Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6):

Những vần thơ Bác Hồ gửi thiếu nhi

Thứ năm, 01/06/2023 09:00
(ThanhtraVietNam) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao tinh thần yêu nước, thương nòi và sự đóng góp cho cách mạng của thiếu nhi. Bên cạnh đó, Người cũng chỉ ra thiếu nhi chính là thế hệ nối tiếp cha anh trong công cuộc xây dựng và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 28/1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay khi về nước, tuy công việc bộn bề nhưng Người luôn quan tâm đến phong trào của thiếu nhi. Trong phần đầu tiên của cuốn “Lịch sử nước ta” được Người viết trong năm 1941 tại tại Pác Bó, Cao Bằng đã nhấn mạnh ngay đến vai trò của thiếu niên, nhi đồng nước ta đối với việc nước nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm:

Thiếu niên ta rất vẻ vang

Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời.

Tuổi tuy chưa đến chín mười

Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương

leftcenterrightdel
 Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Bởi vậy, ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Hội Nhi đồng cứu quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập với 5 đội viên đầu tiên là: Nông Văn Dền với bí danh Kim Đồng; Nông Văn Thàn, tức Cao Sơn; Lý Văn Tịnh, tức Thanh Minh; Lý Thị Ni, tức Thủy Tiên và Lý Thị Xậu, tức Thanh Thủy. Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được bầu làm đội trưởng đầu tiên.

Bốn ngày sau khi lập Hội Nhi đồng cứu quốc, Mặt trận Việt Minh cũng được thành lập (19/5/1941). Hội Nhi đồng cứu quốc đã ngay lập tức tham gia vào Mặt trận Việt Minh. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần làm thơ kêu gọi các em thiếu nhi hãy tham gia vào Hội Nhi đồng cứu quốc, thành viên của Mặt trận Việt Minh:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan

Chẳng may vận nước gian nan

Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng

Học hành giáo dục đã không

Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa

Sức còn yếu tuổi còn thơ

Mà đã khó nhọc cũng như người già

Có khi lìa mẹ lìa cha

Để làm tôi tớ người ta bên ngoài

Vì ai nên nỗi thế này?

Vì giặc Nhật, vì giặc Tây bạo tàn

Khiến ai nước mất nhà tan

Trẻ em cũng chịu cơ hàn xót xa

Vậy nên trẻ em nước ta

Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh

Người lớn cứu nước đã đành

Trẻ em cũng góp phần mình một tay

Bao giờ đuổi hết Nhật Tây

Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng.

(“Kêu gọi thiếu nhi”, 21/9/1941)

Và:

Trên đồi cỏ mọc xanh xanh

Một đàn cò đậu ngoài ghềnh xa xa

Trâu bò lũ bảy, lũ ba

Ven đồi chen chúc bụi già, cỏ non

Chăn trâu mấy trẻ con con

Cùng nhau xướng hát véo von trên gò:

“Vì ai ta chẳng ấm no?

Vì ai ta đã phải lo cơ hàn?

Vì ai cha mẹ nghèo nàn?

Vì ai nhà cửa, giang san tan tành?

Vì ai ngăn cấm học hành?

Vì ai ta phải chịu đành dốt ngây?

Ấy là vì Nhật, vì Tây

Ra tay vơ vét, đoạ đày chúng ta

Làm cho tan cửa nát nhà

Trẻ con vất vả, người già đắng cay

Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Tây

Anh em ta mới có ngày vinh hoa

“Nhi đồng cứu quốc” hội ta

Ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh

Ấy là bộ phận Việt Minh

Dân mình khắc cứu dân mình mới xong”

Ai nghe mà chẳng động lòng

Khá khen con trẻ mục đồng Việt Nam.

(“Trẻ chăn trâu”, 21/11/1942)

Vào năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng vở và những dòng thơ giản dị nhưng chứa đựng tình cảm và sự quan tâm sâu sắc cho một thiếu nhi người dân tộc ở Cao Bằng:

Vở này ta tặng cháu yêu ta

Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là

Mong cháu ra công mà học tập

Mai đây cháu giúp nước non nhà

(“Tặng cháu Nông Thị Trưng”).

Tết Trung thu năm 1946, khi Đất nước đã được độc lập, mặc dù bận rộn với những công việc quan trọng của đất nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên làm thơ gửi cho thiếu nhi:

Bác mong các cháu chăm ngoan

Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng

Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng

Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam.

Tết Trung thu năm 1951, trong điều kiện kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng khốc liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên viết thơ tặng thiếu nhi:

Trung thu trăng sáng như gương

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng

Sau đây Bác viết mấy dòng

Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung.

Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thơ để nói lên tình thương yêu vô bờ bến của Người đối với thiếu nhi:

Ai yêu các nhi đồng

Bằng Bác Hồ Chí Minh

Tính các cháu ngoan ngoãn

Mặt các cháu xinh xinh

Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tùy theo sức của mình...

Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh.

Trên báo Nhân Dân số 126, từ ngày 16 đến 20/9/1953, đã đăng bài thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cháu thiếu nhi. Lần này, vui sướng về những chiến thắng vang dội của quân dân cả nước trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó có sự đóng góp rất tích cực của các em thiếu niên, nhi đồng, Người viết:

9 Tết Trung Thu,

8 nǎm kháng chiến,

Các cháu khôn lớn,

Bác rất vui lòng.

 

Thu này Bác gửi thơ chung,

Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa,

Thu này hơn những Thu qua,

Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần.

Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi thiếu niên, nhi đồng cả nước và bao giờ Bác cũng dành tình cảm thân thương, trìu mến mà rất mộc mạc chân tình:

Thân ái chúc các cháu

Vui vẻ mạnh khỏe

Đoàn kết chặt chẽ

Thi đua học hành

Tiến bộ mau lẹ.

Trong thư gửi các cháu miền Nam năm 1965, trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ và chư hầu đổ quân vào miền Nam và cả dân tộc đang đứng lên chống lại chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm niềm tin vào các em thiếu niên, nhi đồng:

Nam Bắc sẽ sum họp một nhà,

Bác cháu ta sẽ gặp mặt trẻ già vui chung.

Nhớ thương các cháu vô cùng,

Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi.

Nói về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thiếu nhi, nhà thơ Tố Hữu đã viết nên những vần thơ:

Và các em có hiểu vì sao

Lòng Bác mênh mông vẫn dạt dào

Yêu nụ mầm non, yêu tuổi trẻ

Biển thường yêu vậy sóng xôn xao

(“Theo chân Bác”, 1/1970)

Nguyễn Văn Toàn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra