Những người trẻ mê cồng chiêng

Thứ tư, 29/02/2012 09:06
Đội chiêng trẻ ở buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng (huyện Cư Mgar, Đăk Lăk) toàn những chàng trai, cô gái trẻ, nhưng họ được các nghệ nhân đánh giá rất cao bởi nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng uyển chuyển và có “hồn”.

Từ niềm đam mê...

Trò chuyện với chúng tôi, anh Y Men Niê - Đội trưởng Đội chiêng trẻ của buôn Kroa B nói: “Đội chiêng của buôn được thành lập vào năm 2008, cứ đều đặn một tháng 2 lần vào các buổi chiều thứ Bảy, Chủ nhật là chúng tôi lại tụ tập tại nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn rồi cùng nhau luyện tập đánh cồng chiêng. Mỗi khi trong buôn, trong xã có hội, đội lại đem tiếng chiêng ra góp vui, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Ngày càng nhiều thanh thiếu niên đam mê cồng chiêng (ảnh minh họa).


Đội chiêng trẻ của buôn Kroa B có 8 thành viên, độ tuổi từ 19 – 25. Anh YDrao Niê- thầy dạy đánh cồng chiêng cho đội cán bộ văn hóa xã Cuôr Đăng nói: “Việc học đánh cồng chiêng không khó, cái quan trọng là bản thân người dạy, người học phải có niềm đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề để khi truyền dạy thể hiện được hồn bài hát. Dạy cho bọn trẻ biết đánh chiêng thành thạo, tôi và các nghệ nhân khác phải làm đi làm lại nhiều lần, dạy những nét cơ bản nhất đến những kỹ thuật công phu, thậm chí phải cầm tay chỉ từng nhịp, chỉnh độ cao thấp thì các em mới đánh được đều tay”.

Nhờ được các nghệ nhân chỉ bảo tận tình, cộng với sự nỗ lực, cố gắng chịu khó tập luyện mà đến nay các thành viên trong Đội chiêng trẻ của buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng đã có thể đánh thành thạo và nhuần nhuyễn được nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc như: “Đón khách”, “Diễn tấu”, “Chín dòng suối”…

Giữ gìn văn hóa cha ông

Để đánh các bài chiêng hay, hấp dẫn người xem, Đội chiêng trẻ ở buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng giao hẳn cho một người nhiệm vụ chuyên tìm kiếm, sưu tầm tài liệu, những giai điệu phù hợp với bản sắc văn hoá, nét đẹp truyền thống của mỗi dân tộc, nhờ đó nhiều làn điệu chiêng đặc sắc của các dân tộc đã được tìm lại và biểu diễn mang đến bất ngờ cho không ít người xem.

Hơn nữa, khi biểu diễn, dù chỉ là những chàng trai, cô gái chuyên làm việc nương rẫy nhưng ai cũng nhập hồn và hóa thân trọn vẹn chẳng khác gì những “ngệ sĩ” chuyên nghiệp, khiến những bài chiêng được tấu lên một cách liên hoàn, lúc thì đằm thắm, dịu dàng, lúc thì ào ào như thác đổ. Không chỉ chú trọng đến việc sưu tầm, tập luyện, biểu diễn, Đội chiêng trẻ ở buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng, truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Nói về niềm vui được truyền dạy cồng chiêng, Anh Y Jor Niê- thành viên Đội chiêng trẻ buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng chia sẻ: “Trước đây khi mình chưa biết đánh cồng chiêng, mỗi khi nhìn thấy các nghệ nhân đánh cồng chiêng là mình rất thích, nhưng khi đó chưa có đội chiêng nên mình cũng không biết học ở đâu. Khi tham gia vào đội, xem các thầy đánh rồi học hỏi theo, sau một thời gian, mình đã đánh được chiêng thành thạo”.

Anh Y Miên Niê - Đội trưởng Đội chiêng trẻ buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng nói: “Chúng mình xác định nhiệm vụ phải luyện tập thật tốt để giữ lại các phong tục văn hóa của dân tộc mình nếu nó sẽ bị xóa nhòa. Mình phải tập thật nhuần nhuyễn để truyền đạt lại cho các thế hệ trẻ sau này”.

Anh YDrao Niê- cán bộ văn hoá xã cho biết thêm, tuy mới được thành lập cách đây không lâu, nhưng đến nay Đội chiêng trẻ ở buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng đã dần khẳng định được mình. Bởi vậy, mà giờ đây mỗi khi trong buôn, trong xã vào hội, đón lễ tết lại mời đội chiêng trẻ của buôn đến góp vui và làm cho buổi lễ thêm thành công, náo nhiệt hơn. Ngoài ra, khi ở huyện, ở tỉnh tổ chức lễ, hội hoặc giao lưu cồng chiêng thì Đội chiêng trẻ của buôn Kroa B cũng được mời đi tham gia biểu diễn và được các nghệ nhân đánh giá rất cao./.

Theo Ngô Xuân (Dân việt)

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra