Duyên Hà là một xã vùng bãi ven sông Hồng, có tổng diện tích đất tự nhiên 276,37 ha, dân số 1.867 hộ với 6.266 nhân khẩu, gồm 3 thôn ngoài bãi và 1 thôn xâm cư với xã Đông Mỹ, Ngũ Hiệp. Kinh tế của xã phía Nam huyện Thanh Trì, Hà Nội phát triển, tăng trưởng với tốc độ khá (đạt 18%), trong đó có sự đóng góp không nhỏ của làng nghề bánh chưng, bánh giày - thương hiệu từ nhiều đời này vẫn được duy trì và phát triển.
Lá dong rừng phải đảm bảo yêu cầu cao của người dân làng nghề
Về Tranh Khúc những ngày này, không khí sản xuất bánh chưng Tết không được nhộn nhịp, tất bật như những năm trước khi có dịch Covid, nhưng nhà nhà cũng rất khẩn trương. Đến độ ngoài 23 tháng Chạp, các hộ làm nghề gói bánh Chưng gần như chỉ hoàn thành nốt các đơn hàng đã đặt từ trước. Người đến thăm quan, trải nghiệm và có nhu cầu mua lẻ gần như không có bánh mang về trước 16h chiều hàng ngày.
Tỉ mỉ từ ngay khâu sơ chế lá dong
Chia sẻ về tình hình sản xuất của làng nghề, một phụ nữ thạo gói bánh nhìn nhận, lượng sản xuất bánh năm nay của hộ gia đình không bằng những năm trước khi có dịch bệnh, nhưng việc thì cũng không ngơi chút nào khi vào cận Tết. Thăng trầm của làng nghề chúng tôi cũng trải qua nhiều, nhưng điều không thay đổi đó là hương vị trong từng chiếc bánh chưng - thứ mà chúng tôi gói cả tâm huyết, đam mê về cái tâm của người làm nghề vào đó. Đây cũng là cái tạo nên thương hiệu nức tiếng của bánh chưng Tranh Khúc, Thanh Trì, Hà Nội với người tiêu dùng cả nước.
Đến nhân bánh với thịt và đỗ xanh thơm bùi
Những cụ cao niên ở trong làng nhớ lại, khó có thể nói chính xác về nghề gói bánh chưng xuất hiện tự bao giờ ở làng, chỉ biết rằng do ông cha truyền lại từ đời này sang đời khác, thế hệ trước truyền nghề cho thế hệ sau, bằng đôi bàn tay khéo léo, đã làm nên chiếc bánh chưng thơm ngon mang thương hiệu của làng đi khắp mọi miền.
Cuộc trải nghiệm của chúng tôi về làng bánh chưng Tranh Khúc đến cuối giờ trưa đã thành công khi không chỉ được nhìn ngắm, sờ nắn mà còn được thưởng thức hương vị của chiếc bánh ngày Tết ngay tại làng bánh chưng nổi tiếng nhất Hà Nội. Một vài người gật gù: “vẫn là bánh chưng nhưng vị thì không lẫn vào đâu được, đậu với thịt hòa quện vào nhau nằm giữa hạt nếp thơm dẻo dai. Đúng là ngon như bánh chưng làng Tranh Khúc”.
Những người thợ thoăn thoắt gói bánh
Người dân làng nghề truyền tai nhau muốn làm bánh chưng ngon khâu cực kỳ quan trọng là chọn nguyên liệu phải thật kỹ càng, nguyên liệu phải tươi, ngon. Gạo phải là gạo nếp nhung, nếp cái hoa vàng, đậu xanh làm bánh phải đều hạt, bở và thơm; thịt lợn sấn, tươi ngon; lá dong nếp rừng, còn xanh tươi, được cắt gọt, rửa kỹ, để ráo. Lúc luộc bánh cũng phải để ý thời gian, luộc sao cho bánh chín rền, không bị sượng cũng không bị quá lửa.
Không khí Tết tràn ngập trong từng gia đình ở Tranh Khúc
Đến nay, mỗi năm, làng nghề sản xuất và cung cấp cho thị trường hơn 20 nghìn chiếc bánh, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng, những ngày giáp Tết, sản lượng bánh có thể tăng gấp mười lần so với ngày thường để đáp ứng phần lớn nhu cầu của khu vực nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Thành phẩm những chiếc bánh chưng ngon nức tiếng của người Hà Thành
Không chỉ duy trì sản xuất bánh chưng và giữ vững thương hiệu làng nghề, bánh chưng Tranh Khúc còn được kỳ vọng bay xa hơn khi Đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch, hướng tới quảng bá thương hiệu sản phẩm đi vào triển khai. Thông qua các hoạt động kết nối với du lịch làng nghề và trải nghiệm hoạt động tự tay làm bánh, du khách mọi miền sẽ tiếp sức để bánh chưng Tranh Khúc tiếp tục được bản tồn và phát triển thương hiệu bền vững.
Tràng An