“Cái cây, ngọn cỏ sinh ra đã như hình với bóng, dòng nước trong nguồn suốt tháng ngày gắn bó với cái suối, cái khe thì người đàn ông mẫu mực cũng phải thủy chung và trong đời phải tổ chức được 3 lần lễ cưới với người vợ của mình. Đó là quy định bắt buộc của đồng bào Khùa" - già Hồ Phòm ở bản Hà Vy, xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) kể về phong tục đã tồn tại cùng buôn làng tự bao đời.
Lần cưới đầu tiên của các chàng trai, cô gái Khùa là khi "bốn mắt đưa tình lúng liếng, cái bụng đã ưng, bàn tay muốn nắm, đôi môi thèm kề". Lần cưới đầu này, người con trai phải cùng cậu hoặc chú ruột đến nhà cô gái đưa lễ vào lúc nửa đêm ngày lành. Nghe 3 tiếng gõ vào cầu thang, mẹ cha cô gái sẽ thức giấc, ngỏ cửa đón lễ gồm một thanh kiếm, một con gà và một chén rượu.
|
Được cưới 3 lần là niềm mơ ước của phụ nữ Khùa. Ảnh: SGGP |
Người Khùa quan niệm, thanh kiếm là hiện thân cho sức mạnh đàn ông, con gà thể hiện sự chân chất, thành thật, còn rượu tượng trưng cho tình cảm mặn nồng. Trong lúc mọi người say sưa chuyện trò, uống rượu, chàng trai lén đến buồng cô gái, dắt người mình yêu về nhà. Họ ở đó 3 ngày, chàng trai chuẩn bị lễ vật gồm cá mát dưới khe, 2 hũ rượu ngon, 3 nén bạc rồi cùng vợ qua nhà bố mẹ vợ để ra mắt chính thức.
Lần cưới thứ hai còn gọi là lễ nhân nghĩa được tổ chức khi họ đã cùng bước vào tuổi chính trực của đời người (khoảng ngoài 40 tuổi). Tùy vào điều kiện của từng cặp vợ chồng mà có thể mời cả bản đến dự hay chỉ mời đại diện những đấng cao niên.
Qua được lễ cưới lần hai, lễ cưới lần thứ ba mới là quan trọng. Đồng bào quan niệm rằng, trong vòng đời "sinh, trụ, dị, diệt" thì lễ cưới lần thứ ba khi người ta đã về già là có ý nghĩa nhất, bởi nó là sự minh chứng rõ ràng nhất cho mối tình thủy chung, son sắt, gắn bó cộng khổ, đồng cam của hai vợ chồng.
Trong lễ cưới lần này của cặp vợ chồng phải có đầy đủ con cháu, người thân, láng giềng. Sân nhà sàn mổ heo, thịt gà, đồ xôi, sắp cỗ nườm nượp, người ra, người vào chúc tụng râm ran. Đám cưới lần thứ ba bao giờ cũng vui nhất, là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc sống gia đình mỗi đồng bào dân tộc Khùa ở Minh Hóa... Chẳng thế mà trong cộng đồng của buôn làng người Khùa hiếm lắm mới có cảnh vợ chồng cãi vã lẫn nhau và càng không có chuyện đã cưới nhau lần đầu rồi mà "tan đàn xẻ nghé”./.
Theo Vinh Minh/Dân việt