Mít là một loại quả ngọt nhiệt đới, mọc phổ biến ở vùng Đông Nam Á và Brasil. Mít thuộc họ Dâu tằm, được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ. Quả mít là loại quả quốc gia của Bangladesh. Mít được coi là loại cây ăn trái với quả chín lớn nhất trong các loài thảo mộc. Mít ra quả vào khoảng giữa mùa xuân và chín vào mùa hè. Vỏ mít sù sì, có gai nhỏ.
Quả mít nhiều nhựa. Mít chín cắt xuống không bổ ngay mà để nguyên quả, dùng thanh gỗ vót nhọn một đầu đóng vào cuống mít để cho chảy bớt nhựa, gọi là đóng nõ. Đợi thêm hai ba hôm sau, bổ mít thì bớt dính. Mít làm được nhiều món ăn ngon. Gỏi mít trộn ăn kèm với bánh tráng nướng là món ăn đặc sản của người dân xứ Quảng. Mít trộn, đơn giản là mít non luộc chín vừa tới, xé tơi để trộn với tôm, thịt ba chỉ, thêm đậu phộng giã dập, rau thơm với gia vị chua ngọt hài hòa. Gỏi mít trộn ngon nhất là đúng vào mùa mít non, từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch. Quả mít non có thể sử dụng như rau để nấu canh, kho cá, xào thịt hay ăn kèm bún mắm miền Trung. Xơ chín hoặc quả xanh đem làm nhút. “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” là nhắc đến hai đặc sản của vùng quê Nghệ An. Mít chín còn được chế biến bằng cách sấy khô để bảo quản được lâu. Hạt mít cũng có giá trị dinh dưỡng, có thể đem rang, luộc, hoặc hấp, kho cá. Khi ăn, bóc lớp vỏ mỏng bên ngoài, nhai kỹ có vị bùi, thơm. Lá mít lót oản kính cẩn dâng cúng Phật hoặc dùng để gói thuốc lào truyền thống. Gỗ mít cũng là loại gỗ được chuộng để tạc tượng thờ trong các đền chùa bởi thớ gỗ mịn, dễ khắc nhưng nặng và chắc.
Mít đi vào thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam:
- Nhà ngói cây mít (tả cảnh nhà nông sung túc);
- Tiêu tiền như lá mít;
- Mít ngon anh đánh cả xơ;
- Quạ kêu mít chín bộn bề
Anh qua làm rể không hề múi mô
Mít có ở thơ ca. Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương có bài thơ “Quả mít” nổi tiếng với cái sự “thanh tục, tục thanh” vốn là “đặc sản” của mình:
Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dày
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay!
Đi lòng vòng tìm hiểu đôi điều cây mít rồi lại thân thương về gần với cây mít quê ngoại. Mít gắn bó với mình từ khi còn là con oắt con mấy tuổi. Sau nhà ông bà ngoại có cả một vườn mít. Bà bảo đấy là giống mít na. Quả không to lắm, chỉ khoảng 4-5 cân nhưng gai to đều, múi nào múi đấy vàng ươm, ăn ngon cả đến xơ. Ngày ấy mình là con bé nhà quê chẳng biết đến những món như gỏi mít chế biến cầu kỳ ở những vùng đất xa xôi chỉ đọc tên trong sách vở. Mình chỉ biết mỗi chiều mùa hè, cả nhà quây quần, bà bổ mít trước hiên nhà lồng lộng gió bờ sông mát rượi thổi vào. Mình nhớ cái cảm giác thích thú khi bắt được một anh xơ cái béo mầm, bao ngoài múi mít chảy mật ngọt ngào. Mít bà bổ, ăn đến no căng cả bụng rồi thoải mái lăn kềnh ra nằm thở. Lớn thêm một chút, theo lũ bạn trong xóm đi chơi, chúng dạy mình hái dái mít ăn. Lần đầu ăn, vừa đắng vừa chát, lại nhả ra ngay. Mình chỉ ăn dái mít trên cây một lần đấy nhưng cứ hối hận mãi vì trí óc ngô nghê tưởng rằng vừa chén mất một quả mít non. Sau này mới hiểu rằng dái mít là bông đực chỉ nở ra nhị phát tán phấn hoa rồi rụng đi. Dái mít với vị chát thơm nhẹ được dùng trộn gỏi, làm món ăn chay. Vườn mít sau nhà ông bà ngoại là gia tài của các cụ từ xưa để lại trên mảnh đất tổ tiên từ thời còn khốn khó để con cháu có hoa lợi thu về mỗi năm, thêm vào bữa cơm, bữa thịt. Tuổi thơ của mình gắn bó với từng gốc mít chạy quanh trốn tìm, với tiếng ve mùa hè oi ả. Mít theo mình cao lớn lên mỗi tháng, mỗi năm. Ngày rằm, mùng một hay hội làng, bà lên chùa thế nào cũng có oản lộc mang về, dưới chân oản dính nhẹ chiếc lá mít màu xanh thẫm cắt khéo, tròn tròn, vòng theo chân oản.
Mít bây giờ vẫn là loại quả yêu thích của nhiều gia đình mỗi khi vào hè. Mít bổ thành từng miếng vừa ăn, bọc kỹ càng, bảo quản được lâu trong tủ lạnh, ăn đến đâu bóc vỏ đến đấy, mát lạnh, ngọt ngào. Mít Thái được bày bán quanh năm nhưng mình vẫn chờ mùa hè đi chợ để nghiêng ngó tìm hàng bán mít na, quả không to nhưng múi dày, vàng ươm, chảy mật. Tìm hàng mít na hay tìm gặp hương vị quê nhà, hương vị gia đình ngọt ngào ngày thơ bé. Ăn múi mít ngày xưa mà ngọt đến bây giờ nên mít nay có cả vị mít xưa. Vườn mít na ông bà ngoại không còn nữa, vườn đất, nhà cửa đã nằm trong dự án quy hoạch của tỉnh từ lâu. Khi vườn mít bị phá bỏ, mình xa nhà, nếu không, chắc sẽ đau lòng biết mấy. Còn một cây ngoài vị trí quy hoạch, ông giữ lại được, nhưng rồi không hiểu vì lí do gì cây cũng chết, ông cho các cậu đốn về lấy gỗ để tưởng nhớ các cụ xưa. Từ đó, tuổi thơ của mình chỉ còn biết lục tìm trong ký ức.
Lớn khôn rồi, đi giữa chợ bắt gặp những bà già quê chất phác chở mít trên xe đạp ra chợ phố lại khắc khoải nhớ đến bà mình xưa đi bán mít. Mình ước kịp biết bà bán mít thế nào nhưng mình không nhớ được điều gì, thứ đọng lại rõ ràng duy nhất chỉ là cảm giác thao thiết nhớ thương. Mình thích cây mít bởi đó là loại quả ngon ngọt hay bởi tình yêu dành cho quê hương, xứ sở. Chạm vào quê hương là ở đâu cũng thương, cũng nhớ, cũng thấy nao nao một trời kỷ niệm. Quê hương là sợi dây bền chặt níu giữ những tình cảm trân quý, như cánh diều kia chiều nay càng bay cao bao nhiêu trên nền trời xanh thẳm bao la lại càng được cố kết bằng một sợi dây chắc chắn từ mặt đất bấy nhiêu. Để cánh diều no gió, tiếng sáo diều ngân vang lảnh lót vi vu, phải biết nuôi gió, tựa như để tâm hồn đẹp cần những điều trong lành, ngọt ngào nuôi dưỡng, tưới tắm từ khi còn tấm bé và may mắn thay quê hương từ thuở ấu thơ của mỗi người đã làm rất tròn, rất ngọt điều quan trọng ấy. Khôn lớn rồi, ai cũng có những món ăn, những cảnh trí gợi nên niềm thương mến tự nhiên ở trong lòng, đó là những điều đã được khơi mạch nguồn từ trong sâu thẳm, có thể vô tình ta lãng quên trong dòng đời tấp nập nhưng không bao giờ biến mất.
Cứ như thế, bốn mùa hoa trái, mỗi mùa lại có loại quả gợi nhớ quê hương. Như trong múi mít na giòn ngọt quê kiểng hôm nay bất chợt vọng về câu chuyện những ngày nhuốm màu thời gian xa xôi nhưng chưa bao giờ cũ...
Thu Thu