cúng tế thì chỉ trông núi tế vọng thôi, gọi là lăng Trường Nguyên. Từ thời vua Gia Long, các vua mỗi khi ra Bắc, đều về tế tổ tiên tại miếu thờ các chúa Nguyễn ở Gia Miêu, gọi là Nguyên miếu. Đến đời vua Minh Mạng, nhà vua phong núi ấy là núi Triệu Tường (tức là điềm lành).

Triều Nguyễn cho gọi huyện quê vua là quý huyện (huyện Tống Sơn), làng nguyên quán của vua (Gia Miêu) là quý hương. Khi vua Minh Mạng về tế lăng Trường Nguyên, đã ban cho quý huyện 300 lạng bạc, 100 tấm lụa, 10 con trâu, 10 chum rượu; quý hương 200 lạng bạc; công tính (những người cùng họ nhà vua) 300 lạng bạc. Phụ trách việc tế lễ ở khu lăng miếu này đặt chức Từ tế sứ Từ tế ty và Từ tế phó sứ, đều là người trong họ Tôn Thất.

Tháng 3 năm Minh Mạng thứ 16 (1835), triều Nguyễn bắt đầu xây thành Triệu Tường bao ngoài khu Nguyên miếu, nơi thờ chúa Nguyễn Kim. Trước đây, vua cho rằng Nguyên miếu là nơi phát Phúc, việc canh phòng, hộ vệ phải nên nghiêm ngặt, nên đã ra lệnh cho quan tỉnh Thanh Hoa xây thêm cái thành nhỏ ở ngoài tường gạch, ngoài thành có hào. Vua cũng cho xây dựng công đường nhà cửa, để làm nơi quan quân đóng giữ. Trong Thành Triệu Tường, dựng một nhà kho để thu tiền thuế thóc, thuế 3 tổng ở Nga Sơn gần đấy chứa vào. Tất cả lương bổng những người họ nhà vua ở ty Từ tế thuộc thành và của văn võ quân dân đóng giữ thành trì đều lấy kho ấy cấp phát cho.

Nhìn vào các bức không ảnh chụp thời Pháp thuộc, chúng ta cũng có thể thấy thành Triệu Tường không to cao nhưng uy nghiêm, công trình ngay ngắn, đăng đối. Theo ghi chép thời xưa, chu vi thành là 182 trượng, tức mỗi bề thành khoảng 200m, lũy ngoài có 4 cửa ra vào, lũy trong chỉ có 3 cửa Đông – Tây – Nam.

Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đang có kể hoạch tôn tạo lại khu di tích lăng miếu Triệu Tường trên cơ sở nền móng cũ, dựa trên kết quả khảo cổ học và ảnh tư liệu từ thời Pháp còn lại.

Theo Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra