Quan điểm của người xưa về nạn tham nhũng
|
|
Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888). Ảnh minh họa. |
Từ thời xa xưa, người Trung Quốc đã có thói quen gọi những tham quan ô lại là những “Thạc thử” - những con chuột lớn. Trong lịch sử, Hòa Thân (1750-1799) là đệ nhất “Thạc thử” của Trung Quốc. Hòa Thân từng giữ chức vụ Thượng thư bộ Hộ rồi Thượng thư bộ Lại của nhà Thanh dưới triều vua Càn Long. Chức vụ cao nhất là Hòa Thân là Văn Hoa điện Đại học sĩ nhà Thanh (tương đương chức Tể tướng thời nhà Minh). Tổng gia sản của tên tham quan này do đục khoét mà có được ước lượng vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, tương đương với 15 năm quốc khố thu vào của Thanh triều.
Trong Kinh thi đã có bài thơ “Thạc Thử” (Con chuột lớn):
Thạc thử! Thạc thử!
Vô thực ngã mao (miêu).
Tam tuế quán nhữ,
Mạc ngã khẳng lao.
Thệ tương khứ nhữ,
Thích bỉ lạc giao.
Lạc giao! Lạc giao,
Thuỳ chi vĩnh hào?
Dịch nghĩa:
Con chuột to! Con chuột to!
Chớ ăn mạ lúa của ta.
Ba năm ta đã quen cái thói này của mày rồi.
Mày chẳng hề biết đến nỗi khổ nhọc của ta.
Ta sẽ đi và bỏ mày.
Để đến một nơi an vui kia,
Một nơi an vui, một nơi an vui.
Lại phỉ vì ai mà gào than mãi?
Bài thơ “Thạc Thử” nói trên ví tầng lớp quan lại tham nhũng như loài chuột lớn đục khoét. Bài thơ thể hiện lối suy nghĩ đơn giản, cho rằng nếu chuyển đến một đến nơi có quan lại thanh liêm thì sẽ có được cuộc sống mới an vui.
Thi nhân Tào Nghiệp (816-875), giữ chức thứ sử ở Dương Châu đời nhà Đường cũng có bài thơ “Quan Thương Thử” (Con chuột trong kho nhà nước):
Quan thương lão thử đại như đẩu,
Kiến nhân khai thương diệc bất tẩu.
Kiện nhi vô lương bách tính cơ,
Thuỳ khiển triều triều nhập quân khẩu?
Dịch nghĩa:
Trong kho thóc nhà nước có con chuột to bằng cái đấu
Thấy người mở kho cũng không trốn chạy
Quân lính không có lương ăn, trăm họ đói
Ai cho ngày ngày đổ vào mồm mày?
Đọc bài thơ “Quan Thương Thử”, chúng ta thấy tác giả chỉ mới dừng lại ở mức độ tố cáo bọn tham quan ô lại và chưa đưa ra được cách giải quyết vấn đề là làm thế nào để diệt được nạn tham nhũng.
Ở nước ta, dưới thời Mạc Hiến Tông, nhà Mạc suy yếu nghiêm trọng vì gian thần lộng hành. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đã dâng sớ đòi vua hạch tội 18 tên lộng thần. Bản tấu trình không được để ý, ông lập tức từ quan về quê làm nghề dạy học với hiệu Bạch Vân cư sĩ. Ông có bài “Tăng Thử” (Ghét chuột):
Duy thiên sinh chưng dân,
Bão noãn các sở dục.
Ô hoàng cổ thánh nhân,
Giáo dĩ nghệ ngũ cốc.
Phụ mẫu ngưỡng tự sự,
Thê tử phủ sở dục.
Thạc thử hồ bất nhân,
Thảo thiết tư âm độc.
Nguyên dã hữu cảo miêu,
Lẫm dĩu vô dư tức.
Lão bần nông phu thán,
Cơ tích điền dã khốc,
Ninh khiết Ngụy mã yên,
Ninh đạo Lỗ ngưu giốc.
Dân mệnh vi chí trọng,
Tàn hại thái hà khốc.
Thành xã ỷ vi gian,
Thần nhân oán mãn phúc.
Ký thất thiên hạ tâm,
Tất thụ thiên hạ lục.
Triều thị tứ nhĩ thi,
Ô diên khiết nhĩ nhục.
Dịch nghĩa:
Trời sinh ra dân chúng
No ấm là điều ai nấy đều mong muốn.
Lớn lao thay vị thánh nhân đời xưa,
Dạy dân trồng cấy năm loại lúa.
Ngẩng lên thì phụng dưỡng cha mẹ,
Cúi xuống thì nuôi nấng vợ con.
Con chuột lớn kia sao mày bất nhân
Vụng trộm thêm nhiều mưu độc hại.
Đồng nội có mạ khô,
Kho đụn không thóc thừa.
Vất vả nghèo khổ, người nông phu than vãn,
Đói và gầy, trên ruộng đồng kêu khóc.
Thà nhá cái yên ngựa của nước Ngụy,
Thà ăn trộm cái sừng trâu của nước Lỗ.
Sinh mệnh của dân chúng rất là trọng,
Tàn hại sao mà quá thảm khốc.
Chốn thành xã dựa vào, mà làm điều gian,
Cả thần và người đều oán chứa đầy bụng.
Mi đã làm mất lòng thiên hạ,
Tất sẽ bị thiên hạ giết chết.
Phơi xác mi ở chốn chợ búa,
Quạ và diều rỉa thịt mi.
Đọc bài thơ “Tăng Thử” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng ta thấy được Trạng Trình rất bất mãn với vua Mạc Hiến Tông trong việc dung dưỡng 18 tên lộng thần tham nhũng. Ông mong muốn rằng những tên lộng thần làm mất lòng thiên hạ sẽ bị thiên hạ giết chết, phơi xác ở chốn chợ búa, bị quạ diều rỉa thịt.
Quan điểm của Nguyễn Đình Chiểu về nạn tham nhũng
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, tục gọi là cụ Đồ Chiểu, sinh tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Khi thực dân Pháp chiếm thành Gia Định, ông đã rời bỏ quê nhà Gia Định để về sống ở quê vợ Cần Giuộc (tỉnh Long An ngày nay), sau đó về Ba Tri (Bến Tre) sống cho tới khi qua đời. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học bất hủ như “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Lục Vân Tiên”, “Dương Từ - Hà Mậu”, “Ngư tiều y thuật vấn đáp”…
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương tiêu biểu vượt lên những khó khăn của cuộc sống và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời. Bên cạnh đó, ông còn hành nghề đông y để chữa bệnh cứu người. Thơ văn của ông đậm tính nhân văn, khích lệ lòng yêu nước, ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, vì lợi ích cộng đồng.
Tại Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 (diễn ra từ ngày 9 đến ngày 24/11/2021 tại Thủ đô Paris của nước Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là danh nhân văn hóa thế giới và đề ra kế hoạch tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.
Trên thực tế, tư tưởng diệt “Thạc thử” quyết liệt nhất phải kể đến nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ông không chịu đầu hàng trước nạn tham quan ô lại mà ông có tác phẩm “Thảo Thử Hịch” kêu gọi mọi người xông lên diệt chuột.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu viết trong “Thảo Thử Hịch” rằng: “Nay có loài chuột…/ Tính hay ăn vặt/ Lòng chẳng kiêng dè”. Đằng sau lời kêu gọi đó là hiện thực của nạn tham ô của bọn tham quan, bọn “chuột đầu người” thời nhà Nguyễn.
Trong “Thảo Thử Hịch”, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã đau đáu với câu hỏi: “Cớ sao lại đem lòng quỷ quái?/ Cớ sao còn làm thói gian tham?/ Túi đông pha thường bữa tha gừng/ Ruộng nam quách ghe phen cắn lúa/ Nếp gạo của trời nuôi mạng/ Ăn phá rồi còn kéo xuống hang”.
Bởi thế, “Thảo Thử Hịch” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã kêu gọi: “Chớ để con nào sơ lậu/ Phải ra tay lấp lỗ tam bành/ Đừng cho chúng nó sẩy ra/ Phải hết sức trừ đồ lục tặc”.