Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024):

Nhiều đổi thay trên đất lịch sử Mường Phăng, Điện Biên

Thứ ba, 23/04/2024 14:08
(ThanhtraVietNam) - Với người dân Điện Biên, khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên được gọi với tên “rừng Đại tướng”. Đây chính là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, phát ra các chỉ thị, mệnh lệnh có tính chất quyết định để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, mảnh đất lịch sử Mường Phăng đã có sự đổi thay kỳ diệu của một xã nông thôn mới nơi chiến trường xưa.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Điện Biên Phủ

Cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ hơn 30km, đường đến Mường Phăng là hai tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trải nhựa phẳng lì. Hai bên đường là những ngôi nhà sàn khang trang được dựng lên, thể hiện cuộc sống ấm no nơi vùng quê cách mạng Mường Phăng. Vào Mường Phăng hôm nay không ai nghĩ được năm xưa nơi này vẫn là rừng sâu, núi thẳm.

leftcenterrightdel
Rừng Mường Phăng nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch  

Những năm đầu giải phóng Điện Biên, đường giao thông đến Mường Phăng nắng bụi mưa lầy, thôn bản cách xa nhau, đi lại rất khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, 100% nhà tranh vách đất. Nhớ lại thời kỳ đó, ông Lò Văn Ắm nay đã 78 tuổi ở bản Co Mận kể: “Thời điểm đấy, Mường Phăng nghèo khổ lắm. Khoai, sắn không có mà ăn. Nhà nào cũng phải vào rừng đào củ mài ăn chống đói. Mấy năm sau đó, nhờ có bộ đội vào hướng dẫn khai hoang, sản xuất, các hộ mới bắt đầu có những mảnh ruộng trồng lúa nhỏ lẻ. Canh tác 1 vụ, dành dụm được ít thóc gạo trộn với khoai, sắn để ăn thay củ mài nhưng mỗi năm vẫn thiếu đói 5 - 6 tháng”.

Giờ đây, dọc trung tâm xã Mường Phăng là đường đôi với 4 làn xe, vỉa hè ghép đá, hệ thống chiếu sáng, biển báo giao thông đầy đủ. Những bản làng nằm ven chân đồi với nhà sàn mái ngói đỏ au. Nếp văn hóa truyền thống của dân bản được gìn giữ từ mỗi nếp nhà, nết ở ăn, văn hóa giao lưu, trình diễn. Mường Phăng đang lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa dân tộc Thái cổ độc đáo, ít nơi có được như: Kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái đen, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội với điệu múa xòe, nhảy sạp; các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, làm nhạc cụ truyền thống... Đây cũng là những đặc điểm thu hút du khách đến với Mường Phăng.

leftcenterrightdel
Tuyến đường trung tâm xã Mường Phăng   

Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Những năm gần đây, xã Mường Phăng chú trọng phát triển du lịch cộng đồng. UBND xã rà soát, lựa chọn và xây dựng điểm 3 bản văn hóa, du lịch cộng đồng gồm: Bản Che Căn và bản Khá (dân tộc Thái), bản Loọng Luông 2 (dân tộc Mông). Toàn xã có 2 homestay, 10 nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống và trên 30 hộ dân làm dịch vụ lưu trú. Dù mới triển khai song du lịch cộng đồng đã từng bước thu hút khách du lịch nhiều hơn, góp phần tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Nhờ vậy, toàn xã Mường Phăng hiện chỉ còn 4 hộ nghèo (chiếm 0,03%), phấn đấu hết năm 2024 xã không còn hộ nghèo.

leftcenterrightdel
Những nếp nhà sàn ở Mường Phăng   

Sự đổi thay với cuộc sống ấm no hơn ở Mường Phăng nhờ vào sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc. Quan trọng nhất là người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà đã chủ động khai hoang mở rộng diện tích lúa 2 vụ, phát triển kinh tế, thoát nghèo, góp sức xây dựng quê hương. Chứng kiến sự khởi sắc của quê hương, ông Lò Văn Lụi (sinh năm 1946) - nguyên cán bộ xã Mường Phăng chia sẻ: Trải qua thời kỳ gian khó mới thấy hết được giá trị của sự đổi thay ngày hôm nay. Giờ đây, quê hương Mường Phăng đang thay da, đổi thịt từng ngày, bà con trong xã vui mừng lắm.

leftcenterrightdel
Dệt thổ cẩm ở Mường Phăng  

Người Mường Phăng trân trọng từng gốc cây, ngọn cỏ ở khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện nay, khu di tích có hơn 80ha rừng đặc dụng với nhiều nhóm gỗ quý, nhiều cây cổ thụ có đường kính lớn. 70 năm qua, khu rừng được bà con gìn giữ nguyên vẹn; những cây gỗ đổ xuống đều được người dân xếp gọn để tự mục tạo chất mùn nuôi dưỡng cây bé hơn. Thành quả có được do tổ bảo vệ rừng các bản, lực lượng kiểm lâm; tổ bảo vệ di tích và người dân Mường Phăng thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

Rừng Mường Phăng thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 28/4/1962. Bà con các dân tộc ở Mường Phăng luôn gìn giữ, bảo vệ khu rừng như khu rừng thiêng; bảo tồn tự nhiên đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, suốt 105 ngày (từ 31/1 - 15/5/1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Sở Chỉ huy chiến dịch đã ở và làm việc tại khu rừng Mường Phăng. Để đảm bảo bí mật, an toàn cho Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng nghìn người dân đã tình nguyện tham gia thiết lập hành lang bảo vệ nhiều vòng, vừa chủ động ngăn chặn thâm nhập của địch vừa thuận tiện tiếp tế cho lực lượng đóng quân. Chính vì thế, khu Sở Chỉ huy chiến dịch cách tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chỉ hơn chục cây số đường chim bay, quân Pháp thường xuyên cho máy bay tìm kiếm và xua quân càn quét, tìm diệt song cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta vẫn an toàn. Với lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận ngày 7/5/1954, quân ta giải phóng Điện Biên, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Một lòng tin tưởng, ủng hộ lương thực, tiếp tế bộ đội song những ngày sau giải phóng, cuộc sống người dân Mường Phăng còn rất nhiều khó khăn. Ông Lò Văn Biên, nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Mường Phăng giai đoạn 1998 - 2015 cho biết: “Mãi đến sau năm 2000, phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp của xã chỉ canh tác được 1 vụ. Bà con đơn thuần trông chờ vào nguồn nước từ các con suối trên địa bàn. Ruộng thiếu nước nên năng suất, sản lượng không cao”.

leftcenterrightdel
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Mường Phăng năm 2004 

Năm 2004 khi trở lại thăm Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất xót xa khi cuộc sống của bà con nghèo khó, khan hiếm nước sản xuất. Sau chuyến thăm ấy, với tình cảm gắn bó, xem Mường Phăng như quê hương thứ hai của mình, ngày 30/9/2008, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết một bức thư gửi Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đáp ứng nguyện vọng của người dân xã Mường Phăng về xây dựng hồ chứa thủy lợi để đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc. Từ đề nghị của Đại tướng, cuối năm 2010 dự án hồ chứa nước Loọng Luông khởi công xây dựng. Sau 2 năm thi công, hồ Loọng Luông hoàn thành với dung tích hữu ích hơn 1 triệu mét khối, cấp nước tưới 150ha đất trồng lúa, mở ra thời kỳ phát triển nông nghiệp ổn định tại Mường Phăng. Hồ có tên Loọng Luông nhưng từ khi khánh thành đến nay người dân Mường Phăng vẫn thân thương gọi là hồ Đại tướng!

leftcenterrightdel
Chiếc đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng ông Lò Văn Bóng, liên lạc vòng ngoài Sở Chỉ huy  

70 năm đã trôi qua, địa danh Mường Phăng đã đi vào thơ ca, nhạc họa, trở thành niềm tự hào không chỉ của người Việt Nam mà với cả nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình, độc lập. Trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức song tiếp nối tinh thần Điện Biên Phủ năm xưa, khắc ghi lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân dân Mường Phăng đã không ngừng nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Những ngày này, từng đoàn xe đưa du khách từ mọi miền Tổ quốc đến Mường Phăng, tham quan Sở Chỉ huy trong rừng Đại tướng, ngắm hồ Đại tướng và cả ngôi trường mang tên Võ Nguyên Giáp. Mường Phăng đẹp, yên bình, xứng danh vùng đất lịch sử anh hùng là cảm nhận chung của mỗi du khách khi đến Mường Phăng hôm nay.

Bài: Huy Anh
Ảnh: Phạm Trung, Văn Tâm

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra