Những món ngon từ hoa cỏ

Thứ năm, 26/01/2012 06:50
Nói hoa để ăn, nghe có gì đó trần tục và thưc dụng chăng. Vậy mà không đâu. Hoa hóa thân vào ẩm thực tao nhã, tạo nên những món ăn tinh tế, bổ dưỡng khó quên.

Thế giới không xa lạ với các món ăn được chế biến từ hoa. Nhưng hình như Việt Nam ta là một trong số nước có nhiều món ăn từ hoa nhất. Ở nhiều nước, món ăn từ hoa được coi là cao lương mỹ vị dành cho thực khách đặc biệt. Ở ta thì không. Hoa là món ăn khá phổ biến, được dùng thường ngày.
 
1. Hoa để ăn có nhiều loài. Hoa nuôi trồng, hoa mọc dại, hoa có ở  khắp ba miền Bắc Trung Nam. Miền Bắc gọi bằng hoa, miền Trung, miền Nam gọi bằng bông. Hoa súng, hoa thiên lý, hoa bí, hoa mướp, hoa chuối, bông hẹ, bông điên điển, bông so đũa, bông sầu đâu...

Ở châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long có thứ hoa mà dân nhậu rất thích đó là bông điên điển. Mỗi năm vào mùa lũ tháng chín tháng mười, bông điên điển nở rộ vàng rực trên cánh đồng mênh mông, nước. Bông điên điển trộn với giá sống, muối dưa ăn sổi chấm với mắm tép, nước cá kho ăn đạm đà, khó quên. Bông điên điển chế biến đơn giản, được nhiều món và rất ngon.
 
Mùa điên điển ra bông cũng là mùa cá linh từ Biển Hồ trôi xuống vùng sông Tiền, sông Hậu. Cá linh nấu với me, thả bông điên điên vào, ăn đến no cũng chưa chán.
 
Ở An Giang có món cuốn điên điển rất lạ: Đặt trên bánh tráng mỏng mấy  lá cái lá dấp, cọng hẹ, , ba bốn con ốc gạo, hai con cá linh nhỏ, cuối cùng là vài bông điên điển hàm tiếu, cuộn lại, chấm với mắm me, đảm bảo… (chu cha… chỉ viết không thôi mà cũng thấy thèm). Cũng phải nói thêm một đặc điểm của bông điên điển: Có lẽ cái chất dân dã đặc trưng của mùa nước nổi mà giống như hoa cúc quỳ tây nguyên, bông điên điển đi vào văn chương khá nhiều…
 
 Nếu điên điển đại trà bao nhiêu thì bông sầu đâu lại hiểm bấy nhiêu. Cây sầu đâu có nhiều ở vùng Thất sơn, Châu Đốc, An Giang. Sầu đâu thân gỗ, cao to, lá giống soan ở ngoài Bắc. Bông sầu đâu màu trắng, ra hoa vào mùa xuân, mọc thành từng chùm nhỏ, dùng làm gỏi (miền Bắc gọi là mộm). Bông và lá non, rửa sạch, trần sơ qua nước nóng, trộn đều với khô cá sặc, hoặc cá lóc nướng, xé nhỏ. Thêm chút rau thơm, hành tây, xoài ương thái sợi, nêm nếm vừa ăn. Gỏi sầu đâu nhận nhận đắng, nhưng ngọt hậu và rất bắt mồi.
 
Gắn với những bông ở Đồng bằng sông Cửu Long không thể không  kể đến bông hẹ. Lá hẹ ăn sống. Hoa hẹ mà xào với lòng mề gà, hoặc tim, gan, huyết heo thì nhớ làm nhiều nhiều, kẻo ăn một, đòi ăn hai. Canh hẹ nấu với nghêu sò, đậu hũ có tác dụng giải nhiệt, chị em ăn đẹp da. Bông hẹ ở Nam Bộ không hăng như hẹ miền Bắc vì thế rành ranh như nấu canh hẹ là không đúng với vùng đất này.

Hoa là món ăn khá phổ biến, được dùng thường ngày.


2. Cây so đũa được trồng nhiều đồng bằng sông Cửu Long, trên các líp đất và hàng rào quanh nhà. Cây cao, thẳng, trái nhỏ dài như chiếc đũa. Bông so đũa màu trắng, kết thành từng chùm (gần đây có thêm giống so đũa Thái lan, bông màu tím). Bông so đũa sống có vị nhận nhận đắng, khi nấu có vị ngòn ngọt, chế biến được nhiều món. Đầu tháng 10 âm lịch trở đi, cây so đũa đồng loạt ra hoa, cùng lúc với mùa cá linh để có món canh chua bông so đũa cá linh. Thả bông so đũa vào nồi cá linh, dầm me, nêm vừa miệng. Nước sôi bùng, nhớ bắc xuống liền, để bông còn giòn mới ngon. Lá và bông so đũa là thứ dê rất thích ăn. Nhưng không chỉ dê thích mà cả cánh mày râu cũng thích. So đũa nhiều kẽm, có tác dụng mát gan, giảm mệt mỏi; nấu với nghêu sò là món ăn bổ dưỡng giúp cho việc khẳng định bản lĩnh đàn ông.
 
Nếu so đũa đậm chất dân dã thì hoa sen có thể chế biến món ăn vương giả. Hầu hết các bộ phận của cây sen đều ăn được. Gương sen, hột sen, nhụy sen, tim sen, củ sen, dải sen (trong Nam gọi là ngó). Hoa sen vị ngọt, tính ấm, hơi đắng, giúp an thần, trị xuất huyết. Có một món ăn từ hoa sen thuộc hàng cao lương mỹ vị ở chốn cung đình, đó là vịt hấp hoa sen. Chọn loại vịt tơ vừa mọc hết lông măng, rửa bằng nước vôi trong,  khử mùi bằng gừng, ướp gia vị, phủ cánh sen lên trên, chưng cách thủy. Vịt chín nhừ, bao nhiêu tinh túy của hương sen thấm vào thịt vịt... Nghe đơn giản vậy, nhưng bao lần định bụng làm mà chưa có dịp nào. Còn bạn, bạn hãy thử xem sao.

Một món ăn khác không kém phân thanh tao là canh thiên lý. Chọn những chùm hoa mới nở, ngâm nước cho hết kiến, tỉa thành cụm nhỏ vừa miệng... Hoa thiên lý xào với thịt bò, hoặc nấu với thịt heo bằm, giò sống. Nhưng dân dã và hợp khẩu vị hơn cả thì phải kể đến thiên lý nấu với cua đồng.
 
3. Ngoài các loài hoa cảnh giả là món ăn có tên chính thức, phải kể đến các loài hoa nằm trong nhóm quờ tay, vớ đâu ăn đấy từ thuở mang gươm đi mở đất của người Nam Bộ, như hoa bí, hoa mướp, bông súng, bông bèo tây (lục bình)...
 
Hoa bí dùng để ăn là bông bí đực. Món bông bí thông thường là luộc chấm nước cá kho. Bông bí luộc có vị ngọt dịu ăn rất ngon. Bông bí còn dùng để nấu canh, xào tỏi, xào thịt bò, xào nghêu… Nhưng nếu chịu khó cầu kỳ một chút, sẽ có một món đặc sắc, đó là hoa bí nhồi. chọn hoa bí chúm chím, tước xơ cuống, moi noãn vàng rồi nhồi tôm, thịt nạc ướp tiêu hành, mắm muối, sau đó chiên với lửa nhỏ Hoa bí nhồi tôm thịt ăn béo, thơm, chấm nước mắm tiêu sọ. Món ăn này thường được làm trong những ngày giỗ, tết, vào dịp gia đình hay tụ họp.

Đã kể đến hoa bí, không thể quên hoa mướp. Hoa mướp khi nở màu vàng rực. Dân câu lành nghề thường hay dùng để mắc cùng với mồi dụ mấy con ếch cụ “thành tinh”. Bị chêu ngươi, ếch nhảy ra vồ mồi, thế là chui… vào chảo. Hoa mướp chúm chím hàm tiếu, cùng với nụ mướp xào lòng gà thì hết chê bởi vị đăc trưng bùi bùi, ngậy ngậy. Hoa mướp dễ tính, nấu với thứ gì cũng được. Xào với tép đồng nhỏ, át mùi tanh; với da và dạ dày ếch hết nhớt, ăn dòn váng tai… Ngày xưa hoa mướp là thức ăn của ngươi nghèo, dễ kiếm, mọc đầy hàng rào. Hàng xóm muốn ăn, chỉ cần dóng tiếng xin là hái thoải mái. Bây giờ nụ hoa mướp là đặc sản. Một đĩa nụ mướp chừng ba gắp có giá hai ba chục ngàn như chơi.
 
Bông súng có rất nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi nào có ao hồ, kênh rạch là nơi đó có bông súng. Bông súng rất đẹp, thường có hai loài: Súng sen trồng làm cảnh, bông to, màu tím đỏ, rất đẹp. Súng dại, bông màu trắng hoặc tím. Nhụy bông súng màu vàng, cả hoa và nhụy đều có thể ăn được, nhưng người ta chỉ ăn phần cuống (cọng) vì thế cứ gọi luôn là bông súng. Bông súng tước vỏ, cắt khúc hai đốt ngón tay, làm rau sống cho móm lẩu mắm; trộn gỏi với bồn bồn, thịt ba dọi và tôm bóc nõn; nấu canh chua với cá đồng; ngâm giấm làm dưa… món nào cũng tuyệt hảo cả. Ngày xuân người Bắc thường kiêng ăn mắm, nhưng người Nam thì không vì thế bông súng rất đắc dụng trong các món mắn đậ đà. Bông súng thân thuộc làm nên câu ca: “Miền tây nước lũ tràn đồng/Canh chua bông súng nấu xong chờ chàng”.

Theo Đồng Thảo
Đất Việt

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra