Nhiều thông tin nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu về Ngành

Thứ sáu, 18/10/2024 14:00
(ThanhtraVietNam) - Đó là chia sẻ của TS. Phạm Thị Vui, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về nội dung thông tin tuyên truyền trên Tạp chí Thanh tra.
leftcenterrightdel
 TS. Phạm Thị Vui, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Ảnh: NVCC

PV: Thưa TS. Phạm Thị Vui, với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, bà nhìn nhận như thế nào về công tác tuyên truyền, cũng như chất lượng các ấn phẩm của Tạp chí Thanh tra trong thời gian qua?

TS. Phạm Thị Vui: Tôi cho rằng chất lượng các bài viết của Tạp chí Thanh tra (Tạp chí) ngày càng được nâng lên. Nhiều bài viết đọc rất bổ ích, nhất là các nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng có tính lý luận và thực tiễn cao, thu hút độc giả, là nguồn cung cấp thông tin, tư liệu nghiên cứu của các học giả, nhà khoa học và cán bộ trong, ngoài ngành Thanh tra.

Tôi cũng đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, lãnh đạo Tạp chí trong việc định hướng tuyên truyền cho các ấn phẩm của Tạp chí, đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định của Luật Bảo chí và chỉ đạo, định hướng của Thanh tra Chính phủ.

Chính từ sự định hướng, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo và sự nỗ lực của đội ngũ phóng viên nên vừa qua, Tạp chí đã tích cực tham gia vào Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2034 do Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương tổ chức.

Đáng chú ý, "Tác phẩm: Luân chuyển, điều động cán bộ thanh tra, kiểm toán góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước trước nguy cơ tha hóa quyền lực, tiêu cực và luận xuyên tạc hiện nay" (gồm 03 bài: Bài 1: Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị bảo vệ cán bộ thanh tra, kiểm toán trước nguy cơ tha hóa quyền lực, tiêu cực; Bài 2: Luân chuyển, điều động cán bộ tại Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ; Bài 3: Chiến lược tất yếu, lâu dài, không thể đảo ngược trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ), nhóm tác giả của Tạp chí đã đạt giải Ba cuộc thi viết này. Ban Tổ chức đánh giá rất cao tác phẩm của Tạp chí cả về tính lý luận, tính thực tiễn, tính thời sự và tính lan tỏa của tuyến bài viết.

Đảng ủy Khối đã chọn tác phẩm này gửi đi dự thi Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng toàn quốc, theo tôi được biết, Ban Tổ chức đã quyết định trao giải A cho loạt bài này. Xin chúc mừng nhóm tác giả, chúc mừng Tạp chí Thanh tra!

PV: Bà có thể đánh giá rõ hơn về loạt bài này?

TS. Phạm Thị Vui: Thứ nhất, chúng tôi đánh giá bài viết đã chọn đúng chủ đề rất thời sự và quan trọng hiện nay. Công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác chính là công tác cán bộ, là then chốt của then chốt. Đặc biệt trong điều kiện thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại chính các cơ quan phòng, chống tham nhũng thì lại đặc biệt quan trọng. Nhất là trong bối cảnh công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực.

Thứ hai, nhóm tác giả đã dám viết, chạm vào vấn đề rất gai góc ở chính cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước với hoạt động khá đặc thù, đặc biệt.

Thứ ba, tác phẩm đã đầu tư công phu, tiếp cận đa chiều, dày dặn để công chúng có cái nhìn khá toàn diện về công tác điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác ở Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước.

PV: Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Tạp chí Thanh tra cần tập trung công tác tuyên truyền như thế nào, để phát huy hơn nữa hiệu quả của cơ quan báo chí của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra?

TS. Phạm Thị Vui: Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, ở góc độ công tác tuyên giáo, tôi cho rằng cấp ủy Tạp chí cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, kiên trì, thường xuyên giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, trung thực, xây dựng văn hóa, tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.

Đặc biệt, Tạp chí Thanh tra cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt với phương châm "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực", “lấy cái đẹp dẹp cái xấu", tập trung các giải pháp phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", “tự chuyển hóa”.

K. Dung (thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra